Số phận một kế hoạch phát triển văn học - nghệ thuật

Số phận một kế hoạch phát triển văn học - nghệ thuật
TP - Cần Thơ mở ra viễn cảnh “phát triển phong phú, mạnh mẽ, đa dạng” với “nhiều tác phẩm chất lượng cao” đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, khi UBND ban hành “kế hoạch xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật” vào ngày 7-12-2009.
Trung tâm Văn hóa Thể thao ở quận Ô Môn (Cần Thơ) xây dựng năm 2008 tốn hơn 60 tỉ đồng, lớn nhất khu vực ĐBSCL, nay hầu như bỏ hoang. Ảnh: Sáu Nghệ
Trung tâm Văn hóa Thể thao ở quận Ô Môn (Cần Thơ) xây dựng năm 2008 tốn hơn 60 tỉ đồng, lớn nhất khu vực ĐBSCL, nay hầu như bỏ hoang. Ảnh: Sáu Nghệ .

Nhưng từ đó, hoạt động văn học-nghệ thuật ở TP Cần Thơ được dư luận chú ý nhiều, lại là những vụ “tai tiếng”.

Đầu năm 2010, đăng cai cuộc thi thơ ĐBSCL, không trao giải nhất cho bài thơ Trăng Nghẹn của ông Hoài Tường Phong mà BGK đã chấm.

Năm 2011, tổ chức thi ảnh nghệ thuật, có 11 giải thì hai vị chủ trì cuộc thi nhận 7 giải, từ giải nhất trở xuống.

Đầu năm 2012, Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ bị cho “thôi giữ chức” vì hành vi “đạo báo”.

Nay hỏi bản kế hoạch phát triển VH-NT nhiều tham vọng, do Phó chủ tịch Tô Minh Giới ký chưa đầy ba năm trước, nhiều vị lãnh đạo Liên hiệp các Hội VH-NT TP Cần Thơ không biết.

Mà kế hoạch quy định “Liên hiệp các Hội VH-NT chủ động triển khai và phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể… thực hiện”. Vài vị giải thích “mới được bầu từ tháng 6-2012, còn kế hoạch do nhiệm kỳ cũ soạn thảo”.

Chủ tịch Liên hiệp nhiệm kỳ cũ là ông Phan Huy kể về sự ra đời của bản kế hoạch, hé lộ điều khó ngờ.

Chuẩn bị cho số Xuân 2009 của Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ, ông Phan Huy có công văn đề nghị lãnh đạo TP Cần Thơ viết một bài “chỉ đạo”, với nội dung quen thuộc là đánh giá thời gian qua và định hướng thời gian tới.

Nhưng vị lãnh đạo lại phê vào công văn “xin bài”, chuyển cho Sở VH-TT-DL, yêu cầu làm kế hoạch chiến lược xây dựng và phát triển VH-NT.

Chấp hành, Sở VH-TT-DL xây dựng kế hoạch phát triển đời sống và sự nghiệp văn hóa, còn phần nghệ thuật chuyển cho Liên hiệp.

Qua nhiều cuộc họp, đến cuối năm, hai cơ quan có “Kế hoạch xây dựng và phát triển VH-NT trên địa bàn TP Cần Thơ” trình lãnh đạo UBND TP Cần Thơ ký ban hành.

Bản kế hoạch dài 6 trang giấy A4, mục tiêu nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, phát triển đội ngũ, đổi mới hoạt động, tăng cường cơ sở vật chất để “phát triển sự nghiệp VH - NT” trong thời kỳ mới.

Được viết bởi văn phong nửa hành chính nửa văn nghệ với cơ man từ ngữ ngoại lai sáo rỗng, tựu trung đề nghị ngân sách đầu tư lớn.

Về đào tạo con người, hằng năm, cử hàng chục người đi đào tạo ở các trường trong nước, cử các đoàn văn nghệ sỹ ra nước ngoài học tập kinh nghiệm, trong thành phố mỗi năm đào tạo gần 2.000 người tại chức đại học, cao đẳng và trung cấp VH-NT.

Bên cạnh, tổ chức nhiều trại sáng tác, thành lập ít nhất bốn giải thưởng để “có được các tác phẩm chất lượng cao, chào mừng các ngày kỷ niệm lớn trong năm 2010-2015”.

Đầu tư xây dựng trụ sở mới của Liên hiệp rộng khoảng 5.000 m2, xây dựng nhà hát lớn, trường đại học văn hóa, trung tâm văn hóa Tây Đô, bảo tàng lịch sử -văn hóa ĐBSCL, thư viện loại I “hiện đại cấp quốc gia”, các trung tâm văn hóa cấp huyện, thiết chế văn hóa cấp xã...

Cần số tiền rất lớn và liên quan đến tài chính, tổ chức nên phải có ý kiến của nhiều ngành.

Ông Phan Huy cho biết, UBND TP Cần Thơ tổ chức nhiều cuộc họp đủ các sở, ban ngành, đoàn thể “nhưng kết quả không đi đến đâu, chủ yếu là Sở Tài chính và Sở Nội vụ không đồng ý”.

Tranh cãi suốt năm 2010, sang năm 2011, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Tô Minh Giới yêu cầu, Liên hiệp các Hội VH-NT làm việc cụ thể trước với các cơ quan liên quan.

Ông Phan Huy nói: “Tại cuộc họp ấy, tôi đã phản ứng lại ông Tô Minh Giới, là UBND TP Cần Thơ chỉ đạo chưa có kết quả, thì Liên hiệp đi làm việc càng không thể có kết quả”.

PV Tiền Phong hỏi, có khi do các ông vẽ ra kế hoạch lớn quá, dành hết ngân sách của Cần Thơ cũng chưa chắc đáp ứng nổi? Ông Phan Huy trả lời, vì yêu cầu phục vụ nhu cầu hưởng thụ của nhân dân thành phố và định hướng thẩm mỹ cho công chúng đến năm 2020.

“Nhưng đời sống văn hóa của nhân dân, chủ yếu phải tự nhân dân, ngân sách nhà nước đâu có thể ôm lấy hết?”, PV Tiền Phong đặt tiếp câu hỏi. Ông Phan Huy cười buồn: “Thì bản kế hoạch ra đời, triển khai và kết thúc như thế khác gì vở hài kịch ba hồi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG