Sống với “thần đồng” Trần Đăng Khoa

Sống với “thần đồng” Trần Đăng Khoa
TPCN - Tháng 4/1980, trong một cuộc họp giao ban Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân, đại tá Cục trưởng thông báo: Nhà thơ Trần Đăng Khoa sẽ được bổ sung về Quân chủng Hải quân.

Chưa ai kịp phản ứng gì trước thông tin có vẻ bất ngờ đó thì trung tá Ngô Thế Lũng, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa đã gọi tôi lên giao nhiệm vụ:

- Trần Đăng Khoa sẽ về tổ sáng tác văn học với Nam. Có thêm Khoa, tổ văn không có lý do gì lại yếu hơn các tổ khác. Tôi hy vọng các cậu sẽ dẫn dắt phong trào sáng tác văn học của Quân chủng ngày một tiến tới.

Rồi ông giơ cổ tay xem đồng hồ, nói tiếp – Trần Đăng Khoa từ Hà Nội về đây bằng chuyến tàu chiều. Nam nên ra ga đón Khoa cho tình cảm.

Thời điểm đó, lực lượng sáng tác văn nghệ của Hải quân được coi là tiềm tàng, hùng hậu nhất trong lịch sử Quân chủng. Tổ âm nhạc - múa có các anh Thế Dương, Danh Huế, Quốc Lũng, Trần Lập, Thanh Tiền.

Tổ mỹ thuật có Bằng Lâm, Phạm Đông. Nhiếp ảnh có Lê Đức Do, Quốc Vị. Tổ văn của chúng tôi tuy có 3 nhưng hiện đang ở mỗi người một nơi.

Đình Kính đã lên Hà Nội học khóa I trường Viết văn Nguyễn Du. Lê Thế Hiếu sau khi từ chiến trường biên giới Tây Nam về thì thường trú luôn ở Sài Gòn.

Một thời gian sau Hiếu mất vì tai nạn trong một chuyến đi lấy củi. Ngô Tiến Cảnh khi ấy vẫn còn làm thuyền trưởng dưới Lữ đoàn. Nguyễn Quang Vinh thì vẫn lính thủy đánh bộ ngoài đảo Phú Quốc.

Làm văn học ở cơ quan Bộ Tư lệnh chỉ có mình tôi. So với những văn nghệ sĩ sáng tác trong Nhà Văn hóa thì tôi thuộc hàng ít tuổi. Lúc nào cũng có cảm giác đơn độc, hoang vắng.

Tôi thường lủi thủi một mình xuống các Lữ đoàn, Hải đội lấy tư liệu, tìm nguồn cảm hứng sáng tác. Vậy nên khi biết tin Trần Đăng Khoa về ở cùng, người tôi cứ rạo rực như được tiếp thêm sức sống.

Chiều hôm ấy tôi đạp xe ra ga Hải Phòng. Trước đó tôi cũng đã có dịp tiếp xúc làm quen với Trần Đăng Khoa cái đợt Khoa từ Trại sáng tác Vân Hồ 3 - Hà Nội về Hải quân đi thực tế ở quần đảo Trường Sa.

Nên khi Khoa vừa từ cửa toa tàu bước xuống là tôi nhận ra anh ngay. Khoa vẫn mặc quân phục xanh lá cây, ba lô con cóc. Biết Khoa vừa tốt nghiệp Trường sĩ quan Lục quân, hệ ngắn hạn, tôi hỏi:

- Ông học Lục quân sao không xin về quân - binh chủng nào gần Hà Nội cho tiện việc viết lách mà lại phải về tận dưới Hải Phòng này?

- Nên giải thích với ông thế nào nhỉ - Khoa nói - Thôi, cứ sống với nhau rồi ông sẽ tự hiểu.

Nói rồi Khoa lên xe để tôi lai về cơ quan Bộ Tư lệnh ở đường Điện Biên Phủ.

Ngày ấy Khoa mới 24 tuổi, nhưng tư chất thông minh, lại được tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội, đi đó đi đây từ sớm, Khoa tỏ ra khôn ngoan, lịch duyệt trong mọi tình huống ứng xử.

Tôi hơn Khoa 3 tuổi nhưng đứng trước Khoa, tôi chỉ là một chú gà tồ không hơn không kém.

2. Gian phòng không có cửa sổ

Ngày ấy, nơi ở của cán bộ chiến sĩ trong cơ quan Bộ Tư lệnh được phân chia thành các khu riêng theo hàm tước, nhưng các dãy nhà vẫn liền kề nhau: khu của hạ sĩ quan – chiến sĩ; khu của sĩ quan trung – sơ cấp; khu của sĩ quan cao cấp.

Trần Đăng Khoa và tôi khi ấy đều là sĩ quan sơ cấp nên được xếp ở cùng phòng với một số chàng trung úy, thiếu úy. Phần lớn họ đều làm công việc chuyên môn ở Cục Chính trị.

Có người vừa từ chiến trường Tây Nam ra, thân mình còn hằn những vết thương. Nhiều đêm vẫn mơ thấy ác mộng, gào tướng lên. Họ sống và làm việc rất nghiêm chỉnh theo đúng điều lệnh, điều lệ quân đội. Sáng, đúng 5 giờ nghe tiếng kẻng báo thức là phải bật dậy tập thể dục.

Tối, 9 giờ 30 phút, kẻng báo ngủ là phải lên giường. Dù đã thành sĩ quan nhưng khi về đây tôi phải tập mãi mới hòa nhập được. Tuy thế, đêm đến, khi mọi người trong phòng đã ngủ, tôi lại ròng dây kéo một cái bóng điện ra ngoài hiên, kê ghế ngồi viết.

Mỗi lần lính cảnh vệ đi tuần đêm bắt gặp, tôi lại ngặt đầu ngặt cổ xin xỏ, họ mới bỏ qua cho. Có hôm trái gió trở trời, vết thương của mấy anh cùng phòng tái phát, họ rên la, nấc lên từng chập.

Chỉ cần một tiếng động nhẹ, một tia sáng nhỏ lọt qua khe cửa họ cũng khó chịu. Những đêm như thế tôi không nỡ chong đen ngồi viết, dù cảm hứng sáng tác có dâng trào đến đâu.

Một hôm Khoa bảo tôi:

- Chúng mình là người viết văn, có cách sống khác với các ngài Karênin kia chứ (ý Khoa nói những sĩ quan cùng phòng sống ngay ngắn, khô khan, có phần hơi máy móc như nhân vật Karênin trong tiểu thuyết Anna Karênina của Lep Tônxtôi).

- Hẳn là như thế rồi – tôi đáp – nhưng biết làm sao được, kỷ cương quân đội, quân lệnh như sơn mà!

Rồi chuyện chúng tôi bức bối khi phải ở chung phòng đông người cũng bay đến tai thủ trưởng Cục Chính trị. Người phụ trách doanh trại đến gặp chúng tôi nói rằng họ cũng muốn có một chỗ ở riêng cho hai đứa tôi nhưng hiện tại chỉ còn có một gian phòng không được đẹp, nếu chúng tôi ưng, sẽ bố trí.

Khoa và tôi mừng rơn, xắng xở đi theo người phụ trách doanh trại. Đó là một gian ngoài cùng của dãy nhà cấp bốn, xây đã lâu, mái ngói lên rêu đen xỉn, tường ghẻ lở tróc ra từng mảng vữa, nền nhà thụt xuống thấp hơn sân khoảng 15cm. Gian phòng không có một ô cửa sổ.

Khung cửa ra vào duy nhất thì cánh cửa lại ghép bằng gỗ tấm, không có chấn song. Khi đóng hai cánh cửa lại gian phòng trở thành một cái hòm. Tôi được biết cách đây ít lâu gian phòng này dành cho người coi kho. Từ ngày viên hạ sĩ coi kho đột tử thì gian phòng không dùng để làm gì nữa.

Tôi ghé tai nói nhỏ để Khoa biết điều bí mật ấy. Khoa vốn sợ “ma”, mặt tái đi một lát. Rồi như sực tỉnh, lấy lại can đảm, Khoa bảo:

- Không sao, ta cứ ở đây. Phòng xấu nhưng văn chương không xấu là được!

Thế là hai đứa tôi khoác ba lô đến ở gian phòng đặc biệt này. Nhà thấp, không cửa sổ, cửa ra vào lại quay hướng Tây. Mùa hè hãy còn đang thập thò trên những chùm hoa phượng e ấp thì gian phòng của chúng tôi đã nóng như một cái nồi rang.

Hai đứa được phát một cái quạt tai voi Sài Gòn sản xuất từ thời Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống; những khi điện mạnh nó cứ rên phành phạch, nhảy dựng lên như chú ve sầu ngoại hạng.

Mưa rào một lát thì chẳng hiểu nước từ đâu tràn vào phòng, ngập lưng chân giường. Nằm trên giường mà có cảm giác như nằm trên sạp thuyền chài. Có dịp nước đọng trong phòng hàng tuần,  Khoa và tôi phải lấy chậu tát.

Rồi muỗi, những con muỗi vằn to quá khổ, trông như lũ ong vò vẽ, lúc nào cũng luẩn quẩn quanh chân người. Đi tất mỏng là vòi của nó xiên qua xin tí máu. Những ngày đầu sống trong gian phòng ấy, Trần Đăng Khoa hay mơ gặp chị Duyên. Duyên là chị phụ trách thiếu nhi ở xã Quốc Tuấn, quê Khoa. Theo

Khoa kể thì chị Duyên và Khoa thân nhau đến mức hơn cả chị em ruột, thậm chí còn có sự phấp phỏng như tình yêu. Duyên đã mất vì bệnh tim. Sau ngày Duyên mất chưa bao giờ Khoa mơ thấy chị.  Nhưng khi ở trong cái gian phòng thuyền chài này Khoa mơ thấy chị luôn.

Có hôm đang giấc ngủ  trưa, Khoa mơ thấy Duyên về, đẹp như nàng tiên nhưng cái miệng lại đen ngòm vì không còn một cái răng nào. Khoa sợ quá hét toáng lên làm tôi nằm bên cạnh cũng bừng tỉnh giấc.

Từ hôm ấy cứ mỗi lần tôi phải đi công tác là Khoa lại ôm chăn màn đi ngủ nhờ chỗ mấy anh bạn viết báo. Nhưng đúng như Khoa “dự báo”, thời gian sống ở cái gian phòng xấu xí “ám quẻ” này, hai đứa chúng tôi lại có vẻ “phát” về văn chương.

Tôi viết truyện ngắn Những phút đầu của mùa Xuân được ngay cái giải thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Rồi một loạt truyện ngắn khác được in.

Trần Đăng Khoa thì khi ấy đã là hội viên trẻ nhất Hội Nhà văn Việt Nam. Thành công về thơ thì đã rõ. Khoa còn đang muốn thử sức trong lĩnh vực văn xuôi.

Tại trại viết Vân Hồ 3 – Hà Nội, Khoa đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên là Bước chân thứ nhất, nói về những chuyện xoay quanh tuổi thơ của anh ở quê.

Còn tại cái căn phòng thuyền chài trong cơ quan Bộ tư lệnh mà tôi vừa miêu tả, Khoa đã viết toàn bộ bản thảo cuốn tiểu thuyết Đảo chìm bằng chất liệu từ chuyến đi thực tế ở quần đảo Trường Sa.

Khoa không tự tin lắm khi viết tiểu thuyết. Cứ viết xong một chương, có khi một trang, Khoa lại đọc cho tôi nghe và muốn tôi góp ý.

Nếu đem lý thuyết tiểu thuyết phải có cốt truyện, hoàn cảnh và nhân vật điển hình, có xung đột mâu thuẫn và cởi bỏ mâu thuẫn ra làm thước đo thì Đảo chìm của Trần Đăng Khoa sẽ không được coi là tiểu thuyết, bởi tập bản thảo ấy chỉ là những mảng cuộc sống đậm đặc, lạ lùng xếp lên nhau, đan chéo vào nhau bằng một giọng văn khá riêng biệt, nó từa tựa như văn phóng sự, nhưng hóm hỉnh, cuộn xoáy và rất hấp dẫn...

Dù cuốn Đảo chìm xuất bản không được dư luận đánh giá cao thì tôi vẫn nghĩ, nếu Trần Đăng Khoa thực sự sống chết với tiểu thuyết, anh sẽ là một tác giả rất độc đáo và không hề xoàng xĩnh.

3. Cái duyên Cát Bà

Chỉ vài tháng sau khi tôi và Khoa dọn đến ở thì gian phòng thuyền chài bỗng trở nên sinh động, có sức sống. Nó là nơi hội tụ của những người yêu thích văn học trong cơ quan Bộ Tư lệnh.

Mấy nàng sĩ quan quân y, hậu cần  thỉnh thoảng cũng ghé thăm. Có nàng còn mang cả hoa đến cắm vào lọ nữa.

Trung tá Ngô Thế Lãng, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa, là thủ trưởng trực tiếp của tôi và Khoa vốn xuất thân là một nhạc công viôlông trong đoàn văn công Tổng cục chính trị năm xưa.

Ông có máu nghệ sĩ, lại đã từng năm chìm bảy nổi trên con đường binh nghiệp nên ông có vẻ cảm thông với cách sống hơi khác lạ của tôi và Trần Đăng Khoa.

Đôi khi ông chiều chuộng chúng tôi như em út. Nhưng ông lại cũng hay rèn chúng tôi theo cách riêng của ông, rất chi là “độc chiêu”. Cứ thời  kỳ nào mà thấy chúng tôi có vẻ nhàn tản, đỏ da thắm thịt, tóc đen mượt, ăn mặc tươm tất, bạn bè trai gái dập dìu là ông tính ngay đến một phương án điều chúng tôi xuống đơn vị  thâm nhập thực tế, nếm thêm mùi gian khổ.

Chúng tôi đã từng được ông điều xuống đủ loại đơn vị: nào đặc công nước, nào lính thủy đánh bộ, nào hải đoàn hải đội. Có lần chúng tôi còn được điều đi trồng lúa trồng khoai tăng thêm thu nhập cho đơn vị nữa. Cái lần ông điều chúng tôi đi lâu nhất là tròn một tháng ngoài đảo Cát Bà.

Hồi ấy đảo Cát Bà chưa có thị trấn với nhà lầu, khách sạn sầm uất như bây giờ. Huyện lỵ chỉ có vài dãy nhà một tầng thưa thớt, đìu hiu như huyện lỵ vùng cao.

Từ huyện lỵ đi về phía Tây vài cây số có một quả đồi cao, trên đó đặt trạm rađa của Hải quân. Trần Đăng Khoa và tôi sẽ phải sống hòa nhập với bộ đội ở đó tròn một tháng.

Lính ở đây một số xa gia đình đã lâu, một số mới từ mặt trận biên giới Tây  Nam bổ sung về, tính tình họ trầm lặng. Khoa và tôi được bố trí ở riêng một phòng.

Căn phòng cả tường, mái, giường ngủ đều ghép bằng luồng, nứa. Xung quanh um tùm cỏ lau. Ban ngày có cảm giác như sống trong rừng. Nhưng đêm xuống thì có hàng ngàn ngọn đèn từ những tàu thuyền đánh cá thắp lên, nhấp nháy lung linh khiến eo biển đẹp như trong huyền thoại.

Cảm hứng về những ngày ở Trường Sa được khơi dậy, Trần Đăng Khoa sáng tác ngay được bài Chút thơ tình của người lính biển; rồi bước đầu phác thảo các bài Lính đảo hát tình ca trên đảo.

Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn. Đấy chính là chùm tác phẩm giúp Khoa đoạt giải nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ năm ấy.

Vốn có máu lãng mạn nghệ sĩ, học xong phổ thông T.H không học đại học ở Hà Nội mà thi vào khoa Văn đại học Huế. Dịp đi làm luận văn tốt nghiệp, T.H gặp rồi yêu một chàng trung úy Hải quân.

Một đêm nọ, chàng trung úy rời tàu xuống cảng tắm, không may bị cảm rồi mất. Nỗi đau khổ tột cùng thúc đẩy T.H cầm bút sáng tác văn học.

Sau khi tôi và Khoa từ đảo Cát Bà trở về Hải Phòng ít ngày, Khoa và T.H cùng có mỗi người một chùm thơ gửi dự thi báo Văn nghệ. Cả hai chùm đều được in.

Nhà thơ Xuân Diệu cũng có ngay một bài phê bình in trên báo Văn nghệ, ông khen và chê một số tác giả. Xuân Diệu khen chùm thơ của Trần Đăng Khoa, chê chùm thơ của T.H; chê nhiều nhất lại là bài cô viết như là để viếng chàng trung úy Hải quân, trong đó có câu đại khái: Em hôn vào cái nòng pháo trên con tàu của anh…

Xuân Diệu cho đó là cái hôn khiên cưỡng, giả tạo. Cái hôm bài của Xuân Diệu in thì tôi đang ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội (Tôi được điều lên Văn nghệ Quân đội viết một thời gian sau khi từ đảo Cát Bà về).

