Sàn nhảy ngoài trời

Sàn nhảy ngoài trời
TP - Liên hoan Âm thanh Hà Nội (Hà Nội Sound Stuff Festival) lần thứ 4 thực sự biến khuôn viên của Trung tâm triển lãm Vân Hồ thành một sàn nhảy ngoài trời, thoáng đãng và không kém phần cuồng nhiệt. Điều thú vị là sàn nhảy này chào đón tất cả mọi người.

Giá vé vào cửa 50.000 đồng. Đồ ăn uống phục vụ tại chỗ giá vài chục nghìn/suất. Nhiều bậc phụ huynh cả Tây lẫn ta đưa con em đi. Không hiếm cô, cậu bé 9-10 tuổi nhảy rất đúng điệu.

“Tôi tự hào vì năm nay khán giả Việt Nam rất đông,” nhà tổ chức kiêm nghệ sĩ biểu diễn Trí Minh chia sẻ. “Nếu chỉ có Tây xem, coi như thất bại”. Khán giả đêm 15-4 càng về sau càng nhiệt tình nhảy, cổ vũ nghệ sĩ.

Rút kinh nghiệm những lần trước, năm nay trước khi sự kiện chính diễn ra (tối 15 và 16-4), một loạt đêm nhạc khởi động ở một số tụ điểm giải trí. Vì vậy, nhiều khán giả biết đến liên hoan và hình dung được thứ âm nhạc mà liên hoan mang đến.

Khoảng 800 khán giả đến với chương trình tối 15-4, con số có thể chưa ấn tượng so với các chương trình nhạc pop nhưng là bước tiến đáng kể so với liên hoan lần trước.

Nghệ sĩ violon Trịnh Minh Hiền, nghệ sĩ trumpet Trung Đông hay ca sĩ rap Hà Okio... hòa nhập với không khí náo nhiệt của sàn nhảy Âm thanh Hà Nội 2011 và cũng có tác dụng hút khách nhất định.

Có lẽ rút kinh nghiệm năm ngoái, tính thể nghiệm của chương trình năm nay giảm đáng kể. Hầu hết tiết mục đêm 15-4 đều có thể nhảy được. Hơn nữa, đó lại là thứ nhạc nhảy có gu, thậm chí ở đẳng cấp quốc tế. Đó là Coma (Đức) tiết chế và duy lý hay Charlotte Bendiksen (Na Uy) sinh động, tươi trẻ...

Để mời được những gương mặt tiêu biểu trong làng nhạc điện tử- thể nghiệm thế giới như Timeart Ensemble (Đức) hay Silvouplay (Pháp), BTC với đại diện Trí Minh phải liên lạc với một số tổ chức biểu diễn quốc tế để đặt hàng các nghệ sĩ ngay từ khi liên hoan năm ngoái kết thúc. Là khách mời khá thường xuyên của các liên hoan nhạc điện tử quốc tế, Trí Minh gặp gỡ trực tiếp nghệ sĩ để tác động thêm.

Anh nói: “Thị trường âm nhạc Việt Nam chưa phát triển, khó mời nghệ sĩ”.

Theo Trí Minh, khi các nghệ sĩ châu Âu sang Việt Nam diễn, họ có quyền tới các tổ chức văn hóa của nước họ để xin tài trợ vì đã có công truyền bá âm nhạc của nước mình sang nước bạn. Một phần vì thế mà hầu hết nghệ sĩ tham gia liên hoan lần này đều chỉ nhận cat-xê tượng trưng.

Một trong những mục tiêu của Liên hoan Âm thanh Hà Nội là tạo điều kiện cho nghệ sĩ Việt Nam giao lưu với đồng nghiệp quốc tế, tạo cơ hội cho họ ra nước ngoài biểu diễn. Nhạc điện tử với ngôn ngữ hiện đại dễ dàng xóa bỏ rào cản thẩm mỹ, hình thức, nên thoạt nhìn, nghệ sĩ Việt Nam hoặc của khu vực xử lý máy tính, máy trộn âm... không kém cạnh nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế, nhưng để ý sẽ thấy khoảng cách.

“Âm nhạc Việt Nam muốn xuất khẩu phải đảm bảo hai điều kiện. Thứ nhất, cần có sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức trong nước. Thứ hai, nghệ sĩ phải tạo được dấu ấn riêng. Nếu cũng chơi loại nhạc giống châu Âu thì chả ai mời”, Trí Minh nói. Tham gia liên hoan lần này, hình như mới chỉ có DJ Tuấn Kruise bước đầu đưa được màu sắc Việt Nam vào nhạc của mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG