Sớm phục dựng nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc tại làng Sen

Sớm phục dựng nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc tại làng Sen
Ngôi nhà tranh lâu nay trưng bày tại Làng Sen không phải là hiện vật gốc, cũng không phải là phiên bản có tính khoa học từ hiện vật gốc.
Sớm phục dựng nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc tại làng Sen ảnh 1
Ông Trần Minh Siêu.

Về ngôi nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ của Bác Hồ, cuốn Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên do ông Trần Minh Siêu biên soạn, NXB Nghệ An ấn hành nhiều lần, lần đầu vào năm 1985, lần mới nhất tháng 4.2007, có đoạn: "Năm Tân Sửu (1901) khi đậu phó bảng ông Sắc đã 38 tuổi.

Thương cảm trước cảnh ngộ riêng của ông, đặc biệt là trước vinh dự lớn có người đậu đại khoa, làng quyết định xuất quỹ công sang tận xã Xuân La (nay là xã Xuân Lâm) mua một ngôi nhà gỗ 5 gian về dựng trên mảnh đất công rộng 4 sào 14 thước để mừng ông phó bảng. Tất cả cây cối trong vườn cũng đều do dân làng đem đến trồng giúp.

Dân làng Kim Liên xuống làng Hoàng Trù đón rước ông Sắc và 3 con là Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) về ở. Vì thế, năm 1957 sau hơn 50 năm bôn ba hải ngoại, lần đầu về thăm quê hương, khi thăm ngôi nhà này, Người nói"Đây là nhà ông phó bảng".

Trước Tết Mậu Ty, Sở VHTT Nghệ An tổ chức cuộc hội thảo quanh nội dung nên hay không nên phục hồi ngôi nhà ông phó bảng, và nếu phục hồi thì làm như thế nào.

Việc đó hé cho tôi một điều: Ngôi nhà tranh lâu nay trưng bày tại Làng Sen - hiện vật mà tôi đinh ninh là do dân làng mua tặng ông phó bảng từ năm 1901 như sách đã ghi - không phải là hiện vật gốc, cũng không phải là phiên bản có tính khoa học từ hiện vật gốc.

Tôi đã trò chuyện với ông Trần Minh Siêu (TMS), người đã công tác ở Khu Di tích Kim Liên (KDTKL) từ đầu tháng 9.1969 khi Bác mới qua đời cho đến tháng 5.1990. Ông đã nghỉ hưu, trú khối Tân Phong phường Lê Mao TP Vinh.

Tại cuộc hội thảo nói trên, ông nghiêng về chủ trương phục dựng hay không phục dựng?

Tôi không được mời dự hội thảo này, nhưng sau đó có người đến nhà chất vấn tôi: Tại sao ông Nguyễn Vương Lộc - Phó GĐ Sở VHTT Nghệ An, Trưởng Ban QLDA bảo tồn tôn tạo KDTKL - lại bảo vệ việc giữ lại ngôi nhà của ông Lê Cờn? Tại sao ông TMS suốt 20 năm "mắc màn" trên đó cũng ủng hộ giải pháp phi khoa học ấy? Tôi bị trách oan.

Về mặt khoa học bảo tồn di tích, nếu như được mời dự thì ông phát biểu thế nào?

Tôi gọi điện trao đổi với ông Cao Đăng Vĩnh GĐ Sở VHTT Nghệ An rằng, ngôi nhà mua của ông Lê Cờn năm 1968 mang về dựng trên nền ngôi nhà của ông phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là theo biện pháp tình thế; Nhẽ ra đã phải được thay thế bằng một ngôi nhà đồng dạng với ngôi nhà gốc của ông phó bảng.

Ông Vĩnh tán thành quan điểm của tôi nhưng lại bảo rằng, Hội thảo đã tạm kết luận theo đề nghị của anh Lộc là vẫn để nguyên nhà ông Lê Cờn vì... vấn đề lịch sử (?). Hơn nữa, Bảo tàng HCM sử dụng ngôi nhà sàn của Bác cũng tương tự như giải pháp này của Nghệ An.

Năm 1969, sau khi Bác mất, Bảo tàng HCM mua gỗ về làm một ngôi nhà sàn đồng dạng dựng trên nền cũ tại Hà Nội, nhà sàn gốc của Bác đã được cất giữ bảo quản trong kho.

Còn việc năm 1968 Nghệ An mua ngôi nhà ông Lê Cờn về dựng trên nền nhà ông Phó bảng là giải pháp tình thế, hai việc làm hoàn toàn khác nhau. Nay ta tiếp tục duy trì ngôi nhà ông Lê Cờn là đồng nghĩa với việc cố níu giữ "cái gọi là" bất đắc dĩ từ 40 năm trước, như vậy là không khoa học, không khách quan.

