Sai phạm ở chùa Sổ vì thiếu kinh phí?

Chùa Sổ đối mặt mưa bão vì chờ dựng nhà bao che. Ảnh: Toan Toan
Chùa Sổ đối mặt mưa bão vì chờ dựng nhà bao che. Ảnh: Toan Toan
TP - Sau bài về sai phạm trong quá trình tu bổ đăng trên Tiền Phong số 18/7, phóng viên Tiền Phong xuống chùa Sổ (Thanh Oai) ghi nhận diễn biến mới.

Hạ giải vì ngày đẹp?

Di tích cấp quốc gia Chùa Sổ tại thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, cách Hà Nội khoảng 30km. Sáng 18/7, chúng tôi khá vất vả tìm về chùa Sổ: Từ quốc lộ 21B vào đường liên xã Tân Ước, rồi lối rẽ vào thôn Ước Lễ không hề có biển chỉ dẫn. “Trước đây có, nhưng biển bị rụng mất rồi!”, một người dân có mặt ở chùa cho biết.

Chùa Sổ nằm giữa cánh đồng, lẫn vào nghĩa địa bên cạnh. Đi từ con đường nhỏ giữa hai bên đồng lúa, rất khó phát hiện một công trình được xếp hạng kiến trúc nằm khuất nẻo. Ngoài phần gác chuông ba tầng mái còn nguyên vẹn, phần các cấu kiện của Tam bảo gồm ngói, bờ nóc, bờ giải, góc đao và hệ hoành, rui, thượng lương được xếp đống trên mấy tấm ván, đặt trong nhà bảo quản dựng phía trước sân.

“Ngày 15/7, khi chúng tôi xuống kiểm tra, các cấu kiện được hạ giải chưa được đánh dấu theo bản vẽ”, bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng BQL Di tích danh thắng Hà Nội cho biết. Theo ghi nhận của phóng viên, và theo người của đơn vị thi công “có đánh dấu, nhưng theo cách của thợ mộc”.

Ông Nguyễn Minh Khang (Cục Di sản Văn hóa) nói rằng, tất cả các hiện vật hiện nay đã hạ giải xuống, việc đánh dấu, phân loại phải có mức độ khoa học, không chất đống, hạ giải vô tội vạ. Cục cũng yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ móng gạch, bó nền hậu cung, không để gạch ngói rơi vỡ xuống sứt mẻ các cấu kiện gỗ. Tuy nhiên, sau khi dọn hết phần gạch ngói vỡ rơi xuống, đơn vị thi công mới đặt vội các tấm ván mỏng ghép bằng gỗ xoan quanh nền gạch móng.

Sai phạm nghiêm trọng nhất, theo đánh giá của đại diện BQL Di tích Danh thắng Hà Nội là hạ giải mà không có nhà bao che. Trong khi chờ UBND huyện Thanh Oai báo cáo, đơn vị thi công cho người dọn dẹp đống gạch, ngói đổ nát từ việc hạ giải trước đó. Mái che bằng bạt tạm bợ khiến nhiều chuyên gia lo ngại, nhất là khi cơn bão Rammasun được dự báo ảnh hưởng đến Hà Nội. Theo người của đơn vị thi công, sáng 19/7 bắt đầu dựng nhà bao che cho phần được hạ giải.

Tuần trước, sư trụ trì Thích Tâm Đích nói rằng, dự án tu bổ chùa Sổ khó thực hiện trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, đơn vị thi công hạ giải ngay thứ bảy tuần trước. Nếu không hạ giải, chùa Sổ có đến mức sập ngay không? “Tất nhiên chùa xuống cấp nghiêm trọng. Thêm nữa, thầy xem ngày bảo dỡ”, người của đơn vị thi công nói, và từ chối cung cấp danh tính.

“Càng ọp ẹp bao nhiêu, càng phải nâng niu. Phải coi di tích đó như ông bố ốm yếu. Tôi mời bác sĩ đến chữa, không có nghĩa để cho ông ta cứa cổ bố tôi, rồi thay cho tôi bằng một ông già khác”, GS. Trần Lâm Biền phản ứng. Được biết, chùa Sổ do thầy Thích Tâm Đức trụ trì, nhưng không ở tại chùa, mà ở tại chùa mới gần đó. Dân làng cũng thi thoảng ra đèn hương, nhưng “thiếu hơi người” cũng là một trong những nguyên nhân khiến di tích nhanh xập xệ.

