Sơ ý & tình cờ

Minh họa: Kim Duẩn
Minh họa: Kim Duẩn
TP - Nhiều khi sự vô ý và sơ suất dẫn đến tai nạn chữ, thất bại chữ, nhưng cũng có khi vô tình nhặt được đôi điều thú vị bất ngờ.

Tha thẩn trong rừng chữ, rất nhiều khi có cái thú của nó. Như tha thẩn hái nấm ít nhiều cũng có thu hoạch. Thú vị. Rất nhiều khi vui. Vui và bật cười.

Chẳng hạn có thể hái được một cái nấm như thế này:

Em có thấy sông bên bồi bên lở

Hai bờ môi lúc nào cũng đỏ

Nhìn thấy hữu hình hai bờ sông, bên bồi bên lở. Nhìn bờ sông mà thấy như cặp môi, chắc đây là ví với môi tình nhân nên mới đỏ đến thế. Yêu có thể khen nhau một tí. Thơ tình có thể nịnh nhau một tí. Nhưng mà, hai câu thơ nghiêm chỉnh thế sao khiến người đọc có thể cười. Bật ra ngay. Cười.

Người làm thơ ngay sau chữ lở, đã vội vàng đặt chữ bờ môi. Lở liền kề với môi như thế. Môi gần với lở như thế. Lở môi. Bệnh môi lở.

Có anh bạn thơ, một lần gửi tôi đọc bài thơ mới viết. Anh có nói thêm đấy là bài thơ miêu tả cảm xúc trong sáng của hai người yêu nhau. Chàng tình nhân đắm đuối mơ về người yêu, đời thực thì mơ, mơ thì như đời thực. Tôi đọc, giật mình ngay. Và nói luôn là nó không trong sáng lắm đâu. Bằng chứng là câu thơ này:

Mê mải em anh mộng giấc tinh sương

Cấu trúc câu cầu kỳ thế nhưng ấn tượng chữ thì có khác với điều tác giả diễn giải ngoài lề. Đến sáng tinh sương vẫn còn mơ thấy em, mê mải đắm đuối nồng say thế còn gì. Nhưng bảo là trong sáng thì không. Chữ nghĩa đã gây cảm tưởng khác. Người đọc nào mà chẳng thấy chữ mộng kia đặt trước chữ tinh. Chữ giấc chèn vào giữa theo kiểu thủ thuật dùng thêm chữ đệm. Chữ giấc lúc này vừa là chữ đệm, vừa là chữ ngụy trang, khỏa lấp và làm nhòe đi. Một chữ có nguy cơ bị thô đã được dìm xuống, mờ nhòa, thấp thoáng, đọc lướt khó nhận ra. Đọc chậm rãi một chút thì nhận ra ngay. Và bật cười ngay.

Trong câu văn, người ta cũng hay dùng đến chữ đệm, chữ ngụy trang, chữ đánh lạc hướng. Có khi cả một câu nhiều chữ rườm rà chỉ có thể rút ra vài chữ là điểm nhấn chủ ý. Có khi cả một cụm câu chỉ có một câu gửi gắm ý tưởng cảm xúc. Đám câu chữ ngổn ngang còn lại cũng là chủ ý, chủ ý tạo nhịp điệu âm điệu cho văn, chủ ý phân tán sự chú ý của người đọc để pha loãng cảm xúc và ý tưởng, chủ ý đánh lạc hướng người đọc để sau đó dẫn họ đến một bất ngờ.

Những trang văn trong suốt quá, rõ ràng quá, viết chữ nào hiểu đúng chữ ấy, thường khó làm cho người đọc có được cái thú tha thẩn trong rừng chữ mà thảm lá dưới chân rất nhiều khi đang che phủ những bí ẩn bất ngờ.

Trở lại với câu thơ Mê mải em anh mộng giấc tinh sương. Tôi bảo với tác giả tôi cứ muốn tin rằng câu thơ này là chủ ý, không phải vô tình. Như vậy thì tình yêu anh miêu tả không phải là trong trẻo như anh nói, mà đầy tính sắc dục. Anh bạn thơ reo lên. Anh không chủ ý, nhưng vô tình đã nhặt được một câu thơ sắc dục như thế này. Anh sẽ coi đó là câu thơ cố tình. Anh sẽ nhân câu này mà xoay chuyển lại cả bài thơ cho có tính sắc dục.

Một cái nấm bất ngờ nhặt được. Mà lại nhặt được từ sự vô ý và sơ suất. Còn sự vô ý và sơ suất dẫn đến tai nạn chữ, đến thất bại chữ lại ở nhiều trường hợp khác.

MỚI - NÓNG