"Ông" nghĩ thế nào khi ngôi nhà đang trưng bày tại Kim Liên không phải hiện vật gốc, cũng không phải phiên bản phục dựng từ hiện vật gốc?

Năm 1969 khi tôi về làm việc tại Bảo tàng Kim Liên, đã thấy ngôi nhà tranh mua của ông Lê Cờn được trưng bày.

Như sách tôi đã viết, năm 1901 ông Sắc đậu phó bảng, bà con làng Sen xuất quỹ công mua căn nhà gỗ 5 gian bên xã Xuân La (nay là Xuân Lâm) mang về dựng trên mảnh đất công 4 sào 14 thước tại làng Sen tặng gia đình ông phó bảng.

Về sau ngôi nhà gốc được bà Thanh, ông Khiêm (chị và anh ruột của Bác) bán lại cho người trong vùng. Năm 1956 có chủ trương phục dựng ngôi nhà ông phó bảng, các gia chủ trong vùng sở hữu tự nguyện nhượng lại ngôi nhà ấy để Nhà nước làm di tích. Đó chính là ngôi nhà mà Bác ở từ 1901 khi đang tuổi thiếu niên, đến 1906 đã vị thành niên, và hai lần được đón Người về thăm ngày 16.6.1957 và 9.12.1961.

Một số tài liệu cũng phản ánh đúng như ông viết, vậy do đâu lại phải mua ngôi nhà của ông Lê Cờn về dựng trưng bày?

Năm 1968 một quả bom của Mỹ rơi xuống làng Sen, gần ngôi nhà cụ phó bảng. Trước tình hình đó lạnh đạo Ty VH xin ý kiến, được Tỉnh uỷ Nghệ An và Bộ VH cho phép tháo dỡ ngôi nhà để bảo quản, và đành thực hiện biện pháp tình thế mua lại ngôi nhà của ông Lê Cờn cũng ở làng Sen, về dựng trên nền nhà cũ của cụ phó bảng.

Nhìn bề ngoài, hình dáng của ngôi nhà gốc na ná ngôi nhà mua của ông Lê Cờn, nhưng cột nhà ông Lê Cờn thấp hơn cột nhà của cụ phó bảng khoảng 0,15 - 0,20m, nhiều bộ phận bên trong cũng khác nhau đôi chút.

Ông có thông tin gì về ngôi nhà gốc của cụ phó bảng được tháo dỡ để bảo quản từ năm 1968, hiện đang cất giữ ở đâu?

Trước ngày tôi về làm việc tại Khu di tích Kim Liên, ngôi nhà gốc đã được bảo quản trong kho. Sau ngày Bác mất, được sự chỉ đạo của Vụ Bảo tồn Bảo tàng (nay là Cục Di sản VH), chúng tôi tiến hành ngâm tẩm nếp nhà bằng hoá chất để bảo quản lâu dài.

Năm 1979 trước khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, tỉnh cấp kinh phí cử các kiến trúc sư về Kim Liên vẽ ghi, lưu lại toàn bộ hình dáng, kích thước các chi tiết, các cấu kiện của nếp nhà gốc, với tinh thần là để khi cần chúng ta vẫn tái dựng được một phiên bản đồng dạng với ngôi nhà gốc.

Chiến tranh biên giới tiếp tục căng thẳng, cấp trên lệnh cho chúng tôi mang hiện vật gốc bảo quản trong một căn hầm dưới chân núi Chung, thuộc địa phận làng Ngọc Đình và đắp luỹ bảo vệ quanh căn hầm. Sau chiến tranh biên giới, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh cấp kinh phí xây một ngôi nhà ngói tại vị trí sau Nhà thờ Bác bây giờ, để cất giữ ngôi nhà gốc của cụ phó bảng.

Nhưng tại sao vẫn chưa phục dựng để trưng bày một phiên bản đồng dạng ngôi nhà gốc của cụ phó bảng?

Năm 1980 được sự đồng ý của cấp trên, Tỉnh uỷ UBND tỉnh Nghệ Tĩnh có chủ trương phục dựng ngôi nhà của cụ phó Bảng để sớm thay thế ngôi nhà của ông Lê Cờn đang trưng bày. Ngày đó anh Nguyễn Huy Dũng làm Chủ nhiệm Bảo tàng Kim Liên, không hiểu do trục trặc ở khâu nào đành phải dừng chủ trương đúng đắn ấy lại. Tôi biết toàn bộ số gỗ chuẩn bị cho việc phục dựng theo hiện vật gốc, sau đó đã được sử dụng vào việc tu sửa đền Làng Sen.

Cảm ơn ông!

Theo Giao Hưởng
Lao động

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.