Sách tặng

Sách tặng
TP - Một anh bạn bác sĩ nổi tiếng về chơi sách ở Quảng Ngãi, vừa viết hẳn một cuốn gần 400 trang về thú chơi sách, kể rằng anh từng mua một lúc... vài chục tập thơ tại một chiếu sách cũ.

> Người 'Chắp cánh thiên thần' bằng sách

Chỉ vì cám cảnh khi thấy đầu mỗi cuốn thơ đều nắn nót lưu lại những chữ ký, những triện son, những lời đề tặng “thống thiết” của các tác giả cho một nhà thơ nổi tiếng còn sống và thường xuất hiện trên báo chí.

Và cũng vì không muốn có thêm nhiều người phải chứng kiến số phận bạc bẽo, hẩm hiu của những tập thơ nọ không hiểu vì lý do gì lưu lạc trên manh chiếu sách vỉa hè.

Lại nhớ cái hồi pháo và nghề làm pháo Tết còn đang râm ran tưng bừng khắp nơi, tôi kẻ viết bài này cứ mỗi tuần đạp xe khiêng về hàng bao tải sách cũ loại cân ký.

Trong những bao tải sách đó còn lưu vô số lời đề tặng ngọt ngào của các tác giả. Có một nữ nhà thơ thân thiết mà giờ ghi hẳn tên ra không sợ chị “chạnh lòng”, đó là Giáng Vân.

Tập thơ “Năm tháng lãng quên” đầu tay in năm 1990, nữ thi sĩ đề “kính tặng” vợ chồng một người mà chị yêu quý, nhưng rồi suýt nữa thì “tan xác pháo”!

Thấy bần thần mãi với cuốn tự điển Pháp - Việt in trước 1975 do chính soạn giả tên tuổi thủ bút với dòng đề tặng “Kính tặng Anh (...) với lòng quý mến chân tình nhất. Miền Nam, Thu 83”. Người được tặng sách là một vị lãnh đạo cao cấp có làm thơ.

Cuốn “Vong bướm” của Nguyễn Huy Thiệp bán ở Ngày thơ Văn Miếu năm ngoái, từng cuốn đều có sẵn chữ ký tác giả và dấu triện son đề rõ tên. Dù tác giả không có mặt. Một cách “bán sách” khôn ngoan và văn hoá.

Mới thấy lời “khuyên” của anh bạn bác sĩ chơi sách là có lý, rằng với người chưa quen, nếu cần thiết thì chỉ tặng sách mà không để lại bút tích. Sơ giao thì kèm triện son và chữ ký. Chỉ khi thâm tình mới thêm lời đề tặng trân trọng.

Nhưng bây giờ, kể cả thâm tình, cũng đâm khó. Vì tôi biết có những vị chức sắc làng văn, mỗi ngày được các tác giả “kính tặng”, “thân quý tặng” hàng vài chục đầu sách gửi từ mọi miền đất nước. Lấy chỗ nào mà chứa?!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG