Sống lại 'Con đĩ đánh bồng'

Sống lại 'Con đĩ đánh bồng'
TP - Điệu múa cổ lừng danh vừa thức dậy ở Hội làng cổ Hào Nam (Hà Nội), sau hơn nửa thế kỷ ngủ yên, và sẽ tái xuất tối Thứ Bảy hàng tuần tại cửa chợ Đồng Xuân tức sân khấu âm nhạc dân tộc mang tên Hà Thành ba sáu phố phường.

Vậy là Triều Khúc không còn đơn độc trên con đường lưu giữ vốn quý đất Thăng Long vì giờ đây có thêm Con đĩ đánh bồng ở Hào Nam.

Hội làng Hào Nam năm nay tổ chức hai ngày 12/2- 13 ta (8-9/3 dương lịch). Đêm đàn hát dân gian mừng hội xuân, nhân dân được phen cười ngả nghiêng khi bốn nam giới đóng giả phụ nữ khăn vấn mỏ quạ, váy đụp, áo bà ba, môi son má hồng ton ton chạy ra giữa sân đình rồi quay mặt về phía cửa đình, nhảy múa. Hôm sau, chính hội, Con đĩ đánh bồng thêm lần nữa xuất hiện trong đoàn rước kiệu.

Hào Nam là một làng trong thập tam trại, trấn ở phía tây kinh thành Thăng Long. Làng thờ đức thánh Linh Lang, hàng năm có tục rước kiệu lên đình làng Thủ Lệ rồi lại rước về.

Năm nay hội còn thêm vui vì đình, đền Hào Nam vừa được công nhận là di tích lịch sử cách mạng, nơi đây từng che giấu chiến sĩ và vũ khí thời kháng Pháp. Hội năm nay, bên cạnh kiệu long đình, đoàn rước còn tưng bừng với những đội múa sinh tiền, đội bát bửu, rồi kiệu hoa có đám trai giả gái nhảy múa tung tăng.

Ông Nguyễn Văn Trang (trưởng BQL di tích đình, đền Hào Nam) hớn hở: “Hàng chục năm nung nấu ý đồ phục dựng, giờ chúng tôi mới thực hiện được”.

Chẳng phải Con đĩ đánh bồng chỉ có ở Triều Khúc hay Hào Nam. Xưa kia nó vốn là một trong những đặc sản múa của hầu như tất cả làng cổ đất Thăng Long. Gần đây một số làng cổ phục hồi điệu múa bồng nhưng chỉ Triều Khúc giữ nguyên hình thức nam giả nữ. Nhiều nơi còn bỏ chữ con đĩ trong tên của điệu múa, sợ rằng bất nhã.

Sống lại 'Con đĩ đánh bồng' ảnh 1
Múa “Con đĩ đánh bồng” trên sân đình tối 8/3

Hỏi ông Trang sao không để nữ giới múa điệu này như một số nơi, ông gạt phắt: “Nam giả nữ là nét đặc sắc, độc đáo nhất của điệu múa. Bỏ thì mất phần lớn giá trị”.

Ông Trang kể, làng Hào Nam xưa kia có đội múa rất giỏi. Chục năm trước, họ còn sống và minh mẫn. Trong số họ có nghệ nhân Sơn ao ước truyền dạy điệu múa cho con cháu, song đám trai trẻ ngại không dám học (riêng chuyện phải ăn vận như phụ nữ đã đủ ngại rồi).

“Bây giờ  có điều kiện thì cụ Sơn không còn, làng chúng tôi phải đi mời cụ Cần làng Thủ Lệ về dạy, đồng thời được các nhà nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc VN (trụ sở nằm trong đình Hào Nam-NV) trợ giúp chuyên môn và kiêm luôn việc tuyển học viên” - Ông Trang cho biết.

Mấy tháng, sân đình làng Hào Nam hôm nào cũng rộn ràng nhịp trống, các chàng trai tập múa trong điệu bộ phụ nữ. Thanh Tú, “vũ công nghiệp dư” cho biết: “Rất khó, lần đầu tiên mình học múa mà lại giả nữ. Nhưng càng học càng thú vị, giờ thấy điệu múa rất đáng yêu”.

Còn nhạc sĩ Thao Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc VN nói: “Trông động tác thì đơn giản nhưng để múa được không dễ. Tôi phải mời nghệ sĩ Trọng Hạp giúp”.

Trọng Hạp là biên đạo múa dân gian, cựu giảng viên múa trường ĐH Nghệ thuật Quân đội. Nghỉ hưu, anh vào TPHCM tung hoành các sân múa hơn chục năm, vừa trở ra Hà Nội.

“Điệu múa này tôi xem từ nhỏ. Cái hay nhất là điệu bộ, động tác phải ra thần sắc. Vừa như một tiết mục giải trí lại mang tính tâm linh” - Trọng Hạp nói.

Gần chục học viên huy động từ làng Hào Nam và các em học sinh của Trung tâm đóng tại Hào Nam, chọn lựa mãi cuối cũng cũng chỉ ba người đạt yêu cầu: Lâm, Mạnh, Tú đều ở độ tuổi ngoài hai mươi. Con đĩ đánh bồng phải có đôi. Cuối cùng chính nghệ sĩ Trọng Hạp nhảy vào.

Hiện, tối thứ Bảy hàng tuần, Con đĩ đánh bồng được khiêng từ Hào Nam ra sân khấu âm nhạc dân gian Hà thành ba sáu phố phường trước cửa chợ Đồng Xuân để giới thiệu tới người Hà Nội cùng du khách về một đặc sản Thăng Long nghìn năm. Ban quản lý di tích đình đền Hào Nam khéo vận động được sự hỗ trợ của giới chuyên môn và những người trân trọng giá trị truyền thống để có được sự hồi sinh này.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.