Sẵn sàng bán nhà “nuôi”... ca trù!

Sẵn sàng bán nhà “nuôi”... ca trù!
Đó là tuyên bố của đào nương ca trù tài sắc vẹn toàn Phạm Thị Huệ. Chị có thể vừa đệm đàn vừa hát. Ca trù là môn nghệ thuật đang được Chính phủ giao lập hồ sơ, trình UNESCO công nhận kiệt tác nhân loại.
Sẵn sàng bán nhà “nuôi”... ca trù! ảnh 1

Phạm Thị Huệ - Ảnh do nhân vật cung cấp

Vì sao chương trình kỷ niệm 2 năm của ca trù Thăng Long lại không bán vé? Có phải vì chị sợ bán vé thì chẳng ai bỏ tiền ra mua?

Thú thực, tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc bán vé để kinh doanh. Có lẽ là chưa đến lúc nghĩ tới, vì 2 năm qua, tôi chỉ tập trung để dạy và học, cố gắng đạt được kết quả cao nhất.

Hy vọng tới đây, người Hà Nội sẽ hứng thú với việc mua vé để thưởng thức “đặc sản tinh thần” của cha ông để lại.

Chị mới học đàn, hát 2 năm, vậy mà đã dám mở câu lạc bộ ca trù (Câu lạc bộ ca trù Thăng Long) để truyền dạy. Có vội quá không?

Với người khác là vội, với tôi thì không. Tôi biết khả năng của mình. Tôi cũng biết thời gian là vàng.

Vả lại, là một giảng viên âm nhạc, tôi biết kết hợp các phương pháp truyền thống với những phương pháp mới để có thể đạt được kết quả cao trong thời gian nhanh nhất.

Hiện nay, ca trù chẳng còn được mấy ai mặn mà, và theo thời gian, nó cũng dần mai một. Vậy, chị làm gì để khôi phục những bài bản cũ, trong khi đại bộ phận dư luận thì thờ ơ? Chị có cảm thấy đơn độc?

Đơn độc, đó là cảm giác rất đáng sợ mà tôi đã phải trải qua. Nhưng mỗi ngày, tôi lại thấy những tia hy vọng lóe sáng.

Tôi tin rằng, một di sản độc đáo thuần Việt, một thú chơi tao nhã của người Thăng Long xưa không thể bị bỏ rơi mãi. Một ngày nào đó, nó sẽ sống lại với một đội ngũ ca nương trẻ, và khi đó chúng ta sẽ hiểu và trân trọng giá trị âm nhạc truyền thống.

Nghề chính của chị là giảng viên đàn tỳ bà, Nhạc viện Hà Nội. Có lẽ chị cũng không dư dả gì. Vậy chị làm gì để nuôi ca trù Thăng Long và nuôi đam mê của mình?

Điểm lại con đường đã qua, tôi thấy mình học được rất nhiều về vốn nghề, nhưng đổi lại thì tôi bị rơi vào tình trạng “túng quẫn”. Những người thân vẫn luôn luôn phải hỗ trợ tôi và đôi khi cũng hết kiên nhẫn chờ tôi “trưởng thành”. Song, tôi nghĩ mình sẽ phải cố gắng vượt qua tình trạng tài chính hiện nay dù có phải bán nhà. 

Chị có sợ những câu lạc bộ “tự phát” như ca trù Thăng Long sẽ rơi  vào cảnh “chợ chiều”?

Nếu sợ, tôi sẽ không bao giờ làm. Dù nhà nước có đầu tư hay không thì tôi vẫn cứ làm.

Tới đây, tôi sẽ nâng cao kỹ thuật cho các ca nương trẻ, tìm cơ hội để các em trình diễn nhiều hơn, có điều kiện bộc lộ khả năng và tham gia nhiều hơn vào việc phục dựng những truyền thống đang bị quên lãng.

Đêm 31/8 tới, chị sẽ trình diễn bài "Tỳ bà hành" của thi sĩ Bạch Cư Dị (đời Đường). Vì sao chị lại chọn bài này?

Trong các làn điệu ca trù, Tỳ bà hành cần đến sự truyền cảm mãnh liệt nhất, và cũng đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo, điêu luyện. Trước khi vào phách, Tỳ bà hành sử dụng 8 câu thơ trong bài Thu hứng của Đỗ Phủ làm phần ngâm, đây cũng là phần thử thách kỹ thuật và sự sáng tạo của người hát.

Ngoài ra, lời thơ của Tỳ bà hành rất trau chuốt. Những lúc một mình tôi thường ôm đàn và hát làn điệu này. Nó khiến tôi thanh thản...

Theo Y Nguyên
Thanh niên

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.