Sự ăn

Sự ăn
TP - Có lẽ không một nơi nào mà cái sự ăn lại đa  nghĩa như ở ta. Học ăn, học nói, học gói, học mở. Ăn là sự khởi đầu của mọi hành vi văn hóa. Ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Ăn thể hiện đạo đức của con người...

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau. Ăn như thể hiện sự thành bại trong cuộc đời. Ăn – thua. Hầu như không có chuyện gì, việc gì mà không dính đến ăn. Ăn nói, ăn mặc, ăn nằm, ăn tết, ăn hỏi…

Dân ta theo tục lệ thờ cúng tổ tiên. Thờ phải có cúng, cúng không chỉ có hương hoa và những lời khấn, ít ra cũng phải có nải chuối, đĩa xôi, gói bánh, hộp kẹo.

Ngày giỗ là ngày hệ trọng nhưng sự tất bật của cả gia đình hầu như cũng chỉ xung quanh việc làm cơm cúng. Họ hàng và bạn bè đến dự đám giỗ là những người đi “ăn giỗ”, giỗ to là giỗ có mâm cao cỗ đầy, có nhiều người đến ăn. Người đến dự mang theo một cái “lễ” tượng trưng (hoa quả, bánh kẹo, rượu) đến là ăn, ăn xong rồi nhận một phần “lộc” đem về.

Đám cưới cũng thế. Người đi dự đám cưới thì đông hơn đám giỗ nhưng cũng gọi là đi “ăn cưới”. Đám cưới mà không ăn thì chẳng còn cái gì nữa cả. Khách đến theo giờ ghi trên giấy mời, ăn xong, rút phong bì ra mừng, thế là xong.

Nhớ hồi đám cưới cô em gái tôi, một người bạn nước ngoài ngỏ ý muốn tới dự để xem “đám cưới của người Việt Nam như thế nào”, tôi chẳng biết trả lời anh ta như thế nào.

Tuy quan tâm đến ăn nhiều như thế nhưng cái ăn của ta còn rất đơn giản. Cỗ sang ngày xưa tiêu chuẩn là có đủ giò, nem, ninh, mọc. Ngon nhất là thịt gà luộc. Cơm gà, cá gỡ.

Thời bây giờ thực phẩm có dồi dào hơn, sự chế biến có phong phú hơn nhưng chung quy lại cốt sao cho nhiều, đầy, là lạ đi một chút càng hay. Giá trị của miếng ăn chủ yếu nằm trong giá trị của thực phẩm chứ không phải nằm trong giá trị của nghệ thuật chế biến món ăn.

Các nhà hàng chiêu khách chủ yếu bằng các loại đặc sản, nhưng các món đặc sản quý hiếm cũng bị bỏ thừa và phải đổ vào nước gạo là chuyện thường tình.

Nói chung người Việt ta dễ ăn. Thường có câu: Nấu xếch nấu xác, ăn nhì ăn nhằng, cho qua bữa… Thông thường một người không bận bịu lắm đủ tiền để không phải ăn bữa sáng do vợ sắp đặt ở nhà, anh ta vẫn cứ ăn sáng ở những nhà hàng, ngay cạnh nhà mình dù biết rằng dắt xe máy ra đi trong vài phút anh ta có thể ăn ở một nhà hàng khác ngon hơn, rẻ hơn.

Một người phụ nữ đi chợ mua 2.000đ mớ rau muống và 20.000 đ thịt, đậu và các thứ khác. Nhưng nếu thấy hàng rau muống sạch bán 4.000đ cũng chỉ được một lượng rau như thế thì đa số phụ nữ sẽ không mua. Không chịu chọn phương án ăn ít rau đi hoặc bớt thịt, cá đi để được ăn rau sạch. Rau ở các thành phố hiện nay ô nhiễm kinh khủng.

Thu nhập của người thành phố cao gấp nhiều lần của người nông thôn nhưng người ta vẫn cứ muốn ăn rau tương đương với giá rau của nông thôn. Vì thế mà rau sạch vẫn rất khó có chỗ đứng.

Ông cha ta xưa kia đã lập được những công thức ăn uống tuy đơn giản, khá chuẩn xác lưu truyền trong dân gian nhưng nhiều người vẫn không biết hoặc biết mà họ cũng phớt lờ.

Có lần tôi ngồi ăn với những người tự nhận mình sành ăn mà trong khi ăn thịt gà cứ bốc lá kinh giới lên nhai nhem nhẻm. Trong hàng cháo lòng tiết canh đĩa rau thơm có cả kinh giới, tía tô, rau răm, diếp cá, hỏi thì chủ cửa hàng bảo đấy là do khách yêu cầu.

Có những lúc được mời đi ăn, người ta dẫn tôi đến những nhà hàng mà khi đi qua gian bếp thấy sực lên mùi thực phẩm đã để tủ lạnh quá lâu, thế mà đến cả khi ăn cũng chẳng ai nhận thấy điều gì. Những hàng ăn như thế vẫn đắt khách như thường…

Ngành chế biến thực phẩm mong đem các sản phẩm đã chế biến của ta đến thẳng bàn ăn gia đình của các nước như Nhật – điều này rất khó.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.