Sẽ xuất hiện dòng sách nhật ký thời chiến tranh

Sẽ xuất hiện dòng sách nhật ký thời chiến tranh
Sau thành công bất ngờ của Mãi mãi tuổi 20 và Nhật ký Đặng Thùy Trâm, sẽ có nhiều cuốn sách khai thác từ nhật ký của những con người đi qua cuộc chiến được xuất bản
Sẽ xuất hiện dòng sách nhật ký thời chiến tranh ảnh 1

Mỗi tuần Công ty Fahasa bán ra 10.000 cuốn Mãi mãi tuổi 20 và 10.000 cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

Lúc đầu, khi nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng mang tập bản thảo Mãi mãi tuổi 20 đến Nhà Xuất bản (NXB) Thanh Niên, Ban Giám đốc NXB còn ngần ngại chưa muốn in vì sợ cuốn sách sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng như rất nhiều sách đề tài chiến tranh trước đó.

Đặng Vương Hưng đã khẳng định đây là một cuốn sách hay, bảo đảm sẽ bán được và để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc. Song cả anh và NXB đều không ngờ cuốn sách lại thành công đến thế.

Thư, nhật ký: kho tàng vô giá

Theo tiết lộ của ông Mai Thời Chính, quyền Giám đốc NXB Thanh Niên, đến thời điểm này, cuốn Mãi mãi tuổi 20 đã bán được gần 100.000 cuốn và nhu cầu của bạn đọc vẫn tăng lên từng ngày. Riêng tại TPHCM mỗi tuần Công ty Fahasa bán ra 10.000 cuốn Mãi mãi tuổi 20 và 10.000 cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

Thực ra, những cuốn sách dạng thư tình và nhật ký đã xuất hiện từ lâu nhưng chỉ đến khi nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng phát động trên Báo An ninh Thế giới và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân thì sức hấp dẫn của thể loại này mới bộc lộ.

Đó là tính chân thực, sinh động, không trau chuốt, điều mà bạn đọc khó thấy trên những trang viết của các nhà văn. Đặng Vương Hưng, người sử dụng rất hiệu quả tư liệu viết tay cá nhân cho những bài báo của mình cho biết: “Tôi nhận ra rằng mỗi bức thư, trang nhật ký của những con người bình thường là một kho tàng vô giá của cuộc sống, đặc biệt đối với người làm báo, viết văn”.

Sau một năm phát động, Đặng Vương Hưng đã nhận được hơn 2 vạn lá thư và 30 cuốn nhật ký do bạn đọc gửi đến. Sự thành công của Những bức thư tình thời chiến xuất bản cuối năm 2004 là bước khẳng định đầu tiên cho ý tưởng này. Đến Mãi mãi tuổi 20 thì đúng là “sự bùng nổ”.

Khi Đặng Vương Hưng đến gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm để thỏa thuận về việc in nhật ký của bà thì đã bị từ chối vì trước đó Nhã Nam - một công ty làm sách tư nhân ở Hà Nội mới đi vào hoạt động khoảng nửa năm - đã “nhanh chân” thương lượng trước.

Phải công nhận Nhã Nam quá nhạy bén bởi ở thời điểm đó âm hưởng của Mãi mãi tuổi 20 mới chỉ là khúc dạo đầu, hơn nữa từ trước đến nay công ty này chỉ chuyên về sách dịch.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm là cuốn sách Việt mà công ty này tham gia xuất bản đầu tiên. Chính ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Truyền thông Nhã Nam, thừa nhận sự thành công của Nhật ký Đặng Thùy Trâm trên thị trường sách là do may mắn vì “chúng tôi chưa có kinh nghiệm gì nhiều trong lĩnh vực này”.

Sẽ còn nhiều sách hay?

Mãi mãi tuổi 20 và Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã tạo nên cơn sốt và là hai cuốn sách bán chạy nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Song, không ai dám khẳng định đây là hai cuốn nhật ký hay nhất.

“Sẽ còn nhiều cuốn hay hơn được xuất bản trong thời gian tới” - ông Đặng Vương Hưng cho biết. Tuy nhiên, 30 cuốn nhật ký trong tay Đặng Vương Hưng cũng chỉ là một số nhỏ so với rất nhiều cuốn nhật ký, thư, tài liệu... nằm rải rác đâu đó chưa ai biết. Có cuốn phải khôi phục lại, có cuốn đã hư hại hoàn toàn do thời gian và bom đạn.

Ngoài những tài liệu gửi đến, Đặng Vương Hưng đã phải đến từng nhà thuyết phục họ cho công bố tư liệu. Ông là người khởi xướng và quyết đi theo đề tài này đến khi nào không thể.

Sắp tới ông sẽ cho ra mắt Nhật ký Hoàng Kim Giao - nhà khoa học trẻ của Việt Nam hy sinh khi phá bom từ trường. Từ nay đến cuối năm, ông cũng sẽ hoàn tất việc xuất bản Những lá thư thời chiến tập 2, Những lá thư tình hay nhất của nhà khoa học trẻ và Nhật ký của một họa sĩ chiến trường.

Và cuộc săn tìm bản thảo

Ông Mai Thời Chính cho biết NXB đang trong kế hoạch xây dựng tủ sách Mãi mãi tuổi 20 từ nhật ký của những người lính, liệt sĩ hy sinh trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Biên tập viên Nguyễn Thanh Bình nói: Tôi đang có trong tay gần chục cuốn nhật ký, có cuốn hay, có cuốn chỉ hay một số đoạn, vì vậy phải đọc và chọn lọc. Có thể những sách ra sau này không là nhật ký của riêng một cá nhân nào mà là sự tổng hợp từ những trang nhật ký của nhiều người. Tức là phải có cách làm khác đi sao cho hợp lý.

Công ty Nhã Nam cho biết sẵn sàng thực hiện những cuốn sách nhật ký có sức hấp dẫn kiểu như Nhật ký Đặng Thùy Trâm: “Chúng tôi sẽ chủ động săn tìm bản thảo theo cách riêng của mình”.

MỚI - NÓNG