Sáng em - xi, tối tráng sĩ

Nghệ sỹ Quang Khải đứng giữa hàng thứ hai với các đồng nghiệp
Nghệ sỹ Quang Khải đứng giữa hàng thứ hai với các đồng nghiệp
TP - Thù lao cho mỗi buổi diễn chỉ loanh quanh từ một đến hai trăm ngàn đồng. Chẳng nỡ bỏ cái nghề đã ăn sâu vào máu thịt, nhưng ở lại thì phải loay hoay tìm cách mưu sinh.
Nghệ sỹ Quang Khải đứng giữa hàng thứ hai với các đồng nghiệp
Nghệ sỹ Quang Khải đứng giữa hàng thứ hai với các đồng nghiệp.

Nghề phụ nhiều hơn nghề chính

Quang Khải - Tráng sỹ Lê Liêm trong vở cải lương nổi tiếng Bến nước ngũ bồ, hồ hởi mời tôi đến nhà. Hai tấm quảng cáo rõ to treo ngay cửa ra vào. Tấm đầu ghi: “Nghệ sỹ Quang Khải - Chuyên tổ chức sự kiện, MC đám cưới, cho thuê âm thanh, ánh sáng… Tấm còn lại, bé hơn, đề rằng: “Cửa hàng bán đá thạch anh, vòng ngọc”, kèm theo số điện thoại của chủ cửa hàng.

“Quang Khải thật lắm nghề!”, tôi ngạc nhiên. Tráng sỹ cười: “Mọi người thường đùa: chẳng biết nghề nào là nghề chính của Khải nữa”. Sau tiếng cười là tâm trạng thật: “Phải thích nghi với cuộc sống thôi. Đói thì đầu gối phải bò”.

Nghệ sỹ Quang Khải
Nghệ sỹ Quang Khải.

Tráng sỹ bật mí, thỉnh thoảng anh còn làm hướng dẫn viên du lịch. Mỗi lần sang Trung Quốc, Khải lại mua ít vòng ngọc cùng đá thạch anh mang về. Cửa hàng đã ra đời như thế.

Rôm rả nhất trong những nghề tay trái của Quang Khải có lẽ là làm MC đám cưới. Ăn nói có duyên, gương mặt hồn hậu, khiến tráng sỹ được mến mộ trong các đám cưới. Mùa cưới chàng làm không hết việc. Ngày chạy hai sô, nhiều lúc hăng quá, chối từ không được, chàng ôm liền ba sô. Vẫn không xuể, chàng kéo đồng nghiệp cùng làm.

Khải hồn nhiên: “Đến mùa cưới cơ quan vui như hội. Các diễn viên nam diện comple, thắt cà vạt rộn ràng, người ngoài cứ tưởng chắc có lễ gì long trọng lắm, ai ngờ, ăn mặc chỉnh thế để đi làm MC đám cưới thôi”.

Giá mỗi sô MC dao động trong khoảng ba trăm đến năm trăm ngàn, có khi hậu hĩnh cũng được sáu trăm ngàn. Tráng sỹ làm phép tính nhẩm: “Coi như mỗi tháng nhận 15 sô đi, thì một tháng khiêm tốn cũng thu được bốn triệu rưỡi. Hơn hát cải lương nhiều chứ”.

“Thế đã bao giờ Khải nghĩ tới bỏ nghề chưa?” - tôi hỏi. “Cũng có lúc. Cuộc sống quá khó khăn. Lương được hơn 2 triệu, tính cả thù lao đi diễn được hơn 3 triệu. Mà tiền thuê nhà đã mất đứt ba triệu rưỡi!”. Bám trụ với nghề, cũng chỉ vì: “Nhiều lúc nản, nhưng nghe tiếng đàn cải lương trái tim lại xôn xao không đành từ bỏ”.

Những tấm biển quảng cáo trước ngôi nhà thuê của Quang Khải
Những tấm biển quảng cáo trước ngôi nhà thuê của Quang Khải.

Tự an ủi, tráng sỹ biện bạch: “Mình làm nhiều nghề thật nhưng những nghề ấy đều dính dáng đến nghệ thuật. Coi như là mình vẫn đang hoạt động nghệ thuật thôi”.

Cố mà sống

Khi được hỏi về thu nhập trung bình của diễn viên nhà hát Tuồng T.Ư, Giám đốc, NSND Hoàng Khiềm cho biết: “Toàn cơ quan cộng lại chia ra chắc cũng tầm hai triệu rưỡi đến ba triệu gì đấy. Tầm tầm như thế”.

“Mức thu nhập đó anh em có đủ sống không?”, tôi hỏi. Chua xót, giám đốc nói: “Nói chung là cũng phải cố mà sống”.

Tôi tìm Hán Văn Tình - người đã nổi tiếng với vai Quềnh - lão nông đầu hói với điệp khúc: “Không nên trì hoãn cái sự sung sướng” xem lão đang “cố mà sống” ra sao. Hán Văn Tình gần 40 năm lăn lộn với tuồng, nhưng thu nhập hiện tại chưa nổi bốn triệu đồng. Lão thở than: “Tôi có được đóng thuế thu nhập đâu”.

Nghệ sỹ Hán Văn Tình
Nghệ sỹ Hán Văn Tình.

