Sân chơi mới của nghệ sĩ đương đại

Họa sĩ Lê Hữu Hiếu bên bức tranh giá 45.000USD.
Họa sĩ Lê Hữu Hiếu bên bức tranh giá 45.000USD.
TP - Ba cái tên chưa phổ biến trong giới hội họa đương đại Việt Nam vừa có triển lãm chung mang tên “Tam Tấu” khai mạc ngày 17/11. Đây cũng là sự kiện mở màn của Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại (Vicas Art Studio) thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, sân chơi mới của các nghệ sĩ đương đại tiềm năng.

Ba họa sĩ tham gia “Tam Tấu” lần này gồm: Lê Hữu Hiếu, Nguyễn Văn Thể và Văn Trọng.

Lê Hữu Hiếu là người duy nhất sinh sống ở Thủ đô. Anh góp mặt bằng 6 bức tranh biểu hiện – trừu tượng khổ lớn bằng các chất liệu tổng hợp tự tạo. Lê Hữu Hiếu được đánh giá là một “giọng trầm” đẹp trong nhóm. Anh là một trong số ít nghệ sỹ ở Việt Nam được Art Basel lựa chọn tham dự hội chợ nghệ thuật quốc tế và được tham gia vào Florence Biennale 2017.

Hiếu cũng là họa sĩ đương đại ít ỏi đã từng bán tranh với mức giá chục ngàn USD. Ba trong số sáu bức tranh trưng bày anh phải mượn lại của khách, trong đó bức to nhất thuộc sở hữu của một nhà sưu tập người Việt, có giá 45.000USD.

Sân chơi mới của nghệ sĩ đương đại ảnh 1 Văn Trọng (bìa trái ) và một số bức nude của anh.

Nguyễn Văn Thể hay còn gọi là Thể Kều Sapa gây tò mò bởi dòng tranh chủ nghĩa biểu hiện mới (Neo-Expressionism) được nhận xét là có tạo hình mạnh mẽ, màu sắc tinh giản nhưng ấn tượng, nét vẽ mạnh mẽ, dứt khoát và đầy xúc cảm… toát lên cái vô thức, bản năng của người họa sỹ.

Câu chuyện cá nhân của Thể kều khá thu hút: anh xuất thân từ nghề xe ôm, nhờ chở các họa sĩ đi thực tế ở Sapa mà làm quen với toan, màu và cọ. Thể kể: một trăm phần trăm những bức tranh ưng ý của anh đều vẽ trong lúc “say không biết gì”. Tranh Thể bán giá khá bình dân – từ vài trăm đến một ngàn USD, nhưng anh không đặt nặng điều đó. Hiện tại, nghề xe ôm đã giải nghệ, Thể kiếm sống bằng việc làm vườn, trồng lan. Với Thể: “Vẽ là đánh nhau với chính mình để giữ lại cảm xúc hoặc ký ức nào đó”.

Họa sĩ Văn Trọng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, hiện vẫn là một thầy giáo làng dạy Mỹ thuật. Văn Trọng chỉ thực sự vẽ từ khoảng những năm 2015, khi trên mạng Facebook xuất hiện những trang riêng của cộng đồng họa sỹ và những người yêu mỹ thuật ở Việt Nam. Trọng vừa vẽ vừa thể nghiệm, mà theo tổng kết của Curator là: anh bắt đầu từ lối vẽ ngây thơ, qua lối dã thú, biểu hiện để rồi dần dần tìm thấy phong cách cho riêng mình: Ẩn hình- khoe sắc.
Hình của Trọng thường là những gì thân thuộc của nhà nông: con trâu, con lợn, bù nhìn rơm hay những phong cảnh, những con người mà anh đã gặp, với anh, hình chỉ là cái cớ để anh biểu hiện cảm xúc của riêng mình (hình trong tranh anh thường được kéo doãng hoặc bóp méo).

Nhiều người đến triển lãm nhận xét: đây là sân chơi mới của họa sĩ. Ông Bùi Quang Thắng (giám đốc nghệ thuật của Vicas art studio) nhấn mạnh: nó là sân chơi riêng của các họa sĩ theo trường phái đương đại. Ông Thắng nói thêm: “Từ modern art trở về trước và đương đại là hai hệ hình thẩm mỹ hoàn toàn khác nhau. Cái kia là truyền thống tịnh tiến lên và không đảo lộn gì cả. Nhưng nghệ thuật đương đại thì nó đảo lộn từ sáng tạo, đến các khâu trung gian như truyền thông, phê bình, curator, cho đến cả người tiêu thụ. Ở đây người ta không quan tâm nội dung nó là gì, không có sự phân biệt nội dung và hình thức. Ở Việt Nam chưa có thị trường tranh đương đại đúng nghĩa”.

Sân chơi mới của nghệ sĩ đương đại ảnh 2 Thể kều Sapa.

Tiêu chí để Vicas chọn họa sĩ triển lãm gồm: thứ nhất: ưu tiên những người tạm gọi là yếm thế, bởi vì trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, chỉ những người có điều kiện tốt, ở các khu trung tâm văn hóa nghệ thuật, mới có nhiều điều kiện triển lãm và giới thiệu mình. Trong khi có những người ở tỉnh lẻ và không chuyên nhưng có tài, rất mới thì việc làm triển lãm trưng bày là rất khó khăn. Tiêu chí thứ hai là trong sáng tác của những họa sĩ này chạm tới được những gạch nối, hoặc những yếu tố rất nhỏ của nghệ thuật đương đại. Về khái niệm còn gây tranh cãi này, ông Thắng giải thích thêm: “Ở thế giới cũng thế, ở ta cũng thế, nghệ thuật đương đại vẫn đang là thứ gây tranh cãi. Tuy nhiên có một tiêu chí chung là gần hơn với hậu hiện đại. Ngôn ngữ bình dân, không có sự phân đôi cái biểu hiện và cái được biểu hiện. Thể loại có sự pha trộn giữa các hình thức nghệ thuật cổ điển. Nếu có những người như vậy, Vicas sẵn sàng hỗ trợ”.

Ngay trong ngày đầu triển lãm, hai bức tranh của Văn Trọng và một bức của Lê Hữu Hiếu đã bán được.

Triển lãm “Tam Tấu/ Trio” khai mạc ngày 17/11/2017 và kéo dài đến hết ngày 17/12/2017 tại 32 Hào Nam, Hà Nội.

MỚI - NÓNG