Sống dậy hát cửa đình

Đào kép trẻ Hải Phòng phục dựng một cách bài bản hát cửa đình . Ảnh: Toan Toan
Đào kép trẻ Hải Phòng phục dựng một cách bài bản hát cửa đình . Ảnh: Toan Toan
TP - Hình thức hát cửa đình tưởng biến mất, nay được phục dựng trọn vẹn, ra mắt những người quan tâm chiều 14/1 tại di tích quốc gia đình Hàng Kênh (Hải Phòng).

Thoát nguy cơ mất gốc

Để có khoảng 70 phút hát cửa đình đúng chuẩn mực 14 thể cách, một số đào kép CLB ca trù Hải Phòng bỏ hơn bốn tháng nay cơm đùm cơm nắm tới nhà nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ (Hải Dương). Ông là người cuối cùng của thế kỷ 20 hát cửa đình. Hình thức này cho thấy sự bề thế, vì không chỉ có hát (hai người như ở ca quán), cần đến đoàn tổng hợp, vì có màn múa, diễn xướng, trò diễn. 

Canh hát đặc biệt này được tổ chức tại đình Hàng Kênh (phố Nguyễn Công Trứ, quận Lê Chân) trong không gian đại đình khói hương trầm mặc. Trước khi đào, kép kéo vào trong, mọi người đổ xô ra sân đình xem múa tứ linh, rồi màn nhạc bát âm ngoài thềm. 

NSƯT Đỗ Quyên, chủ nhiệm CLB ca trù Hải Phòng nói, quá trình phục dựng đều dựa vào trí nhớ của nghệ nhân dân gian Nguyễn Phú Đẹ. “May mắn là thầy tuổi ngoài 90 nhưng trí nhớ vô cùng minh mẫn. Làn điệu, đàn sai một cung bậc, hát sai một chữ thầy biết ngay”, chị nói.

Nghệ nhân bận áo dài khăn đóng có mặt tại đình từ sớm, đi một bước cũng có người dìu. Ấy thế mà cụ trở lại làm kép, đàn đáy đeo vai bằng dải vải đỏ, đứng cất lời hát giáo Hương, hát giai dọn đường cho học trò vào canh hát cửa đình. 

Cụ nhường lại gian chính giữa đình cho các đào kép, lui về bên trái đình chăm chú dõi theo. Chầu hát này cũng đưa đình làng trở về đúng nghĩa-nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, không chỉ là nơi tế lễ mang màu sắc tín ngưỡng.

“Tôi là thế hệ kế tiếp của các cụ, ca trù đặc biệt là hát cửa đình mang phần nào tâm linh của nền văn hóa Việt Nam. Đào kép chúng tôi học trình thức hát cửa đình, cảm thấy tự tin hơn, yêu nghề hơn và gắn bó ca trù hơn nữa khi được các thầy, nghệ nhân truyền dạy. Tuy nhiên, để đòi hỏi mỹ mãn, trọn vẹn thì chưa”, NSƯT Đỗ Quyên nói. 

Người nghe, xem bữa ấy chủ yếu là chuyên gia, một số cao niên quanh đình và phóng viên báo chí. Quen đà xong một màn vỗ tay, nên một cụ cao tuổi cứ phải liên tục xua tay-không được vỗ tay, hát tế thánh mà.

Đào nương Thu Hằng nói trong nghẹn ngào, rằng dù học thầy được mấy tháng, nhưng chưa thấy thấm vào đâu. Các cụ nghệ nhân hầu hết về với tiên tổ, trong khi đào kép trẻ không thể sống được bằng nghề, đến với nghề vì yêu thích. 

Tiếng phách, tiếng đàn, tiếng hát, buông câu nhả chữ, tiết tấu của khổ đàn, đào hát phải nắm rõ mới phách, hát được. “Dù canh hát này chưa mỹ mãn, chúng tôi chưa đủ tự tin nhưng không làm, nhỡ mai kia thầy không còn không biết có làm được nữa hay không”, chị nói. 

Hát cửa đình được coi là hình thức cổ điển nhất của ca trù, suốt thời gian qua bị mai một, mọi người chỉ biết đến hình thức ca quán của nửa đầu thế kỷ 20. 

“Tôi muốn nói rằng nếu hát cửa đình mà không giữ được, thì ca trù mất gốc. Có lúc tôi ngẩn người ra, tiếc vì không có người học. Duy có CLB Hải Phòng chị em đông, cố gắng học để giữ nề nếp của ông cha. Đến nay trọn vẹn thì chưa, nhưng mười phần cũng hay được tám, chín phần rồi. Học đến già chứ không chỉ thế này rồi thôi, sau này cứ tiếp tục nghiên cứu. Ca trù học rất khó, phải học bằng trí óc, bằng mồm nói bằng tay làm thì càng ngày càng hay lên”, cụ Đẹ nhận xét.

Đầu tiên là tiền đâu

Xong cuộc mới hỏi nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, sau Hải Phòng có CLB ca trù nào giật mình nghĩ tới việc phục dựng hát cửa đình không. Lâu nay các nhà nghiên cứu thở than, thứ người ta hay hát đó không đúng là ca trù. 

Có lịch sử manh nha đến nghìn năm, từ thời Lý hoạt động của đào kép trong xã hội nhộn nhịp đến mức triều đình phải đặt ra chức quan quản lý công việc làm ăn đó, gọi là Quản giáp, sau này chính là giáo phường. Đào nương, kép đàn hoạt động gói gọn trong giáo phường, gắn bó chặt chẽ với cửa đình. Như gia đình nghệ nhân Phú Đẹ, cai quản dễ đến gần 30 cửa đình. Xuân thu nhị kỳ làng có hội, ca trù bao giờ cũng mở màn, rồi mới đến lượt tuồng, chèo.

Đến thế kỷ 20, ca trù mới rầm rộ ra đô thị lớn, mở ca quán, nhà hát. Năm 1946 toàn quốc kháng chiến, vẫn còn hình ảnh đoàn tàu cuối cùng gom vài trăm đào nương đi theo kháng chiến. Tuy nhiên, sau hòa bình lập lại, do nhìn nhận sai lệch, nghệ thuật ca trù bị đứt đoạn. Dễ đến 60 năm nghệ nhân Phú Đẹ không cầm đàn, nhiều người chuyển nghề, giấu giếm thân phận. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bảo, không cố, nhỡ không may ông mất đi, hát cửa đình cũng theo ông xuống mồ mất.

Khó khăn khi bảo tồn ca trù, hát cửa đình là gì? “Khó khăn nhất vẫn là vật chất, muốn bảo tồn phải có tiền. Bây giờ đào kép không sống được bằng nghề, họ sống bằng trái tim yêu nghề. Ở phương Tây với những giá trị nghệ thuật cổ điển cần bảo tồn, không trông chờ lòng từ thiện của người dân thì phải có nhà bảo trợ của nhà nước hoặc doanh nghiệp”, Bùi Trọng Hiền nói. 

Chủ nhiệm CLB ca trù Hải Phòng nói, trước đây khi nghệ nhân Trần Trọng Quế còn sống, từng cho hát cửa đình, tuy nhiên chưa đầy đủ như cụ Đẹ truyền dạy. Hỏi về tương lai canh hát này, NSƯT Đỗ Quyên thành thật, để có được canh hát, các đào kép phải bỏ tiền túi ra học, bồi dưỡng sức khỏe cho thầy Đẹ, rồi tổ chức biểu diễn coi như trả bài cho thầy vui. Được biết, một canh hát cửa đình cũng tốn cả chục triệu đồng, hầu như chưa có sự quan tâm, đầu tư của cơ quan nào. 

“Tâm nguyện của chúng tôi là sau khi phục dựng, muốn có sự đầu tư đào tạo cho lớp trẻ nắm được trình thức hát cửa đình. Cái này đòi hỏi sự kết hợp với du lịch, giới thiệu và quảng bá hơn nữa, để hát cửa đình không chỉ dừng lại ở đình Hàng Kênh, mà có thể đến được hầu khắp các cửa đình làng Việt”, chị Đỗ Quyên nói.

Hát cửa đình do CLB ca trù Hải Phòng phục dựng gồm 14 thể cách, chia làm năm lớp diễn, cả hát đứng lẫn hát ngồi. Trong đó thét nhạc là bài mở đầu cho đào hát vào hát cửa đình. 

Theo các nhà nghiên cứu, trong nhiều thư tịch Hán Nôm đều chung nhận xét, thét nhạc có lời ca vô cùng lủng củng, khó hiểu nhưng không ai dám sửa, vì sắp điệu trong thét nhạc cổ điển nhất của ca trù rất hay, chỉ dành cho thờ cửa đình. Trình độ của người hát ca trù cũng được đo qua khả năng thét nhạc.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".