Số phận của bộ phim Việt Nam được đề cử giải Gấu vàng

Một cảnh trong phim “Cha và con và…” với Đỗ Thị Hải Yến, Lê Công Hoàng, Trương Thế Vinh.
Một cảnh trong phim “Cha và con và…” với Đỗ Thị Hải Yến, Lê Công Hoàng, Trương Thế Vinh.
TPO - Hơn 2 năm kể từ khi "Cha và con và ..." của đạo diễn Phan Đăng Di vinh dự lọt vào vòng đề cử cho giải Gấu vàng tại Liên hoan phim danh tiếng Berlin, bộ phim này đã được chiếu trên khắp nước Pháp, nhưng ở Việt Nam thì mãi tới cuối tháng 3 vừa qua mới được chiếu thăm dò tại L'Espace, Hà Nội.

Tiền phong đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Phan Đăng Di sau buổi chiếu phim thăm dò đầu tiên tại Việt Nam.

Nghe nói, “Cha và con và …” sắp được chiếu trên hệ thống rạp tại Việt Nam?

Buổi chiếu “thăm dò” lần này tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace, Tràng Tiền, Hà Nội là đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam của bộ phim cho đến thời điểm này. Thực ra, tôi và công ty phát hành BHD đã gặp gỡ và nói chuyện với nhau về việc đưa phim ra rạp, và vẫn đang tiếp tục làm việc để tiến tới một hợp đồng. Tôi được khuyên tiến hành buổi chiếu này như một hình thức thăm dò khán giả, còn ngày phim  ra rạp thì vẫn phải chờ thêm ít nữa.

Anh có thể cho biết, kể từ khi được lọt vào đề cử giải Gấu vàng, Gấu bạc tại Liên hoan phim Berlin, bộ phim này đã được chiếu ở những đâu?

Ngay sau khi phim của tôi vào vòng đề cử tại Liên hoan phim Berlin, thì Memento Films, hãng chuyên phát hành phim nghệ thuật rất uy tín ở Pháp đã làm việc với nhà đồng sản xuất Acrobates để mua bản quyền tại Pháp. Memento Films trở nên lớn mạnh hơn một thập niên nay nhờ thành công vang dội về doanh thu khi phát hành Chia ly, bộ phim đoạt giải Oscar của Iran cùng một số phim thắng giải lớn ở Cannes hay Berlin. Hàng năm, Memento cũng chỉ nhận phát hành từ 6 đến 8 phim trên toàn cầu, nên khi vào tay họ, ngay ngày phát hành đầu tiên “Mekong Stories”, tên chính thức của “Cha và con và …” tại thị trường Pháp  đã có 257 suất chiếu tại 14 thành phố, trụ rạp hơn hai tháng  với tổng cộng khoảng 50.000 vé được bán ra. Đối với một phim nghệ thuật châu Á, đây là một con số khả quan. Ngoài ra, phim  cũng được phát hành ở Đài Loan, Ba Lan nhưng trong phạm vi hẹp...

Số phận của bộ phim Việt Nam được đề cử giải Gấu vàng ảnh 1

Đạo diễn Phan Đăng Di cùng diễn viên Đỗ Thị Hải Yến và Lê Công Hoàng ra mắt tại LHP Berlin 2015.

Anh có chạnh lòng không khi khán giả thế giới đón nhận nhiệt tình, còn khán giả tại quê nhà lại không mấy mặn mà?

Thực ra, phát hành các bộ phim nghệ thuật là một việc gian nan trên toàn thế giới chứ không riêng Việt Nam. Điều ngạc nhiên là, khi chiếu ở Pháp, phim này nhận được phản ứng rất tích cực từ khán giả trẻ, với họ đây là một bộ phim về tuổi trẻ, tình yêu mà nhục cảm và những hoang mang trong đó khiến họ thấy gần gũi và bị quyến rũ. Ngoài yếu tố lạ vì Cha và con và gần như là bộ phim Việt Nam đầu tiên được phát hành rộng rãi tại thị trường Pháp thì chất gợi cảm nói trên có lẽ là điều mà một hãng phát hành lão luyện như Memento Films đọc được khi quyết định mua phim này cho thị trường Pháp. Tuy nhiên, cũng phải thấy là Việt Nam thì không phải Pháp hay châu Âu, chúng ta chưa có một lượng khán giả đủ nhiều cho phim nghệ thuật, đó là một khó khăn thực tế. 

Có bao giờ  anh có ý định từ bỏ dòng phim nghệ thuật  kén khán giả và ít tiền này không?

Không, vì dù gì những khoảnh khắc hạnh phúc nhất tôi có được lại đến khi làm những phim như vậy. Tuy nhiên, mình phải chấp nhận thực tế rằng, đây là kiểu phim rất khó làm, tiền kiếm được cũng không nhiều, lại mất nhiều thời gian lắm lắm. Nó đòi hỏi mình phải rất bình tĩnh, kiên nhẫn, phải học cách chấp nhận và chung sống hạnh phúc với nó thôi .

Cũng phải nói luôn rằng, ngay cả tại các nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, những đạo diễn dòng phim nghệ thuật nổi tiếng như Hong Sang Soo, năm nào cũng xuất hiện ở các LHP hàng đầu, thỉnh thoảng còn thắng một cái giải nào đó và rất được truyền thông săn đón thì ông ấy vẫn làm những phim với mức kinh phí chỉ vài trăm ngàn USD thôi. Vì khoản tiền đầu tư không quá lớn, nên việc làm phim đối với ông ấy dễ như ăn kẹo và có những năm ông ấy quay đến 2 phim liền, mà ông ấy không phải là trường hợp duy nhất đâu.

Số phận của bộ phim Việt Nam được đề cử giải Gấu vàng ảnh 2

Phan Đăng Di và Đỗ Thị Hải Yến trong cuộc họp báo tại LHP Berlin 2015.

Anh có thể cho biết kinh phí của “Bi, đừng sợ” và “Cha và con và …” là bao nhiêu?

Đắt hơn các phim của Hong Sang Soo, nó dao động từ khoảng 500.000- 700.000 USD tuỳ phim. Phim sắp tới có thể còn cao hơn một chút.

Sau nhiều năm đeo đuổi dòng phim này, anh có sống được bằng nghề?

Cũng sống được , nhưng mức sống của tôi cũng giản dị như một giáo viên thôi. Ngoài ra, nếu phim được chiếu trên truyền hình nước ngoài thì tiền tác quyền cũng tương đối. Tất nhiên mình cũng không nên tự mẫu thuẫn khi đòi hỏi một cuộc sống  đầy đủ khi theo đuổi dòng phim này. Trừ trường hợp một số hiếm phim nghệ thuật thành công và bán được rộng rãi trên khắp thế giới như bộ phim đoạt giải Oscar của Iran vừa nêu, còn nhìn chung, trên khắp thế giới này, các đạo diễn phim nghệ thuật đều phải sống tùng tiệm cả.

Một số nền điện ảnh phát triển, họ có quỹ hỗ trợ cho các nhà làm phim độc lập, còn Việt Nam thì sao?

Hiện tại,  Việt Nam chưa có quỹ nào như vậy, mặc dù như tôi biết Cục điện ảnh nhiều năm nay đang nỗ lực cho sự ra đời một Quỹ hỗ trợ điện ảnh, trong đó có các nhà làm phim trẻ là đối tượng được hướng tới, đáng tiếc quỹ trình chính phủ đã lâu mà vẫn chưa được thông qua.

Một quỹ như vậy sẽ giúp các nhà làm phim trẻ VN, đặc biệt là với những người làm phim nghệ thuật đầu tay bớt khó khăn, thay vì phải trông chờ vào các quỹ hỗ trợ nước ngoài như hiện này. Nếu chúng ta muốn có tài năng mới, làm phong phú nền điện ảnh nước nhà và  đưa phim Việt vươn ra biển lớn thì chính phủ không nên quên một quỹ như vậy .

Số phận của bộ phim Việt Nam được đề cử giải Gấu vàng ảnh 3

Đoàn phim “Cha và con và…” ra mắt trong buổi công chiếu tại LHP Berlin 2015.

Anh đã từng trao đổi rằng, để phim Việt tranh giải tại các LHP lớn trên thế giới, trong đó có giải Oscar không phải quá khó?

Cũng khó đấy, nhưng không nằm ngoài tầm với của chúng ta như cách mọi người vẫn nghĩ nếu chúng ta đi đúng đường. Tiêu chí của Oscar là phim có cốt truyện hay, dễ hiểu, đừng thách thức công chúng quá. Luôn cần một kịch bản hay cho mục tiêu Oscar, tuy nhiên kịch bản lại là một khâu đang yếu ở VN….

Hiện nay anh đang ấp ủ bộ phim nào?

Tôi đang chuẩn bị cho “Tiệc trăng tròn”, môt dự án đã thai nghén 3 năm nay rồi.  Nó là một bộ phim ly kì xoay quanh buổi họp lớp của những người bạn trung niên, khi bỗng nhiên một vụ án mạng xảy ra… Ở một nghĩa nào đó,  đây là phần tiếp theo  của  “Chơi vơi” bộ phim tôi viết kịch bản gần 20 năm trước và đã được Bùi Thạc Chuyên đạo diễn.

Số phận của bộ phim Việt Nam được đề cử giải Gấu vàng ảnh 4

 Đạo diễn Phan Đăng Di đang chỉ đạo cảnh quay phim “Cha và con và…”.

Liệu anh có định đem phim này tham dự LHP nước ngoài không?

Tôi muốn đưa phim đến Cannes, đó là nơi tôi muốn thấy các nghệ sỹ Việt Nam mình phải xuất hiện đàng hoàng cùng  các bộ phim Việt nói tiếng Việt.

Kể từ khi “Cha và con và …” được đề cử Gấu vàng, anh có thấy cuộc sống của mình bị xáo trộn không?

Có một thay đổi tích cực đó là có một số nhà sản xuất Pháp đã chủ động tìm đến tôi để hỏi về dự án tiếp theo, nhưng nó không đem lại những thay đổi lớn trong suy nghĩ về nghề nghiệp ngoài một nỗi buồn nho nhỏ rằng, điện ảnh nghệ thuật, ngay tại những khu vực quan trọng nhất cũng cho thấy việc làm phim  chỉ ngày càng gian nan hơn mà thôi, một gian nan cấp độ toàn cầu trong một thế giới ngày càng bớt lãng mạn và ít kiên nhẫn cho những sáng tạo thực sự.

Xin cảm ơn và chúc anh tiếp tục thành công.

MỚI - NÓNG