Nhà văn Lê Minh Khuê:

Sao cứ phải làm người giàu nhất nghĩa trang?

Minh họa: ĐỖ ĐỨC
Minh họa: ĐỖ ĐỨC
TP - Nhà văn Lê Minh Khuê, giải thưởng Nhà nước về VHNT, giải thưởng văn học quốc tế Byeong Ju Lee của Hàn Quốc cùng nhiều giải thưởng khác, góp một tiếng nói vào diễn đàn “Kiểm soát tài sản của quan chức, cách nào” trên báo Tiền Phong.

Chị Khuê ạ, báo Tiền Phong có một cộng tác viên chuyên viết tạp bút tên là Đỗ Đức. Ông này trông lãng tử, viết báo viết văn, họa sĩ. Được các bà sồn sồn bạn facebook rất mê. Nhưng thỉnh thoảng lại phải nhắc khi ông ấy gửi bài: “Anh ơi, đừng có chống tham nhũng trên trang văn nghệ nữa, các trang khác của báo làm đủ rồi”. Đó là bởi ông ấy uất quá! Nhiều người cũng có vẻ uất đến cổ trên các diễn đàn, blog cá nhân. Viết hoài nhưng chỉ ngang đấm bị bông thôi?

Dùng từ uất cũng không đúng không sát nữa bởi cái trạng thái ấy vẫn có cơ để giải tỏa. Dùng từ chán đúng hơn vì tâm lý ấy đã làm bao nhiêu cái đầu nhiệt huyết nguội đi rồi. Chán lắm.

Trên TV đầy những hình ảnh kiểu như: cô nàng trẻ thế mà đã kịp làm tiêu tan 4 ngàn tỷ đồng không có khả năng chi trả. Bốn nghìn tỷ chứ không phải bốn chục bốn trăm ngàn đồng. Mà không phải chỉ một cô này. Quản lý thế nào để đến mức ấy thì… chán thật! Mà chả thấy ai có gan từ chức cả. Nhớ hồi nào ở Nhật Bản có quan chức vô tình bỏ túi 600 đô la, bị phát hiện, xấu hổ quá xin từ chức. Chuyện lạ thật chứ nhỉ?

Nước người nhiều chuyện lạ thế lắm! Hàng ngày tôi đi chợ cóc ven hồ Trúc Bạch, bán rẻ hều ra nhưng bà con vẫn mặc cả từ mớ rau mùi trở đi, đời sống quá khó khăn. Thế mà đọc báo thấy tiền thất thoát nhiều và dễ dàng như tiền âm phủ không bằng - như chị nói đó - hết vụ này vụ khác.


Một nước trong khu vực như Singapore, bao năm nay đề ra và thực hiện thành công khẩu hiệu “lương cao, tham nhũng thấp”. Mình thì ngược lại.

Có người bạn đổi nhà, kể rằng: Người bán nhà cho chị ấy không hề nhớ các thông số của căn hộ. Tầng cao nhất lại nhầm là tầng trung; phố Đặng Dung thì nhầm là Châu Long; diện tích cũng lộn lung tung cả. Hóa ra một năm người này mua vào bán ra quá nhiều nên chịu không nhớ xuể, chuyên mua giá gốc bằng suất ưu tiên rồi bán giá ngọn. Mà chỉ là ông quan cỡ nhỏ thôi đấy. Thảo nào người ta phải cố chạy chức.

Năm 2000 người nhà tôi bán căn hộ tập thể được hơn 100 triệu đồng thấy hời lắm rồi. Đồng tiền quá xứng với giá trị đời sống. Ai đã làm cho căn hộ đó 2 năm sau lên 2 tỷ? Và đồng tiền cứ thế ào ào tiến tới con số tỷ.

Không cần phải học giáo lý nhà Phật, không cần tu luyện rầy rà cũng có thể hiểu ra một điều: sống trên đời này thế nào mới quan trọng chứ lẽ nào phấn đấu làm người giàu nhất nghĩa trang?

Nhà văn Lê Minh Khuê

Tiền không ngừng không biết mệt. Người ta xoay chong chóng một vốn tám chín lời, mua vào bán ra có người sau một ngày một đêm đã có vài tỷ trong tay. Mà không ai bận lòng. Những ngày đó tôi cứ nhìn chị bán rau ngồi ngoài đầu ngõ. Chị ấy vẫn nhặt nhạnh từng đồng 200 nhỏ bán hành bán ớt trong khi có một tầng lớp người - nhất là một số quan chức - đang trở thành những tỷ phú triệu phú đô la do có quyền có chức do rành rẽ đường đi nước bước do móc nối với nhau để biến một miếng đất nhỏ thành vàng ròng. Đến hôm nay đồng 200 rồi đồng 500 nhỏ đã biến mất. Những đồng tiền xu mất bao nhiêu tỷ để đúc như thế mà cũng dần biến mất. Những ví dụ này quá nhỏ nhưng “người nhỏ” còn nhìn ra được, chứ chuyện tày đình thì ai mà nhìn ra?

Sao cứ phải làm người giàu nhất nghĩa trang? ảnh 1

Nhà văn Lê Minh Khuê

Hàng ngày chúng ta quen phong bì phong bao, dúi tiền vào túi cô hộ lý để con mới đẻ được tắm tử tế, để y tá tiêm đỡ đau. Hối lộ từ cảnh sát giao thông hối lộ đi. Chạy trường chạy lớp. Chạy chọt khắp nơi. Như vậy mỗi người đều góp phần tạo nên bức tranh sinh động và linh động, rất vận trù hiện nay. Còn kêu ca nỗi gì?

Thì mình bị lôi vào thói tật này cũng do nỗi sợ thường trực là chả ai làm cho mình cái gì nếu không có phong bì. Vậy phải nên tính từ đầu nguồn cơn cái nỗi phong bì đã hình thành từ sau năm 1975. Nghe nói nạn này trong Nam cũng đỡ hơn miền Bắc?

Trước kia làm gì có chuyện này. Người ta bắt đầu chạy chức chạy quyền trao đi đổi lại từ cái to đùng đến cái li ti nhất làm cho mỗi con người nơm nớp sống trong trạng thái bất an… vì cái độ dày mỏng của phong bì. Xã hội rối tinh rối mù vì nỗi sợ nhau nỗi không dò được lòng nhau. Đành phải lấy phong bì làm cái đo. Đau lòng lắm chứ. Đổ cho ai bây giờ? Cho nền giáo dục? Cho cơ cấu xã hội? Hay là cho thế lực thù địch bên ngoài? Cho chiến tranh? Có lẽ nên có sự tổng kết, nên có người chịu trách nhiệm chứ?


Khi quan chức cộm cán ra tòa, báo chí đưa tin sốt dẻo, có người tỏ ý thắc mắc “sao lắm kẻ thích người khác đi tù thế nhỉ” và có ý nghi ngờ đây là hành động GATO (ghen ăn tức ở). Sự thực là tâm lý ghét người giàu, người thành đạt cũng là một trong những thói tật Việt Nam? Tuy vậy, tôi nghĩ vấn đề có lẽ là, người ta đã hư hao niềm tin đối với “một bộ phận không nhỏ” quan chức, khó tin rằng ra tòa chưa chắc đã có tội mà tin rằng “đằng sau khối tài sản khổng lồ bao giờ cũng là một tội ác” (lời một danh nhân)?

Tâm lý ghét người giàu thì không đúng trăm phần trăm ở ta bây giờ đâu. Ghen ăn tức ở cũng có nhưng không trầm trọng như ngày xưa nữa - theo tôi là vậy.

Thời đại phát triển, không khó quá để làm ra của cải chỉ trừ người lười biếng quá. Người ta ghét người ta uất ức người ta chán nản chỉ vì một cụm từ này: không minh bạch! Che giấu, loanh quanh, giả dối. Và cái trò không minh bạch sẽ dẫn đến tò mò, đồn đại. Có thể anh có một mà người ta nghĩ anh có mười anh cũng không làm gì được. Cái trò lấp lửng gợi cho trí óc con người nhiều tưởng tượng lắm. Theo tôi muốn mọi thứ trở nên bình thường (tương đối) một chút thì hãy dũng cảm lên. Ngay thẳng lên. Nếu được thì hãy lôi dần những cái tưởng chừng đã vào bóng tối ra cho người ta nhìn thấy. Người Việt vậy nhưng cũng dễ cho qua, không thù hận lâu. Nhưng ai làm bây giờ? Làm thế nào bây giờ?


Lại nói chuyện phải làm gì. Ngày xưa nghèo khổ, mọi người giám sát nhau rất ghê và “hiệu quả”. Nên mới có chuyện thịt gà ăn bằng kéo; người giàu phải giả nghèo giả khổ “đóng cửa đi ăn mày”. Còn bây giờ, tận giấu của cải kiếm chác được cũng có mà sự ngang nhiên cũng đầy. Người Mỹ có câu “voi trong phòng khách”- ám chỉ điều ai cũng nhìn thấy. Nhưng lại chẳng làm gì được?


Vừa rồi Chủ tịch nước tiếp xúc với cử tri có nói đại ý “bây giờ đất nước đang có biến thế này, thế thì một số người nên nghĩ lại, có nên tham nhũng nữa không”. Có lẽ trước hết ta hẵng cứ trông chờ sự nghĩ lại của một số người tầng lớp trên?

Trông chờ gì nhỉ?

Nhưng có lẽ trong đám người ấy cũng nên có người biết nghĩ. Tiền nhiều như vậy, mua gan trời cũng xong, sao không nghĩ làm gì đó cho nhân dân cũng là một giải tỏa? Nên nghĩ ra cái gì đó để con đường chúng ta đi bớt gian nan để lòng người được an thỏa? Để đất nước có tương lai.

Không cần phải học giáo lý nhà Phật, không cần tu luyện rầy rà cũng có thể hiểu ra một điều: sống trên đời này thế nào mới quan trọng chứ lẽ nào phấn đấu làm người giàu nhất nghĩa trang?

Theo thiển ý của tôi, ai đó đã tiền nhiều rồi thì nên góp tay vào cải tạo đất nước. Đừng rơi tiếp nữa. Có quyền, có danh rồi sao không dùng quyền biến, làm những việc lớn để tiếng thơm cho hậu thế mà cứ phải vơ vét cho đầy túi tham.

Hỏi có nên tham nhũng nữa không à? Còn gì để mà tham nhũng nữa đây?

Xem hình ảnh trên báo và mạng về “vương phủ” riêng của những người như Tổng thống Ucraina bị phế truất và các tướng lĩnh đầu ngành của Trung Quốc tham nhũng ra tòa - đất đai mênh mông bể sở, châu báu và rượu quý chất đầy hầm, kinh sợ. Chị nghĩ gì về lòng tham của con người, bất chấp cái giá phải trả?

Tôi có xem trên mạng thấy ảnh cái dinh Tổng thống bị phế truất ở Ucraina. Tay nắm cửa bằng vàng, ghế nạm vàng, phòng tắm lộng lẫy - trong một đất nước khó khăn. Con người không thể bỏ được tật xấu vơ tất cả về mình, hưởng thụ cái mình không mất giọt mồ hôi làm ra. Con người ở đâu cũng dễ bị mua, dễ đánh mất mình để tổ của mình đầy hơn tổ khác. Vì sao ở Việt Nam nạn tham nhũng lộng hành, thì ai cũng có thể trả lời. Cái cơ chế không ai chịu trách nhiệm, những ai có chút quyền đều có thể xà xẻo của cải chung nếu muốn, đã tồn tại bao năm rồi. Có lẽ đến lúc cần một sự dũng cảm không phải chỉ nhìn thấy mà phải bắt tay vào làm.

Nói đến lòng tham con người làm gì? Quan trọng là phải chặn sự tham lam đó.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.