Sai vì thiếu kinh phí?

“Nhà bao che quan trọng nhất khi hạ giải, nhưng thỏa thuận với Bộ và thực tế vênh nhau. Dự án này khoảng hơn hai mươi tỷ đồng, nhưng đến giờ mới được cấp khoảng bốn tỷ đồng để thực hiện phần Tam bảo.

Tuy nhiên tiền chưa về với huyện. Huyện ký hợp đồng với nhà thầu cách đây hai tháng, nguồn vốn theo dự toán. Nhà thầu làm nhà bảo quản cấu kiện, hết tiền nên không dám làm nhà bao che nữa”, người xưng là người trông nom vật tư giải thích.

Chưa có kinh phí, chưa rõ nguồn xã hội hóa bao nhiêu nhưng tiến hành hạ giải, bỏ qua làm nhà bao che-phần quan trọng nhất- chứng tỏ hành xử liều lĩnh, nhận thức sai lầm. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân do “nhận thức kém, trình độ thấp, không tôn trọng di sản”.

Về chuyện kinh phí chưa có đồng nào về tới huyện, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT&DL lí giải, kinh phí thành phố cấp trực tiếp cho chủ đầu tư-huyện Thanh Oai- Sở chỉ thực hiện công tác quản lí nhà nước, trước hết chờ báo cáo giải trình của huyện. Sáng qua, chúng tôi không thể liên hệ được với ông Nguyễn Văn Hùy, Trưởng BQL Dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai.

Hạ giải không có nhà chuyên môn có đúng luật? Trưởng BQL Di tích Danh thắng Hà Nội cho biết, tất cả có trong văn bản thỏa thuận, mà chủ đầu tư là huyện Thanh Oai chịu trách nhiệm. Được biết, chủ đầu tư thuê Cty Phát triển Đô thị ĐH Kiến trúc Hà Nội là đơn vị giám sát. Tới nay, chưa thấy đơn vị giám sát phát ngôn gì về sai phạm của đơn vị thi công.

Các anh có chứng chỉ tu bổ di tích? “Có chứ. Nhưng đây là di tích cấp Bộ đầu tiên chúng tôi làm. Trước đây, chúng tôi có trùng tu đình Vạn Phúc, xây mới cổng làng Vạn Phúc. Mọi chuyện không sao”, người của đơn vị thi công nói. Hỏi thêm về chứng chỉ tu bổ di tích của đơn vị giám sát, vị này nói, chắc phải có.

Theo Trưởng BQL Di tích danh thắng Hà Nội, vài tháng nay Hà Nội liên tục nhận được lời kêu cứu từ chùa Sổ. Tuy nhiên, khó khăn về kinh phí là một trong số nguyên nhân tu bổ chậm trễ, dẫn đến tình trạng đáng tiếc. Một người chuyên thi công dự án tu bổ di tích nói, “nếu ở năm 2010 thì khỏi phải bàn, còn bây giờ kinh tế khó khăn quá”.

Phải bỏ nhà lục giác vi phạm

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL khẳng định, nhà lục giác “không nằm trong dự án, buộc phải bỏ thôi”. Dù Cục Di sản Văn hóa có văn bản thỏa thuận ngày 10/5, về các hạng mục được tu bổ: Tam quan, hành lang tả, hữu, tiền đường, ống muống, thượng điện và hậu đường; tôn tạo nhà phụ trợ, tường bao và hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, nhà lục giác do một gia đình cung tiến được xây phía gần tường bao bên trái, do xã Tân Ước chịu trách nhiệm. Đến ngày 18/7, sau khi có văn bản của Sở, hạng mục này vẫn tồn tại trong khuôn viên chùa, chưa có dấu hiệu dỡ bỏ.

Mong manh tượng quý

Theo thông tin đơn vị thi công, 18 pho tượng được cất giữ ở am nhỏ phía sau chùa “có khóa cửa, cắt cử bảo vệ trông nom”. Tuy nhiên, theo đánh giá của GS. Trần Lâm Biền, tượng quý cần phải “cất giữ, bảo đảm bằng vàng”. Cách cất giữ hiện giờ mới chỉ đảm bảo tránh mưa nắng, không thể nói an toàn trước nguy cơ mất cắp cổ vật.

MỚI - NÓNG