Chiều ấy T.H từ phố Hàng Khoai đi bộ tới nhà số 4 Lý Nam Đế, gọi tôi ra, dúi vào tay tôi tờ báo Văn nghệ, nói:

- Chừng nào trong làng văn còn có những nhà phê bình khó tính, máy móc như bác Xuân Diệu thì không bao giờ em cầm bút làm thơ nữa…

Thực ra lời chê của Xuân Diệu không đến nỗi nặng nề nhưng T.H thì bị sốc thực sự. Năm ấy cô mới 23 tuổi. Cũng có thể  còn một nguyên nhân nữa là do cô ngượng với Trần Đăng Khoa và tôi.

Hôm chùm thơ của cô xuất hiện trên báo Văn nghệ, Khoa và tôi đều khen rằng nó rất mới lạ, nhiều sáng tạo. Chúng tôi còn dự đoán chùm thơ sẽ vào giải thưởng và tác giả của nó sẽ trở thành một  nhà thơ kiểu như Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ…

Vài tháng sau, tôi nghe tin T.H đã xin việc làm ở tòa án một quận nào đó của Thủ đô. Từ bấy đến nay cô không có ý định gặp lại chúng tôi; không thấy cô in một bài thơ nào nữa. Cứ mỗi lần nhớ đến T.H, tôi lại thấy thương cô. Bài thơ cô viết tặng tôi và Khoa vào cái ngày chúng tôi ra đảo, tôi vẫn chưa quên.

4. Dễ và khó

Không hiểu sau này những người sống với Trần Đăng Khoa cảm nhận về anh thế nào, chứ cái thủa chúng tôi là đồng đội của nhau ở Hải quân, tôi thấy Khoa là người vừa xuề xòa vừa nghiêm trang; nói giản dị hơn: vừa dễ tính vừa khó tính.

Không rượu chè, thuốc lá. ăn thì cứ canh cà cua ốc là thích. Tôi chưa thấy Khoa bàn chuyện ăn uống bao giờ. Mặc thì cứ quân phục mà đóng. Khoa mặc quân phục hợp hơn mặc thường phục.

Nhiều người yêu mến Khoa và cũng có những người không thích anh. Khoa hay thể tất, lượng thứ; chẳng hờn giận, thù ghét ai. Có những việc xem ra vô cùng nghiêm trọng, thiệt nước hại dân đến nơi, nhưng khi Khoa tung ra mấy câu hài hước thì tất cả hóa thành trò đùa.

Những bon chen, tham lam, vênh vác, hãnh tiến của mọi người đều bị Khoa nhìn nó như một tấn trò trên sân khấu cuộc đời.

Khoa hay được nhuận bút, bổng lộc. Khoa cũng hay ban tặng cho bạn bè. Có lần Lê Đức Do, phóng viên nhiếp ảnh, bị mất xe đạp; thương Do nhà nghèo, Khoa tặng Do một cái xe đạp Phượng Hoàng mà Khoa đang đi.

Trần Đăng Khoa chỉ khó tính trước trang giấy và trước tình yêu. Khoa quan niệm văn chương là một chốn thiêng. Những sự dễ dãi, giả trá, hư hão Khoa rất ghét.

Khoa đã chê là “phang” thẳng thừng, bất kể đối tượng là ai. Đã phục đã trọng thì dù người đó làm nghề hành khất Khoa cũng coi là bạn là thầy.

Với phái yếu, Khoa cũng hay xuề xòa, bông phèng, nhưng cứ đụng đến chuyện yêu đương là anh chàng mô phạm ngay lại. Hồi ấy, làm trong thư viện cơ qua Bộ Tư lệnh có thượng sĩ Nguyễn Thị P.T đẹp nổi tiếng khắp Quân chủng.

Ngày nào Khoa và tôi cũng ghé vào thư viện để vừa đọc sách báo vừa ngắm. Riêng tôi, có lần cảm hứng bốc lên còn viết hẳn một truyện ngắn có tên là Cát vàng, ký bút danh Nguyễn Thị P.T, in trên báo hẳn hoi.

Thấy Khoa và T. có vẻ quyến luyến, mọi người trong cơ quan xúm vào vun vén. T. xem ra cũng xiêu xiêu. Cô đã cùng chúng tôi về tận xã Quốc Tuấn – Nam Sách thăm nhà Khoa.

