Sau “Rừng Na Uy” đến “Biên niên ký chim vặn dây cót” của Murakami

Sau “Rừng Na Uy” đến “Biên niên ký chim vặn dây cót” của Murakami
TP - Gần đây, khi cơn sốt về Rừng Na Uy còn chưa lắng xuống, giới đọc sách Việt Nam lại có thêm Biên niên ký chim vặn dây cót do Trần Tiễn Cao Đăng dịch.
Sau “Rừng Na Uy” đến “Biên niên ký chim vặn dây cót” của Murakami ảnh 1
Bìa cuốn sách “Biên niên ký chim vặn dây cót”

Cuốn tiểu thuyết được đánh giá rất cao ở phương Tây này đã hé lộ thế giới quan rộng lớn và những suy tưởng siêu hình táo bạo của Murakami, một tác phẩm có lẽ khiến những ai còn chê ông “thời thượng” phải im lặng.

Một người đàn ông 30 tuổi đang nấu spaghetti trong bếp và điện thoại đổ chuông... Cuốn tiểu thuyết lớn làm nên tên tuổi Haruki Murakami trên văn đàn thế giới đã mở ra như thế.

Toru Okada, người đàn ông thất nghiệp sống ở ngoại ô Tokyo, lo việc nội trợ trong gia đình trong khi vợ anh, Kumiko, sáng sáng đến sở làm. Cuộc tìm kiếm con mèo lạc, một cú điện thoại khiêu khích về xác thịt sẽ là mốc xuất phát theo kiểu tiểu thuyết trinh thám của hàng loạt chuyến phiêu lưu và những cuộc hội ngộ kỳ dị.

Những tình tiết vụn vặt ấy đủ biến ngôi nhà nhỏ ven đô của đôi vợ chồng trẻ và mảnh vườn nhà kế bên thành một sân khấu nơi cuộc sống của Okada sa vào đám hỗn độn không giới hạn, nơi những giấc mơ, ký ức cùng thực tại quay cuồng chồng chéo.

Cuộc sống thường nhật không còn đơn điệu tẻ nhạt nữa nhưng vẻ bề ngoài hạnh phúc của cuộc hôn nhân cũng theo đó mà tan vỡ. Kumiko bỏ đi mất tích. Okada ẩn mình trong một cái giếng cạn để chiêm nghiệm cuộc sống, cũng chính là một phương cách để đối diện bản ngã.

Chuyển dần từ chất trinh thám sang màu sắc hư ảo siêu hình, cuốn tiểu thuyết lại thêm phần phong phú bởi những nhân vật khác thường lần lượt xuất hiện rồi biến mất, mỗi người đều mang theo mình một bí mật, một nỗi ám ảnh và hoài nghi riêng.

Được kết cấu thành ba chương (Chim ác là ăn cắp/Chim tiên tri/ Kẻ bắt chim), cuốn tiểu thuyết của Murakami đã đặt Thiền của Phật giáo giữa những ồn ã xô bồ của xã hội Nhật Bản đương đại, hay bất cứ nơi đâu trong thế giới này.

Bút pháp phân tích tâm lý của Haruki Murakami không ngừng gây kinh ngạc khi chỉ ra khoảng tối của mọi sự vật, của mỗi con người, khám phá những tầng sâu kín nhất trong tâm hồn cũng như đạt đến sự thăng hoa của các giác quan khi miêu tả.

Haruki Murakami sinh năm 1949 tại Kobe, nghiên cứu về Thần thoại Hy Lạp, từng sống tại Ý và Mỹ một thời gian dài trước khi trở về định cư tại Nhật. Là người am hiểu và say mê âm nhạc, ông đã từng mở một bar chuyên phục vụ nhạc Jazz.

Năm 30 tuổi, Murakami cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tựa đề “Nghe gió hát”, những tác phẩm tiếp theo như “Rừng Na Uy”, “Kafka bên bờ biển”, “Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời”, “Người tình Sputnik”... đã phác họa nên chân dung của “một trong những tiểu thuyết gia quan trọng nhất của Nhật Bản trong thế kỷ XX” (Tự điển Bách Khoa Colombia 2001).

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.