Sài Gòn ngẫu hứng Jam

Jam nhạc ngẫu hứng tại Circle bar. Ảnh: T.N.A
Jam nhạc ngẫu hứng tại Circle bar. Ảnh: T.N.A
TP - Những người yêu nhạc tụ tập lại với nhau để cùng chơi ngẫu hứng (Jam) guitar, trống, organ… đã thành một nét văn hóa mới của người dân TPHCM. Đi trên các con phố náo nhiệt, thỉnh thoảng người ta lại nhìn thấy những người yêu nhạc bập bùng tiếng đàn tiếng hát say sưa như những nghệ sĩ lãng tử quên thời gian.

Xóa mọi ngăn cách

Hình thức chơi nhạc ngẫu hứng (thuật ngữ trong nhạc jazz thường gọi là Jam), giữa những người không quen biết hoặc chưa từng chơi chung với nhau, cùng quần tụ trong một chương trình hay một quán bar bắt đầu phổ biến ở Mỹ và nhiều nước phát triển vài chục năm gần đây. Nó là một hình thức sân khấu mở, nơi người yêu nhạc, không kể tuổi tác, trường phái, quốc tịch, chỉ cần đăng ký là có thể lên chơi nhạc cùng nhau. Các nghệ sĩ tên tuổi của thế giới cũng tham gia nhiều chương trình Jam như vậy, như một cách đến gần hơn với công chúng và hòa đồng cùng các nghệ sĩ khác từ nhiều trường phái âm nhạc khác nhau.

“Chơi nhạc ngẫu hứng Jam tại Việt Nam có lẽ xuất phát từ TPHCM độ 10 năm trước. Khi đó, các công ty thiết bị âm nhạc, nhất là cửa hàng âm nhạc Doremi đã khuyến khích và giúp đỡ các nghệ sĩ TPHCM và các nghệ sĩ toàn Việt Nam tham gia vào một chương trình Jam đầu tiên tại TPHCM” – các nghệ sĩ cho biết. Đó cũng là lần đầu tiên nhiều người chơi nhạc đến từ Hải Phòng, Hà Nội, Nha Trang, Đồng Nai, TPHCM chơi chung với nhau trên cùng một sân khấu, cùng đưa ra những câu nhạc solo ngẫu hứng mang màu sắc cá nhân cũng như phong cách của các vùng miền.

Ngay cả các nghệ sĩ chơi guitar bass cũng có các cuộc phiêu lưu ngẫu hứng của riêng họ, tiêu biểu như chương trình của nghệ sĩ bass Minh Quang, Phương bass.

Nhiều người xem rất bất ngờ khi tham gia các cuộc chơi nhạc ngẫu hứng này còn có các tên tuổi như nghệ sĩ saxo Trần Mạnh Tuấn (tham gia ở sân khấu Ân Nam), hay nghệ sĩ guitar được mệnh danh “Mười ngón tay vàng” Trung Nghĩa từ hải ngoại trở về, thường chơi ở quán nhạc gần ga xe lửa.

Trong khi, giá vé những sân khấu biểu diễn ngày càng đắt đỏ và nội dung các chương trình đôi khi lặp lại, thì những cuộc vui âm nhạc ngẫu hứng thu hút sự quan tâm của nhiều người trong giới âm nhạc và cả người nghe. “Chỉ cần bỏ tiền mua một ly cà phê, mang theo một cây đàn, bạn có thể hòa mình vào một cuộc Jam âm nhạc vài tiếng đồng hồ” – chủ quán cà phê Bụi nói.

Ngẫu hứng qua mạng

Một số trang và diễn đàn đã đưa hình thức ngẫu hứng online lên mạng như một cuộc chơi thời internet. Dựa trên một chủ đề như một tác phẩm gốc được đưa ra, các thành viên của diễn đàn có thể solo ngẫu hứng và gửi clip về cho ban tổ chức đăng tải và chấm điểm bình bầu, chia sẻ.

