'Sợi dây liên hệ vô hình' giữa hai nền văn học

'Sợi dây liên hệ vô hình' giữa hai nền văn học
TP - Từ lâu, văn học Nga có vị trí đặc biệt trong lòng các thế hệ độc giả Việt Nam. Và ngược lại, ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhiều tác phẩm văn học Việt Nam cũng đã vượt đại dương đến với công chúng Nga và gây được cảm tình với họ.
'Sợi dây liên hệ vô hình' giữa hai nền văn học ảnh 1
Cuộc gặp gỡ giữa các nhà văn Nga - Việt tại Matxcơva 7/2008

...Trong cuộc gặp gỡ thân mật giữa các nhà văn Nga với dịch giả Thúy Toàn, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại (mới sang Nga theo lời mời của Hội nhà văn Nga trong những ngày cuối tháng 7) và các hội viên Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga tổ chức vào ngày 25/7/2008, có một đề tài được nhắc đến khá nhiều.

Đó là “sợi dây liên hệ vô hình và hữu hình” giữa hai nền văn học, giữa những người cầm bút! Ý này được bà Elena Rodchenkova, một nhà văn của Saint-Peterburg đề cập.

Sau khi Liên Xô tan rã, “sợi dây liên hệ hữu hình” bị gián đoạn, nhưng trong mười mấy năm bị coi là “khoảng trống” ấy, vẫn có những nỗ lực gìn giữ sợi dây liên hệ vô hình giữa những người cầm bút Nga - Việt ngay ở trên mảnh đất xứ tuyết này.

Tôi muốn nói đến “Hội văn bút của người Việt”-  theo cách nói của tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng, một cây bút của cộng đồng người Việt tại Nga.

Ra đời vào năm 1994 với cái tên rất dài - “Hội những người hoạt động Văn học và Nghệ thuật ở Liên bang Nga”, Hội có số lượng hội viên khá lớn ngay từ những ngày đầu (70 người!) với nhiều tên tuổi quen thuộc trên văn đàn Việt như Trần Đăng Khoa, Thùy Linh, Nguyễn Đình Chiến, Tôn Thất Triêm, Hồ Quốc Vỹ, Bùi Quang Thanh, Châu Hồng Thủy… và một lực lượng dịch giả, họa sĩ, nhạc sĩ … khá đông đảo.

Không được cấp kinh phí, thậm chí, cho đến năm 2006 chưa có nổi một văn phòng liên lạc thực sự, Hội VHNT VN tại LB Nga vẫn tồn tại theo cách “liệu cơm gắp mắm”, dựa trên tâm huyết của từng thành viên. Người điều hành không “đòi” lương, người góp bài vở không “đòi” nhuận bút!

Thật khó kể tỉ mỉ chặng đường 14 năm hoạt động của Hội trong vài dòng ngắn ngủi. Chỉ có thể nói rằng, Hội đồng hành cùng mọi thăng trầm của cuộc mưu sinh nơi xứ người.

Những người yêu văn nghệ của cộng đồng đã từng nâng niu đón nhận tạp chí “Người bạn đường” - cơ quan ngôn luận của Hội. Tạp chí này vừa là nơi giới thiệu các sáng tác của hội viên người Việt tại Nga, vừa giúp cộng đồng tìm hiểu thêm về tình hình phát triển văn học Việt Nam và Nga đương đại...

Từ bấy đến nay, lực lượng của Hội vơi dần đi do hội viên đã lần lượt về nước hoặc di chuyển sang nước khác làm ăn.

Song với sự bền bỉ kỳ lạ, với sự “chèo lái” của Chủ tịch Hội - nhà văn Châu Hồng Thủy và phó chủ tịch - nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, Hội vẫn duy trì hoạt động, xuất bản được hai tuyển tập thơ nhiều tác giả (“Những nẻo đường xứ tuyết” và “Tuyết ấm”) song song với việc xuất bản các tập thơ, truyện ngắn của từng hội viên.

Hội thường xuyên tổ chức các đêm thơ, các buổi giao lưu có sự góp mặt của nhiều cây bút cộng đồng và sự tham gia của các nhà thơ Nga, những dịch giả, các nhà Việt Nam học người Nga. Hội giữ liên lạc mật thiết với Hội nhà văn Nga, theo dõi từng sự kiện văn học nước bạn.

Không phải ngẫu nhiên mà trong buổi gặp gỡ với nhà văn Thúy Toàn và nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại vừa qua, ông Oleg Bavykin, trưởng ban đối ngoại của Hội nhà văn Nga, đã đánh giá cao tính chất “cầu nối ngoại giao” quan trọng của Hội VHNT VN tại LB Nga. Cần phải nói thêm là ông Oleg gắn bó với Hội từ lúc… tóc còn xanh, cho đến bây giờ, tóc đã bắt đầu điểm bạc!

Riêng mảng dịch thuật, Hội có một gương mặt nổi bật là dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền, người đã cùng các dịch giả trong nước góp sức rất nhiều trong việc giới thiệu văn học Nga (kể cả cổ điển lẫn đương đại), trong đó phải kể đến những tác phẩm dịch: “Tiếng cười trong bóng tối” (Vladimir Nabokov, NXB Văn học, 2000), “Sonechka” (Ludmila Ulitskaya, NXB Hội nhà văn, 2006), “Bác Phiodo, con chó và con mèo” (Eduard Uspensky, NXB Hội nhà văn 2006).

Tôi viết những dòng này với tư cách là hội viên Hội VHNT VN tại LB Nga từ năm 1997. Từ những năm ấy, tôi luôn có ấn tượng về dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền như về một người làm việc miên man! Trong các buổi họp Hội, ngơi ra phút nào là thấy chị ghi ghi chép chép để rồi cho ra đời một số lượng đáng nể các bản dịch.

Gần đây, tôi lại nhìn thấy ở chị một người phụ nữ xông xáo, sẵn sàng là cầu nối giao lưu giữa các nhà văn Nga - Việt, đam mê những chuyến đi dài qua các tỉnh thành làng mạc của nước Nga, những nơi có dấu ấn của các nhà văn Nga mà chị hằng yêu mến.

Phải chăng, niềm say mê nước Nga, tiếng Nga, văn học Nga và sức làm việc không ngừng nghỉ ở những con người như chị Hiền chính là “sợi dây liên hệ vô hình” giữa hai nền văn học mà nữ sĩ Elena Rodchenkova đã nói?

Thụy Anh
Từ LB Nga

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.