Sân khấu còn phải thay đổi

Sân khấu còn phải thay đổi
"Thay đổi lớn nhất bây giờ là tạo những điều kiện kỹ thuật, sân khấu vĩ đại, sân khấu hoành tráng" - NSND Doãn Hoàng Giang đã thẳng thắn khi nói về thực trạng sân khấu VN nhân dịp sinh nhật sân khấu Việt Nam tròn 50 tuổi.

Thưa NSND Doãn Hoàng Giang, khán giả dường như rất thờ ơ với sân khấu truyền thống. Có phải sân khấu không song hành được với thị hiếu của khán giả ngày càng khó tính hiện nay?

Phải nói thật là khán giả hiện nay thay đổi gu thẩm mỹ rất nhanh còn sân khấu chưa thể chạy kịp theo được.

Thứ hai, những nhà hát là nơi diễn ra những vở diễn không còn xứng đáng với khán giả sang trọng nữa. Khán giả bây giờ họ ăn mặc đẹp nhưng chúng ta vẫn còn những cái rạp hôi mốc, chưa xứng đáng với cái sang trọng của khán giả. Ngay cả Nhà hát Lớn - niềm tự hào của người dân thủ đô cũng đã được xây từ thế kỷ trước.

Lớp đạo diễn chúng tôi đôi khi trong sáng tạo, cứ nghĩ một cái rồi kìm cái nghĩ của mình. Sáng tạo một cái rồi lại kìm cái sáng tạo của mình.

Nhà hát không còn đáp ứng với suy nghĩ của đạo diễn, không đủ phương tiện kỹ thuật cho đạo diễn hành nghề, không còn sức hấp dẫn với khán giả. Điện ảnh, phim truyền hình có thể mang về nhà nhưng với sân khấu thì khán giả phải lìa bỏ gia đình, lìa bỏ cái êm ấm, mát mẻ, thoải mái để đến rạp thì đổi lại phải có một cái rạp như thế nào tương xứng chứ.

Do vậy tôi có thể nói sân khấu không phải xuống cấp mà đang gặp khó khăn ở khán giả, phương tiện của nhà hát.

Ngoài những vấn đề đó, sự thiếu hụt những kịch bản hay có phải làm cho sức hấp dẫn của sân khấu ngày càng kém đi?

Kịch bản bao giờ cũng được coi là cái đầu tiên trong sân khấu. Và tác giả kịch bản cũng được coi là người sáng tạo đầu tiên. Các tác giả Việt Nam đang hết sức cố gắng nhưng vẫn đang rơi vào tình trạng cũ kỹ. Họ vẫn cặm cụi viết, lao vào viết đầy mệt nhọc nhưng mỗi tác giả giao cho đạo diễn vở diễn vẫn bình thường về mặt ý tưởng, kỹ thuật, không có gì đột phá.

Nghệ thuật đạo diễn đã thay đổi, nghệ thuật trang trí cũng đã thay đổi nhưng nghệ thuật viết kịch chưa chịu thay đổi. Họ vẫn viết theo lối cổ điển, chương hồi. Chính vì thế mà các kịch bản chưa thành một cuộc thách thức với đạo diễn.

Một vở hay, dở ngoài cần ở lý tưởng, tính hữu ích cho cuộc đời thì còn cần sự thách thức. Khi đạo diễn cầm kịch bản hay sẽ khiến họ phải giật mình tìm cái khóa nào để mở, và phải mở thế nào với cái cánh cửa nặng nề đó.

Phải nói thực tế là chưa có một kịch bản thách thức chúng tôi khiến chúng tôi băn khoăn, trăn trở, vật vã. Với diễn viên cũng thế. Phải có những nhân vật thách thức diễn viên chứ không chỉ xuất hiện trên sân khấu mà cứ khóc, cười như nhau.

Theo ông thì sân khấu sẽ phải làm gì để thay đổi tình trạng này?

Tất cả khó khăn vừa nói thì sân khấu phải thay đổi, bản thân tác giả phải thay đổi. Nhưng thay đổi lớn nhất bây giờ là tạo những điều kiện kỹ thuật, sân khấu vĩ đại, sân khấu hoành tráng, lung linh cung điện để các đạo diễn hành nghề.

Thêm nữa, các diễn viên sân khấu phải trở thành đẹp như hoa hậu, như các người mẫu thời trang. Những người đẹp là cái vốn và phải sử dụng vốn một cách chính xác. Chúng ta không đi đến sân khấu để xem những người chết đói. Khi có tài sản thì mới buôn chỗ nào thật hay, thật xứng đáng được.

Trong những khó khăn đó thì tôi có thể khẳng định, sân khấu sẽ còn trở lại vì một nhà thơ Nga đã nói: “Con người không bỏ sân khấu được đâu vì sân khấu là nơi an ủi các linh hồn con người, mà linh hồn con người lúc nào cũng cần được an ủi”.

Xin cảm ơn NSND Doãn Hoàng Giang!

Theo VnMedia

MỚI - NÓNG