Sex trong văn học trẻ thoái trào?

Sex trong văn học trẻ thoái trào?
Đánh động văn đàn bằng những nội dung đề cập đến tính dục, các nhà văn nữ của năm 2005 đã tạo ra không ít dư luận.
Sex trong văn học trẻ thoái trào? ảnh 1
Vi Thùy Linh Ký tặng độc giả bên gian hàng của mình tại Ngày thơ Việt Nam 2006

Hàng loạt bài báo khen- chê đủ kiểu xuất hiện trên các báo bàn về Bóng đè (Đỗ Hòang Diệu); Nằm nghiêng, Rỗng ngực (Phan Huyền Thư); Đồng tử (Vi Thùy Linh) và nhất là diễn đàn về Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư)... Chưa kể đến tập Dự báo phi thời tiết của những cô gái nhóm Ngựa trời bị thu hồi khi vừa xuất bản.

Bước sang năm mới, các tay bút này đang chuyển hướng.

Tìm một hướng đi khác

Ngoài trường hợp “xen canh” của Nguyễn Ngọc Tư, hiện đang trở về với những trang viết “hiền hiền” (từ dùng của tác giả) của mình thì những nhà văn còn lại đều xây dựng cho mình nhiều kế hoạch mới.

Nhà thơ Vi Thùy Linh, cho biết tập tiểu thuyết của chị sẽ gác lại để đầu tư chuyển hướng sang thực hiện tập đồng dao cho thiếu nhi nhiều màu sắc từ hình ảnh cái giếng làng, con ếch nhỏ, lá trầu không... Có lẽ, đây là một cách làm mới mình cũng như góp mặt bổ sung cho mảng văn học thiếu nhi đang rất thiếu tác phẩm hiện nay.

Sau Nằm nghiêng và Rỗng ngực, Phan Huyền Thư vẫn tiếp tục công việc làm báo. Chị tâm sự, 2006 là thời gian chị muốn nghỉ ngơi để khơi cách tư duy mới và tìm kiếm tiếng nói khác lạ, chín chắn hơn trong thơ của mình. Nhà thơ trẻ này vừa thực hiện hoàn tất kịch bản một vở nhạc kịch opera- ballet hiện đại kết hợp với phong cách cổ điển và điển tích của nghệ thuật vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sắp tới, chị cũng sẽ góp nhặt lại những tác phẩm ưng ý của mình, kết hợp với những sáng tác mới để cho ra đời tập thơ thứ ba.

Phan Huyền Thư cho biết, so với 2 tập đầu, bút pháp tập thơ thứ ba mang hơi hướm mới, mềm mại hơn nhưng chưa bứt phá. Tập thơ này sẽ được xuất bản song ngữ Anh- Việt.

Tâm điểm: Thân phận con người

Xuất phát từ những trang viết sâu sát đời sống hiện đại, các nhà văn trẻ bắt đầu xây dựng những trang viết nhiều ưu tư về thân phận con người.

Nhà văn Nguyễn Danh Lam đi theo con đường xây dựng một tiểu thuyết về hành trình của những con người miệt mài leo đến một đỉnh núi vô hình. Thế giới truyện của anh vẫn nhiều hư ảo nhưng gần với hiện tại. Trong sự huyền ảo đó, từng con người là từng thân phận bước ra từ đời sống, cố bước lên nhưng chẳng bao giờ đến đích. Dường như ước vọng vươn lên của con người nhỏ bé chính là điều trăn trở mà anh gói vào tác phẩm?

Đồng cảm với Nguyễn Danh Lam, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên tiếp tục thực hiện tạp bút về những người trẻ trong thế giới kỹ thuật số cũng mang suy tư về giới trẻ. Giữa nhịp sống xô bồ, kỹ thuật đã số hóa đến mức tối ưu thì vị trí của con người chính là điều anh quan tâm nhất.

Trả lời phỏng vấn báo giới gần đây, Đỗ Hoàng Diệu- tác giả của Bóng đè - cho biết chị vẫn viết dù không hy vọng nhiều vào việc xuất bản nhưng chị vẫn dồn sức vào cuốn tiểu thuyết Nữ luật sư đang ấp ủ.

Đây là tác phẩm tiểu thuyết viết về cuộc sống đời thường, xoay quanh một nữ luật sư và 3 thân chủ của cô. Hình mẫu nhân vật chính sẽ không đẹp nhưng thông minh. Đỗ Hoàng Diệu khẳng định, tác phẩm này của cô sẽ không có những vấn đề gai góc như mại dâm, ma túy mà là vấn đề bình thường của những con người đang sống xung quanh môi trường làm việc của cô.

Theo nhận định của những người trong giới, năm 2006 sẽ là năm văn học trẻ tiếp tục gây bất ngờ.

Theo Phương Quyên
Người lao động

MỚI - NÓNG