Jam online giúp người chơi ở nhiều miền đất nước kết bạn và giao lưu với nhau qua âm nhạc mà không nhất thiết phải tụ tập tại một địa điểm. Anh Phương Yoko, một nghệ sĩ guitar ở TPHCM đã tâm sự với phóng viên rằng anh “rất muốn xây dựng một nhóm ngẫu hứng trên mạng, trong đó các nghệ sĩ có thể trao đổi kinh nghiệm và đưa ra những đoạn ngẫu hứng của mình cho bạn bè nhận xét, trước khi các nghệ sĩ biểu diễn chúng trước công chúng”.

Mới đây, anh Phương Yoko có thông báo với phóng viên về một nhóm nghệ sĩ như vậy đã được xây dựng. Hôm 27/5/2017 mới rồi, nhóm đã có buổi ra mắt đầu tiên tại bar nhạc Yoko với rất đông bạn trẻ tham dự. Anh  Quốc, đại diện nhóm Guitar Clinics đã trả lời hàng trăm câu hỏi của các bạn trẻ liên quan đến kỹ thuật chơi ngẫu hứng với nhau. Anh Quốc cho biết “bản thân anh chỉ là người yêu guitar, chơi nhạc tay ngang, hiện còn có công việc khác mưu sinh, song anh luôn dành cho cây đàn guitar một tình yêu đặc biệt. Với anh thì âm nhạc chính là sự sẻ chia, có bao nhiêu sẻ chia bấy nhiêu”. Nghệ sĩ này là “tay ngang” nhưng cũng thường biểu diễn tài nghệ guitar của mình trên truyền hình!

Anh Tùng, biệt danh “Tùng thầy giáo” vì có khá nhiều học trò guitar, sau khi đã Jam với Phương Yoko một đoạn ngẫu hứng được hoan nghênh nhiệt liệt, đã cho biết: “Jam là một hình thức mà các nghệ sĩ trò chuyện với nhau bằng tiếng đàn. Người này nói, người khác nghe, cứ thay nhau mà thể hiện mình như vậy”.

Sài Gòn ngẫu hứng Jam ảnh 1 Hướng dẫn chơi nhạc Jam tại Yoko bar. Ảnh: Ban tổ chức.

Dân ngoại cũng quan tâm Jam Việt

Yoko bar là quán nhạc nổi tiếng tại TPHCM, hiện đã dành mỗi tuần một tối thứ Ba cho Jam. Hàng chục nghệ sĩ và người nước ngoài yêu nhạc tại TPHCM đã quần tụ với nhau vào buổi tối sân khấu mở này, để được lên sân khấu chơi nhạc với nhau. Một lần người viết bài này đã chơi ngẫu hứng cùng một người chơi piano là nghệ sĩ người Canada, một nghệ sĩ kèn Pháp và một nghệ sĩ trống từ Indonesia. Tất cả mới chỉ gặp nhau lần đầu và phải buộc nghe nhau, mỗi người sẽ chơi chính ở một đoạn nhạc. Những buổi tối chơi ngẫu hứng như vậy diễn ra thường xuyên ở Yoko. Davis Trần, nghệ sĩ Việt kiều làm M.C cho chương trình này cho biết, mỗi nhóm đăng ký Jam chỉ được dành thời gian chơi 2 bài, song tới khuya danh sách đăng ký vẫn còn rất dài.

Cách đây một tuần, phóng viên đã vô tình gặp một nhà báo từ Mỹ sang TPHCM làm phim tư liệu về văn hóa Jam tại Việt Nam. Phóng viên này quay cảnh rất nhiều người chơi nhạc ngẫu hứng cùng nhau tại TPHCM, họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau và điểm chung của họ là yêu âm nhạc và thích chơi nhạc ngẫu hứng. Phóng viên Mỹ cho biết: “Tôi nghe nói nhiều đến trào lưu chơi nhạc ngẫu hứng ở Sài Gòn, nhưng lần đầu tiên tôi chứng kiến, quay phim. Tôi thấy rất thú vị và đưa ra một số câu hỏi khảo sát về hình thức nghệ thuật này cho các bạn điền vào”.

