Sao Mai vươn tới châu Âu

Sao Mai vươn tới châu Âu
TP - Sao Mai, cuộc thi hát trên truyền hình đầu tiên có quy mô toàn quốc, sau 8 lần tổ chức vẫn kiên quyết không thay đổi định dạng. Tuy nhiên, năm nay lại mở rộng về mặt địa lý.

> Sao Mai Phương Thanh: Tham vọng làm sống lại ca khúc cũ
> Làm thơ, sáng tác khúc hát ru tặng con

Lần đầu tiên, Sao Mai vươn tới châu Âu và thu hút khoảng 100 thí sinh mang dòng máu Việt đang học tập và sinh sống ở các nước Nga, Đức, Bỉ, Pháp, Ba Lan, Hungary và CH Séc.

Để có số thí sinh này, người của BTC có khi phải đi đến từng khu có người Việt để thông báo, vận động. 30 thí sinh lọt vòng chung kết tại Berlin 20/7. Hội người Việt ở Sec lôi kéo Sao Mai châu Âu về Sec trong lần tổ chức sau. Đêm thi châu Âu phát sóng 20h40 ngày 3/8 trên VTV2. Bảy thí sinh vào chung kết toàn quốc.

 “Mục đích của chúng tôi là muốn làm Sao Mai toàn cầu. Ngoài ý nghĩa cuộc thi ca hát, điều này còn mang ý nghĩa chính trị. Qua đó thể hiện sự đồng lòng của người Việt khắp nơi trên thế giới”.  

Nhạc sĩ Tuấn Phương - trưởng BTC Sao Mai 2013 bày tỏ tham vọng

Nhạc sĩ Tuấn Phương (thay đạo diễn Huyền Thanh về hưu)- Trưởng BTC cuộc thi năm nay cho hay: “Chắc chắn phải có sự ưu ái trên cơ sở chấp nhận được đối với thí sinh về từ châu Âu. Vì họ tham gia bằng tấm lòng. Các thí sinh trong nước thường có người kèm cặp tận nơi. Trong khi thí sinh châu Âu hầu hết không được đào tạo và điều kiện cũng rất khó khăn”. Kinh phí để tổ chức thi Sao Mai ở châu Âu hoàn toàn là xã hội hóa.

Riêng thí sinh châu Âu, BTC cử chuyên gia thanh nhạc kèm cặp, tư vấn để khắc phục sự chênh lệch về chuyên môn so với trong nước. Có thí sinh châu Âu hát tốt nhưng không được chọn vào chung kết toàn quốc vì hát tiếng Anh tốt hơn tiếng Việt.

Qua rồi cái thời khán giả dán mắt vào màn hình để xem thi hát, khi cả nước chỉ có một cuộc thi trên truyền hình. Sự xuất hiện của các cuộc thi hát theo định dạng truyền hình thực tế đã thay đổi hoàn toàn khẩu vị của người xem.

Sao Mai vốn “không có gì” về format, thời gian gần đây khá mất điểm về chuyên môn với cách lựa chọn trao giải kém thuyết phục, cũng có thể do cuộc thi không còn đủ sức thu hút nhân tài. Một số ca sĩ được giải cao những lần tổ chức gần đây vẫn khá lận đận trong việc khẳng định tài năng. Sao Mai đâm ra lại thành nơi chuyên sản xuất... giảng viên thanh nhạc. Giờ đây Sao Mai dự định gánh cả vai trò của Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.

Được hỏi Sao Mai lần này liệu có đổi mới gì về format trong hoàn cảnh nhà nhà tổ chức thi hát truyền hình, nhạc sĩ Tuấn Phương khẳng định không cần thiết. “Sao Mai là cuộc thi chính thống nhưng không có nghĩa là nhàm chán. Chúng tôi muốn hướng tới biến Sao Mai thành giải Concours tầm cỡ quốc gia, giải thưởng ở Sao Mai có thể lấy làm căn cứ để xét danh hiệu NSƯT. Làm sao HCV hội diễn toàn quốc của ca sĩ một đoàn nào đó bằng được giải của Trọng Tấn (Nhất Sao Mai 1999- PV)” .

Năm nay thay vì “chấm kín” như vài kỳ trước, các giám khảo sẽ giơ điểm trực tiếp- như những lần tổ chức đầu tiên. Cách làm này không có gì mới nhưng cũng khiến khán giả đỡ nghi ngờ điểm số bị dàn xếp. Vì không có chức năng và khả năng dàn dựng chiêu trò, Sao Mai chỉ còn cách tổ chức thật khách quan, nghiêm túc tìm ra những người xứng đáng nhất để trao giải mới mong khôi phục uy tín ngày xưa.

Có 34 thí sinh lọt chung kết toàn quốc Sao Mai 2013. Các thí sinh hát thính phòng sẽ thi vào 20h ngày 10/8, trực tiếp trên VTV1. Chung kết Dân gian và Nhạc nhẹ tối 17/8 và 25/8. Đêm chung kết xếp hạng dành cho 9 thí sinh xuất sắc 20h ngày 31/8.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG