Số phận những ngôi nhà dài

Số phận những ngôi nhà dài
TP- Tây Nguyên hoang sơ với những cộng đồng công xã Êđê nguyên thủy nồng nàn tình yêu và say men thượng võ với bản sắc văn hóa độc đáo qua vô số sinh hoạt sống động dưới những ngôi nhà sàn dài như tiếng chiêng ngân...

Nổi bật giữa buôn làng trù phú no đủ “trâu bò nhi nhúc như bầy mối bầy kiến, dấu chân ngựa và voi chi chít trên đường, tôi tớ đi lại chen chúc nhau, ngực sát ngực vú sát vú ” là ngôi nhà sàn bề thế của tù trưởng Đam San, được sử thi mô tả : “Nhà dài như tiếng chiêng ngân dài của một cái chiêng tốt. Hiên trước nhà dài bằng hơi thở của một con ngựa chạy…”

Nhà dài truyền thống có thể dài đến một, hai trăm mét do hễ có thêm mỗi thiếu nữ rước chồng về là nhà lại được nối thêm một gian. Toàn bộ vật liệu làm Nhà Dài gồm cây gỗ làm kèo cột, lồ ô để đập dập thưng vách lót sàn, cỏ tranh đan bện làm tấm lợp, dây mây ràng chặt buộc kỹ đều được lấy từ rừng. Cả chiếc ghế Kpan đẽo liền mảnh từ một thân cổ thụ dài đôi ba chục mét để nghệ nhân ngồi đánh chiêng không thể thiếu trong những ngôi Nhà Dài ấy cũng là bảo vật của rừng…

Rừng ngày càng bị cạo gọt, trơ trụi, lùi xa. Lối sống mới với nhu cầu tách hộ độc lập, xây nhà kiên cố cho những đôi vợ chồng trẻ đã dần làm nhạt phai tập quán Nhà Dài. Những Nhà Dài “dài như tiếng chiêng ngân” ngày càng mất đi, chỉ còn tồn tại trong hình ảnh hay lời kể của những già làng.

Cách đây mươi năm, ngôi Nhà Dài mang chứng tích lịch sử của Ama Thuột (vị tù trưởng của buôn cổ Ko Siêr mà thành phố trung tâm của tỉnh Đắk Lắk hiện vẫn mang tên) còn kéo dài hun hút gần hai trăm mét ngay bên mặt đường Ama Khê. Vợ chồng Ama Thuột không có con, số hậu duệ kế thừa Nhà Dài này chẳng thiết tha gì với việc bảo tồn di sản.

Trong căn nhà ngày càng hoang phế ấy ngổn ngang những chiếc trống da trâu cực đại, ghế sàng chiêng ché và hàng chục loại vật dụng cũ kỹ khác chồng chất trên bộ Kpan đồ sộ phủ bụi dày. Những người làm công tác bảo tàng tới lui ngắm nghía khối tài sản quý giá ấy, thèm lắm mà không đủ tiền mua. Chẳng bao lâu sau, khối Nhà Dài ấy bị ... chặt ra từng khúc để bán dần, chia dần, nay chỉ còn lại gian đầu hồi đầy mối mọt.

Từ nhà Ama Thuột xuôi về phía Cây số Ba hơn một cây số, ngay góc rẽ vào đầu đường Ama Dhao ở trung tâm TP Buôn Ma Thuột nay vẫn còn một Nhà Dài thuộc buôn Păn Lăm dài hơn 70m, lợp tôn nâu  đỏ, ẩn khuất sau những tán lá phượng xum xuê.

Nhà Dài dài nhất Tây Nguyên bây giờ thuộc về công trình của Cty Du lịch Sinh thái Bản Đôn nằm yên ả bên sông Sêrêpôk, tại buôn Ndrếch xã Ea Huar huyện Buôn Đôn, dài 81 m, rộng 7m. Năm 2004 khi mới dựng nhà, để kiếm đủ 7.500 tấm tranh lợp mái, ông Nguyễn Trụ đã phải thuê  hàng trăm công cắt tranh ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Năng. Nhà Dài dịch vụ này hấp dẫn du khách không chỉ bởi cái sự “dài như tiếng chiêng ngân” của nó, mà nhờ cách đón khách dễ mến của đôi vợ chồng nghệ nhân Ay Jek- Duôn Jek tuổi ngoài bảy mươi giỏi thổi kèn, hát dân ca, dệt vải, đan gùi, chế tác nhạc cụ... đầy thi vị tình tứ. 

Ngôi Nhà Dài được nhiều người chú ý nữa mới khánh thành vào cuối năm 2008 tại làng cà phê Trung Nguyên, đang được tiếp tục đầu tư vài mươi tỷ đồng để trở thành một bảo tàng nông thôn Tây Nguyên. Tòa nhà dài hơn 40 m, rộng 11,3m, trước sân đã kịp trồng 2 gốc cổ thụ Kơnia…

Nhưng có lẽ, chẳng còn cách gì ngăn được thời gian dần phủ lên Nhà Dài và từng vạt cỏ tranh dịu dàng phơ phất những lớp bụi mờ hoài niệm.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.