Sao Mai, khởi sắc hay là... ế

Hồ Quỳnh Hương - một trong những giọng ca làm nên tên tuổi từ Sao Mai. Ảnh: BTC.
Hồ Quỳnh Hương - một trong những giọng ca làm nên tên tuổi từ Sao Mai. Ảnh: BTC.
TP - Đêm Gala chào mừng 20 năm giải Sao Mai vừa diễn ra tại Sầm Sơn, Thanh Hóa cho công chúng một cái nhìn toàn cảnh về giải thưởng một thời danh giá này.

Họp báo trước vòng chung kết toàn quốc (đêm chung kết xếp hạng trực tiếp lúc 20h ngày 7/10 trên VTV1), một lần nữa BTC đưa lý do kinh phí có hạn, khiến cuộc thi không thể rình rang. Thậm chí Trưởng BTC Trịnh Lê Văn chưa thể đưa ra số tiền thưởng cho các quán quân. Đồng ý rằng về lâu dài thí sinh sẽ được rất nhiều nếu đoạt giải Sao Mai nhưng dù sao giá trị vật chất của giải thưởng cũng có thể xem là một thước đo sức nóng của cuộc thi.

Bắt đầu từ 2015, thí sinh người Việt học tập và sinh sống ở châu Âu và mới thêm Trung Quốc cũng về tham gia Sao Mai, tạo luồng sinh khí mới. Tuy nhiên năm nay, BTC không đủ nhân tài vật lực để sang tận châu Âu thi tuyển nữa. Nhưng vẫn có thí sinh (chủ yếu là du học sinh ngành Thanh nhạc) lặn lội về nước thi. Chứng tỏ cuộc thi vẫn được kỳ vọng.

Quả thực, Sao Mai hiện là đầu ra gần như duy nhất cho các giọng hát muốn được công chúng biết đến trong dòng thính phòng và nhạc đỏ. Điều này dẫn đến thực tế là đêm thi thính phòng chất lượng hơn hẳn 2 dòng còn lại là dân gian và nhạc nhẹ.

Đêm chung kết thính phòng năm nay khá phong phú về nhạc mục. Khán giả được nghe cả aria trong nhạc kịch Mozart, nhạc dân gian Trung Quốc và đặc biệt cả bài pop như Sky fall được opera hóa. Nhiều thí sinh có giọng hát không những kỹ thuật, nội lực mà còn có độ sáng tạo, chinh phục được người nghe.

Việc phân chia và gọi tên dòng ca khúc mang âm hưởng dân gian có thể coi là một sáng tạo đóng góp cho nhạc Việt của giải Sao Mai kể từ 2005. Hạng mục này mở ra đã thúc đẩy sự xuất hiện nhanh hơn, nhiều hơn của hàng loạt giọng ca theo dòng nhạc mang âm hưởng dân gian. Đồng thời khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác theo phong cách này nhiều hơn. Tuy nhiên đây là một phong cách khó, cần đào sâu về truyền thống nên lượng bài mới, hay còn hạn chế, dẫn đến đêm thi dân gian thường đơn điệu màu sắc âm nhạc, dù chất lượng thí sinh khá đồng đều. Mặt khác không ít thí sinh có lẽ vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của Anh Thơ nên thường vận kỹ thuật thính phòng để hát âm hưởng dân gian một cách lộ liễu. Nhưng hình như BGK cũng đã quen với cách hát đó nên những thí sinh hát khác đi như Nguyễn Bảo Phương bị loại thẳng cánh.Phương đang theo học Nhạc viện Kazan (Nga) hát dân gian bằng một giọng trong, nhẹ chứ không phô diễn kỹ thuật như nhiều giọng đào tạo trong nước.

Được biết thành viên BGK Sao Mai được giữ kín đến phút chót.  Số thành viên BGK Sao Mai thường đông gấp đôi các cuộc thi hát truyền hình khác nhưng chỉ xuất hiện chào khán giả khi đêm thi bắt đầu. Sau đó rút lui vào phòng kín theo dõi đêm thi qua màn ảnh nhỏ và không có bất cứ sự tương tác nào với khán giả. Với cung cách này, dù cho giám khảo có danh tiếng, uy tín đến mấy cũng không khiến cuộc thi hấp dẫn hơn.

Giám khảo Sao Mai vẫn giữ truyền thống không nhận xét tại chỗ, nhưng trước đây có màn giơ bảng điểm là động tác rất thu hút khán giả. Cũng là cách chứng tỏ giám khảo dám chịu trách nhiệm trước điểm số mình đưa ra. Nhưng rồi truyền thống hay ho này cũng biến mất. Đây có thể xem là biểu hiện thụt lùi so với chính mình của Sao Mai?! Nếu cứ để thí sinh xếp hàng hết người này đến người kia lên hát với chất lượng chuyên môn không lấy gì làm đảm bảo- thử hỏi Sao Mai làm sao có thể cạnh tranh với bao nhiêu format truyền hình thực tế ngoại nhập hiện nay?! Một thực tế đáng buồn: Sao Mai- con đẻ của VTV lại đang thất thế ngay sân nhà mình trước những đứa con “lai”.

Chất lượng thí sinh tham gia đêm thi chung kết nhạc nhẹ Sao Mai vừa qua có thể nói giảm sút một cách đáng ngạc nhiên. Nhiều thí sinh hát không có bản sắc, na ná nhau, đồng thời phạm những lỗi không đáng có mà nếu được huấn luyện chút ít trước ngày thi họ có thể khắc phục được.

Thực tế này hoàn toàn có thể dự báo được từ một nguyên nhân đơn giản. Nhiều cuộc thi tuyển giọng hát thiên về nhạc nhẹ (bao gồm cả Sao Mai Điểm hẹn) đã hút hết các giọng cá tính. Ở các cuộc thi kia, thí sinh được lên sóng nhiều hơn, được huấn luyện, được cọ xát với giới chuyên môn cũng như tương tác với khán giả nhiều hơn. Vậy có lý do nào để họ tham gia Sao Mai?!

Tóm lại nếu BTC không chịu bỏ công của ra đầu tư cho Sao Mai- cuộc thi gắn với thương hiệu VTV, nên chăng “bán cái” cho một công ty tổ chức chuyên nghiệp. Để có cách vực dậy cuộc thi hát không thể phủ nhận về  quy mô và bề dày truyền thống này.

MỚI - NÓNG