Đề cử giải thưởng Hiệp hội biên kịch Mỹ 2015:

Sách hay ra phim tốt

 Gillian Flynn, tác giả tiểu thuyết đồng thời biên kịch phim “Gone Girl”
Gillian Flynn, tác giả tiểu thuyết đồng thời biên kịch phim “Gone Girl”
TP - Hiệp hội các nhà biên kịch Mỹ (WGA) mới công bố các đề cử cho giải thường niên Writers Guild Award (ngày 7/1). Nhìn quanh hạng mục “Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất” (Adapted Screenplay, viết tắt là A.S) thấy các nhà làm phim đang khai thác triệt để những ý tưởng đến từ sách, truyện.

Hai hồi ký, một tiểu sử, một tiểu thuyết và đặc biệt một truyện tranh đã được chuyển thể thành kịch bản, lọt vào top 5 ứng viên A.S.

Chứng tỏ cánh biên kịch bắt đầu nghiêng dần về các cuốn sách phi hư cấu, làm phim về các nhân vật có thật trong lịch sử thay vì suốt ngày mơ màng với những tình tiết sáng tạo trong văn học.

Cụ thể, kịch bản phim The Imitation Game với ngôi sao nước Anh Benedict Cumberbatch vào vai nhà toán học đồng hương Alan Turing, được dựa trên cuốn tiểu sử Alan Turing: The Enigma của Andrew Hodges. Cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1983 thuật lại tường tận cách Turing giúp nước Anh phá vỡ mật mã Enigma của quân Đức trong Thế chiến II và kết thúc nghiệt ngã của ông sau đó chỉ vì đồng tính luyến ái.

Hai hồi ký có đề tài khác hẳn nhau. American Sniper là của Chris Kyle, xạ thủ giỏi nhất trong lịch sử quân đội Mỹ nhớ về thời giết chóc tại chiến trường Iraq. Ngược lại, Wild là hồi ký của Cheryl Strayed, cô gái nổi loạn sau cái chết người mẹ thân yêu rồi vật vã tìm lại chính mình.

Nhà văn Gillian Flynn, tác giả tiểu thuyết gây sốt Cô gái mất tích (Gone Girl) từng tuyên bố chỉ cô mới hiểu tường tận tác phẩm của mình. Gillian tự tay chuyển thể thành kịch bản phim trinh thám kinh dị cùng tên. Có vẻ cô đã đúng. Phim được giới chuyên môn khen ngợi rất nhiều còn kịch bản thì nhận đề cử của WGA.

Sự có mặt gây bất ngờ nhất thuộc về kịch bản Guardians of Galaxy chuyển thể từ truyện tranh của hãng Mavel. Bởi thường mấy bộ phim bom tấn siêu anh hùng kiểu này ít được đánh giá cao về mặt kịch bản.

Ngoài danh sách trên, năm rồi còn cả đống “kịch bản từ sách” đáng quan tâm. Unbroken của đạo diễn Angelina Jolie chuyển thể cuốn tiểu sử vận động viên Louis Zamperini của tác giả Lauren Hillenbrand. The Theory of Everything, đề cử Quả cầu vàng lấy từ hồi ký cuộc đời nhà vật lý Stephen Hawking (Jane Hawking, vợ đầu của ông chấp bút). Thám tử Günther Bachmann – vai diễn cuối đời của tài tử quá cố từng giành tượng vàng Oscar Philip Hoffman – trong phim A Most Wanted Man cũng từ sách mà ra.

Phim hoạt hình The Boxtrolls, phim hình sự hài Inherent Vice, phim tâm lý xã hội Still Alice, phim hài giành giải “Gấu vàng” (LHP Berlin) The Grand Budapest Hotel … cùng sử dụng kịch bản chuyển thể. Điều này chứng tỏ sách hay, không cứ thể loại, đều có thể làm thành bộ phim tốt.

Giải Writers Guild Award có ba hạng mục: “Kịch bản gốc”, “Kịch bản chuyển thể” và “Kịch bản phim tài liệu” do Hiệp hội các nhà biên kịch Mỹ bình chọn nhằm tôn vinh kịch bản xuất sắc nhất năm. Đây được coi là một trong những giải tiền Oscar, có tính dự báo cao cho hạng mục Kịch bản xuất sắc nhất.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.