“Sài Gòn teen” và âm nhạc tuổi teen

“Sài Gòn teen” và âm nhạc tuổi teen
TP - Tối 22/9, "Sài Gòn teen" lần đầu ra mắt. Lời khá đơn giản- "Nào cùng hát tuổi teen Sài Gòn/Nào cùng hát khúc ca yêu đời"… phối kiểu dance nên dễ thuộc, dễ nghe.
“Sài Gòn teen” và âm nhạc tuổi teen ảnh 1
Ca sĩ trẻ Tóc Tiên

19h30 ngày 24/10 tại NH Bến Thành (TPHCM), chương trình Sài Gòn teen lần thứ hai sẽ diễn ra, dự kiến có mặt Lam Trường, Thanh Thảo, các ban nhạc tuổi teen, Cao Thái Sơn, Hứa Vĩ Văn, Phạm Thanh Thảo…

Đây có thể gọi là phiên bản mới của chương trình Nốt nhạc xanh, từ tháng 9/06 Cty Thế giới âm nhạc và NH Bến Thành phối hợp tạo dựng một sân chơi âm nhạc hướng về khán giả tuổi học trò hay còn gọi tuổi teen.

Khán giả học trò lâu nay vẫn nghe đủ loại nhạc chứ không chỉ Phượng hồng, Tháng sáu mùa thi hay Cô bé dỗi hờn… Họ cũng là đối tượng chủ chốt để ca sĩ nhắm đến, điển hình là lập fan club. Nhưng ca khúc sáng tác riêng cho đối tượng này đang rất yếu, không hút được tai nghe của bạn trẻ.

Tối 22/9 Sài Gòn teen lần đầu ra mắt, MC tập cho khán giả ca khúc mới toanh Sài Gòn teen, coi như nhạc hiệu của chương trình. Lời khá đơn giản Nào cùng hát tuổi teen Sài Gòn/Nào cùng hát khúc ca yêu đời… phối kiểu dance nên dễ thuộc, dễ nghe.

Nhìn tổng thể chương trình, ca khúc cũ, mới đều được phối lại theo kiểu dance hoặc ngập tràn không khí rock, hip hop… cho đúng gu teen. Nhưng gay go nhất không chỉ là có mời được ngôi sao nổi tiếng tham gia hay không (hiện tại chưa bán vé, phát giấy mời) mà là tìm bài hát phù hợp và làm sao từng tháng phải có nội dung, chủ đề rõ ràng để không bị nhàm chán, thậm chí cạn vốn.

Nhạc sĩ Hoài Nam tham gia chọn bài và biên tập phần âm nhạc, tâm sự: “Lượng bài hát khá nhiều, nhưng ca sĩ chưa chịu đầu tư, hơn nữa khán giả học trò bây giờ cũng nghe nhạc thị trường nhiều, có khi  nghe bài dành cho lứa tuổi của mình không hiệu ứng nữa…”.

Hoài Nam vừa thuyết phục ca sĩ chịu khó tập các bài hát tuổi học trò vừa phải phối lại ca khúc sáng tác từ những thập niên 80, 90 để tạo cho khán giả teen bây giờ một cảm xúc mới.

Thế là chương trình Sài Gòn teen tháng 9 được nghe Quang Vinh và Thu Thủy hát Tan trường tan trường/Tà áo tung bay tựa mây trắng… Cách đó vài tuần, những người tổ chức Đêm nhạc Từ Huy cũng muốn mời một ca sĩ trẻ hát Mong đợi ngậm ngùi nhưng ca sĩ này không thuộc và cũng không còn kịp thời gian để tập nữa.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, ca sĩ và khán giả trẻ muốn hướng tới ca khúc mới, cảm xúc mới là lẽ đương nhiên. Với người biên tập chương trình, chọn chủ đề tình yêu, giai điệu tình yêu thì quá dễ nhưng ca khúc cho tuổi teen đâu đơn giản thế.

Để không nhàm chán, tới đây Sài Gòn teen dự định mời một số nhóm nhạc ở trường phổ thông, các tiếng hát sinh viên về tham gia cho đa dạng và mới mẻ hơn chứ không phải chỉ ca sĩ chuyên nghiệp.

Hát lại bài cũ đã đành, nhưng vẫn phải có ca khúc mới cho sân chơi Sài Gòn teen trở nên đa dạng và dài hơi hơn. Sau thời Góc phố dịu dàng… thì thời điểm này ca khúc cho tuổi teen có vẻ bế tắc.

Những cảm xúc bỡ ngỡ, yêu thương, giận hờn vẫn đưa vào nhạc nhưng cứ trôi đi mà không đọng lại, một phần vì lời lẽ hoặc đơn giản quá hoặc bi lụy quá, mất hẳn sự ngây thơ dễ thương, thay vào đó là giai điệu ảo não chia li, chuyện tình tay ba, không chờ đợi ở sân trường theo kiểu cổ điển mà là chờ gọi phôn, ngóng nhau để chát trên mạng!

Nhạc sĩ Thế Hiển thỉnh thoảng vẫn có ca khúc nhí nhảnh, dễ thương phù hợp tuổi teen, ví như bài Cô bé soi gương do cô nữ sinh trường Lê Hồng Phong Tóc Tiên thể hiện.

Nhưng bản thân nhạc sĩ ý thức là một chuyện, vẫn cần có những cuộc vận động sáng tác ca khúc cho tuổi teen, cần những diễn đàn, sân chơi âm nhạc đầu tư sâu hơn, chắc hơn nữa chứ đừng để bùng lên một vài chương trình rồi lại eo xèo vãn chợ. 

MỚI - NÓNG