Chơi nhạc ngẫu hứng cùng nhau có thể nói đang là “mốt” ở TPHCM, khi rất nhiều điểm chơi nhạc đã dần quan tâm đến hình thức sân khấu mở, tức là tạo không gian cho người yêu nhạc thể hiện mình. Rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi của thế giới, khi tới Việt Nam biểu diễn và làm việc, cũng thường dành thời gian nhất định để Jam ngẫu hứng với khán giả và người yêu nhạc trong thành phố.

Sài Gòn ngẫu hứng Jam ảnh 2 Một phóng viên Mỹ làm phim về Jam ở Việt Nam. Ảnh: T.N.A.

Để không “sớm nở tối tàn”

Chơi nhạc ngẫu hứng cùng nhau đó là cách khỏa lấp đi khoảng cách giữa các nghệ sĩ với nhau và giữa nghệ sĩ và khán giả. Bản thân những địa điểm tổ chức Jam cũng không phải trả tiền cát xê cho người chơi, nên cũng giảm được chi phí. Rất nhiều bạn trẻ có cơ hội chơi chung với các bậc đàn anh và tập làm quen sân khấu. Người viết bài này đã từng chứng kiến cảnh một cô gái trẻ đăng ký lên hát, nhưng cứ ôm ngực, mồ hôi vã ra chờ đến lượt của mình. Tuy vậy, khi lên sân khấu, cô lại hát rất tự tin cùng một người bạn của mình những đoạn bè mà không cần nhạc cụ đệm!

Sau buổi trao đổi đầu tiên về kỹ thuật Jam, anh Quốc nhận xét: “Mọi người đã đến tham dự đông đủ và theo mình thấy rất thành công”. Ban đầu nhóm của anh Quốc dự kiến sẽ chỉ giao lưu trao đổi và ngẫu hứng trong một nhóm nhỏ và kín, không công khai, nhưng quá nhiều người quan tâm và cuối cùng nó đã biến thành một buổi trò chuyện và ngẫu hứng công khai!

Song, chơi nhạc ngẫu hứng cũng không đơn giản. Chủ quán nhạc Hoài Anh cho biết: “Một số bạn không biết chơi nhạc, cũng muốn thể hiện mình nên việc đánh vỡ mặt trống là chuyện bình thường”.  Anh Phan Nam, chủ quán Circle bar thì kể rằng: “Có những khách rất thích chơi nhạc ngẫu hứng, nhưng lối sống cũng quá ngẫu hứng, thậm chí đến quán người ta mà nằm lăn ra ngủ, chờ đến lượt mình chơi nhạc, khiến người khác thấy họ không được tôn trọng nên bỏ về không Jam nữa”.

Nghệ sĩ Phương Yoko cho biết: “Để chơi ngẫu hứng cùng nhau, người chơi nhạc phải hiểu về âm nhạc, có kiến thức và kỹ năng nhất định mới có thể chơi cùng nhau. Song điều cần nhất là phải yêu âm nhạc và muốn chia sẻ đam mê cùng nhau. Còn nếu tập trung đông mà thiếu sự quan tâm chia sẻ, thì những buổi Jam khó thành công”.

Nghệ sĩ Việt kiều, giảng viên Nhạc viện TPHCM Lê Duy cho biết: “Chơi nhạc ngẫu hứng là một đặc trưng của nhạc jazz. Đầu tiên, các nghệ sĩ sẽ chơi một bản nhạc kinh điển nhiều người cùng biết, bản nhạc đó thường có 32 khuôn nhạc. Sau đó, dựa trên hòa âm, các nghệ sĩ sẽ thay nhau ngẫu hứng. Để Jam ngẫu hứng hay, người chơi phải biết ít nhiều về sáng tác, bởi chơi ngẫu hứng chính là một hình thức sáng tác âm nhạc ngay trên sân khấu”. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.