Hôm ấy cứ tưởng T. sắp trở thành dâu con trong nhà đến nơi, mẹ Khoa cứ ôm lấy T vỗ về, nước mắt rưng rưng. Nhưng vào lúc đêm khuya, chỉ còn tôi và Khoa trong gian phòng thuyền chài, tôi dợm hỏi thì Khoa phán luôn một câu xanh rờn: “T. đẹp. Phải thừa nhận T đẹp một vẻ hoàn bích, nhưng rất lạnh. Như pho tượng đúc bằng thạch cao. Chỉ để ngắm chứ yêu thì…”.

5. Vẫn có một kênh văn chương

Hải Phòng tiếng là một thành phố hải cảng sống ào ạt, xô bồ như biển cả, quan tâm đến những giá trị vật chất hơn  là những giá trị tinh thần; nhưng thực ra Hải Phòng vẫn có một kênh văn chương nghệ thuật.

Cái kênh đó nó dung dưỡng và làm bừng sáng lên những tên tuổi Nguyên Hồng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi…

Những năm tháng sống ở Hải Phòng, Trần Đăng Khoa và tôi rất hay được các cơ quan, trường học mời đến nói chuyện, giao lưu văn học.

Có lần vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội 22 tháng 12, Khoa và tôi phải “chạy sô” 3 – 4 trường cấp ba trong một ngày. Hồi đó kiến văn của chúng tôi đâu đã có gì sâu sắc.

Cứ thật thà mà kể những gì mình thấy, mình nghĩ. Thế mà thầy cô giáo và học sinh vẫn cứ thích nghe. Họ vỗ tay rào rào cổ vũ. Họ xin chữ ký. Rồi hẹn hò.

Ngày ấy văn chương còn thiêng như một thánh đường. Khoa và tôi giống như những cái bậc thềm để họ bước chân lên nhòm vào cái chốn thiêng ấy.

Sau mỗi cuộc  như thế lại có những bóng xanh bóng hồng lượn lờ, tìm đến với Khoa (hồi ấy tôi đã có vợ, xem như đã dẹp vào một xó). Cổng cơ quan Bộ Tư lệnh lúc nào cũng có lính gác nghiêm cẩn, ai đến cũng không thể lọt vào thăm cái gian phòng thuyền chài nhưng lại vượng khí văn chương của chúng tôi được.

Cái phòng khách chung ở cạnh cổng chính cơ quan là nơi tôi và Khoa tiếp kiến với khá nhiều thiếu nữ Hải Phòng, trong đó có những nàng công khai thú nhận lòng cảm mến Trần Đăng Khoa ngay từ khi đọc thơ của anh.

Khi gặp, họ có hơi  giảm nồng độ xúc cảm xuống một ít, vì Khoa không thuộc hàng “vai trăm tấc rộng thân mười thước cao” như họ mường tượng. Khoa hơi béo, chiều cao hơi  khiêm tốn, khi đi nhanh cứ nhảy chồm chồm nên chúng tôi hay gọi là Khoa “cóc”.

Tuy thế, vẫn có những nàng xinh đẹp miễn chê tình nguyện suốt đời làm người “nâng khăn sửa túi” cho Khoa nếu anh chấp nhận. Cũng có những nàng được Khoa đền đáp lại bằng những bức thư, hẹn hò này nọ, nhưng rút cuộc chẳng đâu vào đâu.

Người ta đồn đại Trần Đăng Khoa bị “ái” hẳn còn vì những cuộc hẹn hò không mấy mặn mà này nữa. Còn tôi thì ngần ấy năm sống bên Khoa, tôi đã hiểu được cái “gu” tình yêu của Khoa.

Người mà Khoa sùng bái phải thuộc hàng liễu yếu đào tơ, mắt đen, môi cắn chỉ, bàn chân nhỏ, gót son như những tiểu thư trong các tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa.

Nhưng tuyệt nhiên không phải hạng lạnh như pho tượng thạch cao. Mảnh mai mà vẫn phải óng ả, nữ tính và rừng rực sức sống. Tôi chưa có dịp nhìn kỹ Trâm, vợ Khoa. Nếu Trâm đúng như tiêu chuẩn Khoa chọn thì tôi xin chúc cô sống hạnh phúc bên Khoa suốt đời.

Liễu Đề, giữa đông năm 2005

Nhà văn Lê Hoài Nam

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.