'Sợ nói thẳng'

'Sợ nói thẳng'
TP - Có vị thủ trưởng tâm sự: “Cho các cậu thoải mái bộc lộ tài năng trên diễn đàn, mình thì chỉ cần nhiều số phiếu”. Có vị còn tỏ ra khôn ngoan: “Nói gì cho nhiều, việc đâu có đó, nếu cỗ xe đang lao xuống, các cậu có è vai giữ lại được không, cứ để nó xuống hết dốc, tự khắc nó lại biết leo lên thôi”.

Sinh thời Bác Hồ từng căn dặn phải thực sự dân chủ, biết nghe dân để dân dám nói ra những suy nghĩ tự đáy lòng họ.

Còn về phía cán bộ phải học để có năng lực và bản lĩnh phát biểu chính kiến trong những hội nghị quan trọng như đại hội, hội nghị tổng kết, đánh giá, vạch kế hoạch mới, nghiệm thu, kiểm điểm, xây dựng nghị quyết chuyên đề hoặc định kỳ v.v.

Hiện tượng có những đại biểu của dân suốt nhiệm kỳ không phát biểu gì nhưng ở các diễn đàn khác lại nói nhiều, thậm chí nói hăng là biểu hiện tránh va chạm, luôn tính toán có nên nói hay không, nói cái gì, lúc nào, chỗ nào, nói ra có lợi, có hại gì cho mình, cho đơn vị mình, xem có đụng chạm gì đến thủ trưởng, bạn bè, đối tác không.

Những toan tính kia không nằm ngoài “chủ nghĩa cá nhân” mà Bác đã từng đề nghị phải “quét sạch” để nâng cao đạo đức cách mạng. Tôi còn nhớ đầu thập niên 90 thế kỷ trước trong một diễn đàn đại hội quan trọng ở quê tôi, tôi có tham luận về vấn đề cần công bằng trong đầu tư cho giáo dục, y tế trên các vùng miền của huyện bởi nghĩa vụ thuế là bình đẳng không nên lạm dụng quan niệm đầu tư có trọng điểm mãi.

Đến giờ nghỉ tôi được nhiều đại biểu tỏ thái độ đồng tình, song có đại biểu nói: “Vấn đề rất đúng, nhưng thầy giáo nói thì được, chúng tôi không thể nói”. Câu ấy làm tôi rất ngạc nhiên, bởi đa số họ là lãnh đạo ở cơ sở, có người là ủy viên cấp ủy cấp trên. Không có nhiều tiếng nói đồng thuận từ cơ sở, từ nhiều ngành tức là chưa bức xúc, ai giải quyết, sao xác nhận vấn đề đúng lại không nói được?

Một lần khác cách đây hơn 5 năm trong một cuộc hội nghị tổng kết năm của ngành giáo dục tỉnh nhà, dự họp có lãnh đạo các phòng GD huyện, công đoàn, các thường trực thuộc sở. Tôi có phát biểu vấn đề cần có những biện pháp hiệu quả để chống tiêu cực trong thi cử.

Vấn đề nóng những năm đó không phải là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp mà là “cuộc đua”  vào thẳng đại học ở khu vực thành phố, thị xã. Cuối buổi họp nhiều cử tọa bắt tay khen bản tham luận thẳng thắn nhưng có người nhắc khéo: “Bài hay nhưng có thể trở thành bài diễn văn từ biệt đấy”.

Có rất nhiều ví dụ để chứng minh một bộ phận lớn cán bộ công chức của chúng ta ngày nay tinh thần thẳng thắn hơi ít, có những người nghĩ, nói và làm là ba lần khác nhau. Tôi biết có nhiều người có trình độ, có chính kiến, có thông tin nhưng không bộc lộ hoặc tìm cách nói nhẹ, nói giảm, nói tránh, để rồi sự việc không được giải quyết, hoặc giải quyết sai.

Làm sao để xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức hăng hái, thẳng thắn, dám nói thẳng điều mình suy nghĩ với cấp trên? Những năm  trước đây, khi  làm trợ lý ở một huyện đội, tôi thấy công việc trong tỉnh, trong huyện vẫn có những việc gay cấn nhưng không khí đấu tranh thoải mái và rất có hiệu quả.

Một chủ tịch xã tranh luận cả giờ với chủ tịch huyện giữa hội trường là bình thường. Lãnh đạo huyện gọi ngay về huyện những chuyên viên đi chỉ đạo dưới cơ sở làm sai hoặc không hoàn thiện nhiệm vụ để xử lý kỷ luật. Công tác tổ chức cán bộ hồi đó đơn giản thủ tục hơn bây giờ nhưng rất hiệu quả.

Đương nhiên không thể so sánh máy móc giữa các thời kỳ nhưng nếu chất “biết nói, dám nói” với cấp trên trong cán bộ công chức bị mất đi vì những toan tính cá nhân thì nền công vụ của chúng ta rất khó chuyên nghiệp và phát triển lên được. 

Hoàng Văn Hân
Yên Thành, Nghệ An

MỚI - NÓNG