Sách sử ngày càng ăn khách?

Nhiều bạn trẻ quan tâm tới lễ ra mắt và giao lưu về “Sử Việt-12 khúc tráng ca”. Ảnh: Nguyên Khánh.
Nhiều bạn trẻ quan tâm tới lễ ra mắt và giao lưu về “Sử Việt-12 khúc tráng ca”. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Ít ra đó là tín hiệu của vài cuốn sách gần đây như Lĩnh Nam chích quái, Sử Việt-12 khúc tráng ca dần đưa sách sử vào hàng ăn khách không kém truyện của Nguyễn Nhật Ánh.

Bất ngờ

Lĩnh Nam chích quái ấn bản mới của NXB Kim Đồng vừa qua tạo nên kỳ tích vì cháy hàng trước khi ra mắt. Sách sử xưa nay hiếm khi nằm trong dòng sách bán chạy, tuy nhiên sự dụng công của những người làm sách và đặc biệt là họa sỹ Tạ Huy Long làm nên sức sống mới.

Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp viết bằng chữ Hán vào đời Trần, tập hợp những chuyện kỳ lạ ở nước Nam. Ấn bản mới nhất của Nhà Xuất bản Kim Đồng dành cho thiếu nhi, bản dịch của Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San hòa quện với hơn 200 bức vẽ minh họa có màu tạo nên diện mạo mới.

Sách sử cho thiếu nhi chưa hạ nhiệt, cuốn Sử Việt-12 khúc tráng ca ra mắt tại Hà Nội chiều 25/6 khiến nhiều người bất ngờ. Tác giả Dũng Phan quen thuộc với độc giả trẻ, bởi là một trong số người điều hành trang facebook The X File of History thu hút hơn 120 nghìn người theo dõi. Vốn là kỹ sư xây dựng nhưng nghề tay trái của Dũng là viết báo và sử. Những bài viết của Dũng trên trang web về lịch sử thu hút bạn đọc ở lối kể chuyện không khô khan như biên niên sử.

Những sự kiện trọng đại, danh nhân lịch sử được chuyển tải đến bạn đọc qua lối hành văn mềm mại và gắn với câu chuyện. Sách chưa chính thức phát hành nhưng 5 nghìn bản in bán hết trên nhiều hệ thống thương mại điện tử, trong đó 1 nghìn bản cứng giới hạn hết veo trong 4 tiếng mở hàng.

Những người cho rằng giới trẻ thờ ơ về lịch sử có lẽ phải xem lại, bởi hàng trăm độc giả trẻ có mặt trước lễ ra mắt hai tiếng để lấy chỗ và mua sách. Hàng trăm bạn đọc đến sau phải đứng hoặc ngồi bệt ở hành lang để theo dõi giao lưu.

Viết sử mềm mại

“Sử Việt-12 khúc tráng ca không phải dã sử, những chi tiết được kể lại trong cuốn sách lấy từ chính sử. Nhưng cuốn sách với nhiều câu chuyện về những anh hùng dựng nước và giữ nước như Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông được kể lại với sự mềm mại nhất, hùng tráng nhất”, tác giả nói. Dũng Phan giải đáp thắc mắc về con số 12 khúc tráng ca-con số hoàn hảo và quyền lực.

Tác giả chọn ra sáu nhân vật dựng nước, sáu nhân vật giữ nước từ dòng họ Khúc đặt nền móng tự chủ, Ngô Quyền chấm dứt 1 nghìn năm Bắc thuộc cho đến Hào khí Đông A gắn với Đức Thánh Trần, bản bi hùng ca gắn liền với Hồ Quý Ly cho tới khúc ca cuối cùng về dòng họ Nguyễn tạo nên diện mạo chữ S.

Gần hai tiếng giao lưu, tác giả nhận được không ít lời chúc mừng và cảm ơn của những bạn đọc trẻ tuổi, một vài độc giả lớn tuổi. Trong số nhiều câu hỏi đặt cho tác giả không ít bạn trẻ chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt, tình yêu sử Việt không nhỏ. Chẳng hạn có bạn đặt vấn đề vai trò của lịch sử đối với giới trẻ trong bối cảnh xã hội hiện nay, bài học lớn nhất lịch sử dạy cho tác giả là gì. Hoặc làm thế nào để tiếp cận với nguồn sử liệu chính thống giữa nhiều luồng thông tin nhiễu loạn. Có một nam sinh viên thắc mắc liệu có cách nào tiếp cận lịch sử mà không cần đọc sách.

“Nền giáo dục chưa đặt lịch sử đúng vị trí. Giá trị của lịch sử là giá trị của cuộc đời”, Dũng Phan nói. Cố gắng đưa ra những lời giải đáp giản dị và dễ hiểu nhất, tác giả nói rằng tư duy lịch sử mới là vấn đề chính và nó nằm ở trí óc và trái tim. Hai yếu tố này theo tác giả giúp bạn đọc trẻ không bị cuốn vào vòng xoáy phi chính thống. Không chỉ dựa vào nguồn sử liệu kinh điển như Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu, Đại Nam thực lục hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn), các chi tiết trong cuốn sách tham khảo không ít công trình của các tác giả tên tuổi thời nay như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Quang Ngọc, Hà Văn Tấn, Lê Thành Khôi.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá những câu chuyện huyền thoại, truyền thuyết như Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh “mô đi phê” đời thực của các danh nhân, câu chuyện “cũng có giá trị nhưng chỉ ở một phần nào đó bởi sự tưởng tượng dân gian này không phải là sử, không thể thay thế cho tác phẩm sử học đích thực”. Ông nhấn mạnh “Tác phẩm sử học nghiêm túc phải có đánh giá khoa học, có phê phán sử liệu, chứ không phải chỉ nhấc những thứ hay ho vào sách”, GS Ngọc nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.