Siết việc phong danh hiệu của các hội

Siết việc phong danh hiệu của các hội
TP - Sau cuộc tranh cãi qua lại giữa Bộ VHTT&DL và Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam về việc phong và cấp bằng công nhận một số danh hiệu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ siết chặt quản lý việc này.

Loạn danh hiệu?

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên ký văn bản số 3754 báo cáo Thủ tướng về quản lý chứng nhận, tôn vinh các tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Trước đó hồi tháng 5, Bộ cũng có công văn về hoạt động chứng nhận, tôn vinh của các hội này. Lãnh đạo bộ nêu thực trạng nhiều tổ chức như Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp bằng chứng nhận như: “Đền thiêng linh ứng đạt tiêu chuẩn văn hoá đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hoá truyền thống Việt Nam”, bằng chứng nhận “Phong tặng nghệ nhân ưu tú văn hoá dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt”, công nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”, bằng “Tôn vinh nghệ nhân”. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận Cây di sản Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cấp bằng Công nhận cây di tích lịch sử văn hoá Việt Nam…

Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phát thông cáo phản ứng hai công văn nói trên của Bộ, cho rằng tổ chức này thành lập theo quyết định của Thủ tướng và khuyến nghị của Tổng Giám đốc UNESCO thế giới; đồng thời viện dẫn Điều lệ được Bộ Nội vụ phê chuẩn trong đó Liên hiệp “có nghĩa vụ khen thưởng, trao giải cho các cá nhân và tập thể có thành tích đóng góp vào sự nghiệp nâng cao dân trí, xây dựng đất nước theo tiêu chí UNESCO”; có nhiệm vụ giúp đỡ, hướng dẫn, bảo trợ di tích, danh thắng và các hoạt động của hội viên, cộng đồng có nội dung liên quan đến UNESCO khi có yêu cầu.

Siết chặt

Trước câu hỏi liệu các hiệp hội có được phép làm điều pháp luật không cấm, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL giải thích: “Theo báo cáo của địa phương, thời gian dài một số hội, hiệp hội, liên hiệp hội công nhận, phong tặng, cấp bằng một số danh hiệu, trong khi không văn bản nào quy định những việc như thế. Chúng tôi cũng đối chiếu Luật Di sản Văn hoá, Luật Thi đua khen thưởng, Nghị định 45 đều không thấy. Vì vậy chúng tôi đề nghị không tổ chức các hoạt động này ở địa phương khi chưa được pháp luật quy định”. Ông Phúc cũng nói thêm, các địa phương phản ánh: các hội, liên hiệp hội phong tặng danh hiệu, cấp bằng nhưng không hề có hồ sơ.

Trước phản ứng của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Thanh tra Bộ nêu văn bản ngày 29/9 do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng gửi các bộ, cơ quan ngang bộ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL trong phạm vi thẩm quyền, xử lý dứt điểm và trả lời kiến nghị của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Bộ Nội vụ phối hợp cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và thực hiện điều lệ hội đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Cục Di sản Văn hoá, Bộ VHTT&DL cũng vừa ra văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh phải bảo vệ, quản lý cây cổ thụ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh. Bộ VHTT&DL đề nghị hai bộ xem xét việc cấp bằng công nhận “Cây di sản Việt Nam” của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, bằng “Cây di tích lịch sử văn hoá Việt Nam” của Hội sinh vật cảnh Việt Nam.

Bộ VHTT&DL cũng lưu ý, theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đối với các loại cây cổ thụ nằm trong khu vực bảo vệ của di tích đã được xếp hạng thì được bảo vệ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Bên cạnh đó, cây cổ thụ có giá trị nằm ngoài di tích cũng cần được bảo vệ. Do đó Bộ VHTT&DL đề nghị hai Bộ cho ý kiến về việc quản lý cây cổ thụ nằm ngoài di tích để có phương án bảo vệ phù hợp.

MỚI - NÓNG