Ngày trước, lão đóng phim, thỉnh thoảng đóng quảng cáo, cải thiện thu nhập, bây giờ đi học quản lý ở Học viện Hành chính hết thời gian nên lão đành cam phận với nguồn thu ít ỏi. Hán Văn Tình còn băn khoăn: “Tôi sợ tuồng khó tồn tại kiểu này”.

Diễn viên Nhà hát Cải lương T.Ư nhìn sang diễn viên Nhà hát Tuồng T.Ư đôi lúc ghen tị: “Cùng nghèo đấy, nhưng dù sao bên ấy cũng có cái rạp Hồng Hà, bên này biểu diễn còn phải thuê rạp cơ. Mà bên ấy còn túc tắc múa lân, trống hội… còn kiếm thêm được tí vào những dịp lễ hội, đi về quê cũng đông người xem”.

Hán Văn Tình phân trần: “Có về quê đấy. Nhưng thỉnh thoảng thôi. Sáu tháng đầu năm, đoàn chỉ diễn trên 30 buổi liên tục”.

Đã nghe mòn tai chuyện các “sao” ca nhạc lần lữa không chịu đóng thuế thu nhập, nhưng Tình lại khát khao: “Tôi rất muốn đóng thuế. Tôi thực sự muốn lắm. Từ lâu lắm rồi, tôi được một lần đóng thuế, đâu mười mấy nghìn gì đó, lần duy nhất”.

Lão hẹn gặp tôi vào một ngày đẹp trời để dốc thêm bầu tâm sự, lúc này lão còn bận bắt xe khách đi Quảng Ninh, tham dự buổi giao lưu nào đó để kiếm thêm.

Đức Thuận, diễn viên gạo cội của Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết: “Thuận đi làm đã 29, 30 năm, lương cứng bây giờ chỉ có ba triệu một trăm ngàn thôi. Đó đã là mức cao nhất rồi. Lương Thuận giờ chỉ kém lương sếp Thuý Mùi, Mai Hương”.

Sáng em - xi, tối tráng sĩ ảnh 5

Như tuồng, cải lương, cát- xê cho diễn viên chèo mỗi buổi diễn chỉ khoảng một 100 đến 150 ngàn đồng. Tính thu nhập, mỗi tháng Đức Thuận, đoàn phó đoàn 2, nhận khoảng bốn đến bốn triệu rưỡi đồng. Thế đã là cao, nếu so với mặt bằng chung của diễn viên kịch hát. Không như nhiều diễn viên trẻ làm thêm nhiều nghề, Đức Thuận bằng lòng với đồng lương đạm bạc.

Nhớ có lần trò chuyện với NSƯT Quốc Anh, anh rầu rầu: “Các đoàn chèo ở tỉnh vất vả lắm, đi biểu diễn bây giờ vẫn chỉ được bồi dưỡng 15-20 ngàn đồng. Biểu diễn xong, ăn bát phở rồi về, hôm sau con họ không có gì mà ăn”. Nếu so với diễn viên chèo ở tỉnh, thì cát- xê của diễn viên chèo thủ đô vẫn đáng ao ước lắm!

Vẫn không bỏ nghề

Chèo, tuồng, cải lương là bộ môn nghệ thuật tổng hợp: hát, múa, diễn, nên đòi hỏi sự rèn luyện khổ công. Ngoài năng khiếu và đam mê, thường phải mất thêm vài năm đào tạo mới thành diễn viên kịch hát. “Nếu trẻ lại, anh có chọn chèo nữa không?” - tôi hỏi Đức Thuận. “Có chứ”, anh trả lời gọn.

Nhiều diễn viên trẻ có khả năng chuyển sang nghề nhàn nhã, thu nhập cao hơn nhưng họ vẫn không bỏ nghề. Quang Khải từng được một ngân hàng mời về làm việc nhưng anh đã từ chối. Khát vọng lớn nhất của tráng sỹ vẫn là giành được một tấm huy chương ở một kỳ hội diễn, để làm kỷ niệm cho cuộc đời hoạt động nghệ thuật.

Lộc Huyền, gương mặt sáng giá trên sân khấu tuồng, từng đi hát ở đám cưới, hội nghị, mở shop bán quần áo trẻ em để thêm vào thu nhập nhưng có lần cô đã tâm sự cùng báo giới: “Chỉ cần có vai diễn, tôi sẵn sàng đóng cửa hàng, dành toàn tâm huyết để tập luyện, dù thù lao không thấm tháp gì”.

NSND Hoàng Khiềm tiết lộ: “Diễn viên bỏ nghề ít lắm, chỉ có những diễn viên không đáp ứng được nghề thì ra đi thôi”.

Khoa kịch hát dân tộc, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm nay có trên 70 thí sinh có nguyện vọng vào khoa, tuyển chọn được 30 thí sinh, chia đều cho hai bộ môn: Cải lương - Chèo. Còn bộ môn Tuồng đã nhiều năm khoa không tuyển sinh, bởi nhu cầu đầu vào, đầu ra đều rất hạn chế.

Ngày trước tỷ lệ “chọi” của thí sinh khoa kịch hát dân tộc là 1 chọi 20, thậm chí 30, nay, 1 chọi 3. Tuy thế, chất lượng thí sinh được tuyển chọn khá tốt. - Theo ông Nguyễn Hạnh Nhân, Phó Chủ nhiệm Khoa Kịch hát Dân tộc- Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

MỚI - NÓNG