Sớm quá, Từ Huy ơi!

Sớm quá, Từ Huy ơi!
TP - Tôi nhớ  vào một chiều biên giới Tây Nam, trong một hoàng hôn bình yên không đạn bom, không tranh chấp, những người lính ôm đàn guitare hát quanh đống lửa: “Hỡi người yêu dấu – hãy hát anh đàn…”.
Sớm quá, Từ Huy ơi! ảnh 1
Nhạc sĩ Từ Huy – Hà Nội tháng 5/2000  Ảnh: N.Đ.Toán

Một giai điệu mới mẻ. Một nhịp điệu trẻ trung đã ập đến chiếm lĩnh tâm hồn người nghe. Tôi chợt nghĩ, lại thêm một ngôn ngữ âm nhạc mới dành cho những người lính trẻ khác với thời chống Pháp và chống Mỹ. Tôi nghe và không biết đó là một trong những sáng tác đầu tay của Từ Huy, bài “Những lời em hát”.

Rời Tây Nam, tôi ra với biên giới phía Bắc cùng giai điệu trên.  Lại lính trẻ, lại “đốt lửa lên guitare bập bùng”. Và vẫn đầy cam go, quyết liệt. Nhưng giữa những căng thẳng ấy, tôi lại nghe thêm ngọt ngào: “Em ơi! Con sông dòng suối – tuy chưa hề nói – có chung cội nguồn – Em ơi! Con sông dòng suối – tuy chưa hề nói – có chung cội nguồn – Em ơi! Qua bao ngày đông xuân nay lại về hớn hở – Bao nhiêu là điều sẽ nhớ, sẽ quên…”.

Có cảm giác, có vẻ như Từ Huy. Vậy mà đúng của Từ Huy thật, bài “Mùa xuân tình yêu”. Dường như, Từ Huy là một trong những nhạc sĩ khởi sự dòng nhạc trẻ Việt Nam đương đại.

Chúng tôi thực sự chơi với nhau năm 1991, qua một cuộc vui cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khi ấy, các anh vừa lập ra nhóm “Những người bạn” gồm 7 nhạc sĩ:

Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện và Nguyễn Văn Hiên. Tiêu chí của họ là  sáng tác nhiều các bản nhạc trẻ cho thanh niên hôm nay.

Một sân chơi do Từ Huy chủ trì đã mở ra hàng đêm ở số 7 Nguyễn Văn Chiêm – quận I – thành phố Hồ Chí Minh.

Từ Huy sinh tại Quảng Nam, tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn và Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Giữa phong trào sinh viên, học sinh thời chống Mỹ, Từ Huy đã có những bài thơ yêu nước in trên các tạp chí “Đối diện”, “Văn”… Từ Huy bước vào con đường âm nhạc từ ngày đất nước thống nhất.

Chính thời kỳ đó đã khiến cho Từ Huy thăng hoa trên những “Một thoáng quê hương” (viết chung với Thanh Tùng) “Ru em”, “Chiều thứ bảy”, “Mong đợi ngậm ngùi”… và đặc biệt là “Ngày em đến”.

Tới “Ngày em đến”, có thể nói Từ Huy đã xác lập ra một ngôn ngữ âm nhạc, một kiểu ca từ riêng biệt “rất Từ Huy” với những điệp từ mà anh rất thích dùng trong sáng tác của mình như:

Tà áo em bay bay bay bay trong gió nhẹ nhàng” hay “Tết tết tết tết đến rồi” hoặc “Cứ cuốn đi, cứ cuốn đi, cứ cuốn đi theo anh đời đời”. Những điệp từ ấy đã trôi theo giai điệu  tạo nên ấn tượng mạnh, lôi cuốn.

Bên cạnh việc trả nghĩa quê hương bằng tác phẩm “Quê hương tuổi thơ tôi” mà Mỹ Tâm đã thể hiện hay tới mức “biến” quê hương Quảng Nam thành quê hương của mọi thanh niên trẻ trung, Từ Huy còn thật có duyên với Đà Lạt. Và Từ Huy đã hát rất mới về Đà Lạt.

“Ai cho em đôi má hồng đào – và đôi môi dâu tươi thắm ngọt ngào – Để tôi khát khao…”.

Ai ngờ chính xứ sở kiều diễm này đã làm khựng lại  bước chân giang hồ với bao dự định, với bao nợ nần mà người bạn tài hoa này chưa trả xong.

Ngay cả việc cùng tôi tiếp tục một tạp chí “Thế giới âm nhạc” như mười năm trước cũng đành dở dang.

Vĩnh biệt bạn thân thiết! Sao nhanh và sớm quá, Từ Huy ơi!

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".