Sen đầu hạ - Triển lãm của 'Tâm'

Sen đầu hạ - Triển lãm của 'Tâm'
TP - Sen đầu hạ- Triển lãm mừng mùa Phật đản tại Trung tâm Nghệ thuật Việt 42 Yết Kiêu (đến 8/6) đặc biệt ở chỗ các tác giả hầu hết đều có 2 tên. Một tên đời và một tên Đạo.

Họ hợp nhau lại trong một nhóm có tên gọi Mặc Hương (nghĩa là “mùi hương của mực”) dựa trên 2 “sở thích” chung là hội họa và đạo Phật.

Đến với Sen đầu hạ, người ta sẽ không bắt gặp các họa sĩ mặc đồ nâu sồng, cạo đầu... Vì tất cả đều là Phật tử tu tại gia. Hầu hết đều cho biết cuộc sống của họ vẫn bình thường, không có gì thay đổi trước và sau khi nhận pháp danh từ thầy Thích Minh Hiền (trụ trì chùa Hương).

Họa sĩ Nguyễn Linh (Quảng Nghiêm) kể: “Anh em đến với nhau tự nguyện, do sự trùng hợp ngẫu nhiên gặp nhau trong chùa Hương”.

Họa sĩ Nguyễn Thị Nhàn (Pháp Lạc) một trong 3 nữ họa sĩ tham gia nhóm, cho biết, chị hay đi lễ chùa từ năm học cấp III và nghiên cứu kinh sách tương đối lâu. Đặng Phương Việt (Quảng Lưu) thì “ngấm” Đạo ngay từ khi sinh ra trong gia đình Phật tử...

Các họa sĩ đều dùng từ “hướng thiện” khi nói tới động cơ quy y. Lê Tiến Công (Quảng Viên) sinh 1981, trẻ nhất nhóm, bộc bạch: “Tiếp cận giáo lý để rèn tính thiện, nhìn cuộc đời tốt đẹp hơn, tu tâm sửa tính...”.

Tu tại gia cũng phải tuân theo một số giới luật nhất định, nhưng theo Công thì: “Căn bản là hiểu chính mình, từ đó tu dưỡng đạo đức lối sống, không phải nhất nhất tuân theo giới luật. Tâm mà xấu thì giới luật cũng không có ý nghĩa”.

Các Phật gia mỗi người vẽ một kiểu, có người lấy việc tu tập, motif Phật giáo, phong cảnh chùa chiền làm đề tài, có người toàn vẽ hoa... Phong cách đủ cả tả thực, trừu tượng, biểu hiện, thủy mặc, đồng hiện...

Chất liệu đa dạng, từ lụa, sơn mài, sơn dầu đến sắp đặt. Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Thượng tọa Thích Minh Hiền: “Dưới nhãn kiến thưởng lãm của các thiền gia thì tất cả các tác phẩm nghệ thuật này đều do tâm tạo ra ...”.

Với Nguyễn Thị Nhàn, hiện phụ trách mảng tranh giáo khoa tại ĐH Y Hà Nội thì tu với vẽ cũng có khi là một. Chị giới thiệu trong triển lãm loạt tranh vẽ Mandala (đồ hình trang trí tượng trưng cho sự toàn vẹn của vũ trụ để hành giả quán tưởng).

Nhìn bằng “mắt thịt” thì đó là những trang trí hình tròn, hình vuông màu sắc khá rực rỡ và không quá nhiều chi tiết. Chị Nhàn cho hay: “Không cứ khoanh chân ngồi một chỗ mới là thiền, khi vẽ trong sự tập trung cao độ (nhất tâm) cũng là thiền.

Vẽ Mandala chính là lúc mình tu, tự nhiên thấy màu và hình của mình chắc chắn hơn.” Tất nhiên, chị Nhàn vẫn thực hành kiểu ngồi thiền bình thường và một tháng 10 ngày ăn chay.

Nổi bật vì độ rực rỡ, bắt mắt trong triển lãm phải là các bức vẽ sen “ngũ sắc” của Đặng Phương Việt. Ao sen qua mắt nhìn của Việt hình như lúc nào cũng tràn đầy hỉ lạc, kể cả sen tàn nhị rữa chăng nữa. Sen là đề tài Việt theo đuổi đã lâu.

Đây là một trong những lần xuất hiện hiếm hoi của Đặng Phương Việt trước công chúng. Vì anh vốn sợ bị chép tranh. “Nhưng tâm linh của mình thì không ai có thể chép được”- Việt kết luận. 

MỚI - NÓNG