Sự thật trần trụi

Sự thật trần trụi
TP - Người đàn ông lại đưa tay vào những ngọn lửa. Anh ta làm việc này một cách có tính chu trình. Không một sự thay đổi nào trên nét mặt của anh ta. Nghĩa là khuôn mặt của anh ta vẫn hoàn toàn tĩnh lặng.

Những ngọn lửa như nhảy múa trong hai con mắt của anh ta. Đương nhiên anh ta không thấy điều đó.

Người anh ta đầy lông.

Anh ta lại rút tay ra. Anh ta nhìn vào hai bàn tay của mình. Có những giọt nước đậu trên hai bàn tay. Chúng bắt đầu nhỏ xuống, có một vài giọt nhỏ vào bếp lửa, tạo nên những âm thanh xì xèo. Hai bàn tay của anh ta không đỏ tấy lên mà xám ngắt lại.

Lửa có khả năng hủy diệt anh ta. Anh không mỉm cười vì điều đó, nhưng thực sự thì anh ta vui sướng. Lửa có khả năng giải thoát cho anh ta. Anh ta ngửa mặt lên trời và sau đó anh ta lẩm bẩm:

“Thần Agni đã leo lên đỉnh trời và trong khi tự giải thoát khỏi tội lỗi người đã giải thoát chúng ta khỏi lời nguyền”.

Rồi anh ta lại đưa hai bàn tay vào những ngọn lửa đang cháy rực bởi những cành thông khô.

Bên cạnh anh ta, một người đàn ông khác cũng đang đưa hai bàn tay của mình vào những ngọn lửa. Vẻ mặt của anh ta cũng hoàn toàn tĩnh lặng. Anh ta làm việc này cũng một cách có tính chu trình. Anh ta không bao giờ liếc nhìn người đàn ông bên cạnh mình. Nhưng cả hai có những hành động dường như cùng lúc và hoàn toàn giống nhau.

Họ không nói gì cả. Họ hoàn toàn im lặng. Họ chỉ nói khi được phép nói. Đó là luật lệ mà tổ tiên họ đã ban ra.

Rồi người đàn ông thứ ba, thứ tư và hàng trăm người hiện ra. Họ ngồi quanh bếp lửa. Họ cùng nhau đưa tay của mình vào những ngọn lửa rồi lấy chúng ra. Họ cùng nhau quan sát những giọt nước trên tay họ nhỏ xuống rồi tan đi trong những ngọn lửa.

Thánh Martin nói: “Con người là lửa, quy luật của nó cũng như quy luật của tất cả các dạng lửa, là tiêu tan và thống hợp với nguồn mà từ đó nó tách ra”.

Tất cả họ lại đưa tay vào lửa.

Rồi lấy ra.

Cùng lúc.

Những giọt nước trên tay họ nhỏ xuống và tan biến vào những ngọn lửa tạo nên những âm thanh xì xèo, rất nhỏ.

“Tôi cưỡi một ngọn lửa trong tôi

Trái tim tôi là lò lửa

Ngọn lửa là cái Ngã bị chế ngự”.

Họ cùng nhau hát lên như thế.

Người họ đầy lông.

?Họ lại lấy tay ra khỏi những ngọn lửa. Những bàn tay của họ không hề bị cháy sém. Ngược lại chúng tái xạm đi, có những ngón tay trắng bệch ra. Nước tiếp tục rơi xuống.

Tuyết rơi xuống. Tuyết rơi trên đầu họ. Những ngọn lửa vẫn cháy. Những cành thông vẫn tiếp tục được ném vào lửa. Những ngọn lửa xanh lét reo lên. Tuyết tiếp tục rơi.

Trên đầu họ.

“Những ngọn lửa trong băng”. Một đứa bé gái reo lên. Nó khoảng chừng năm tuổi. Nó đi bít-tất màu đỏ và mang chiếc váy màu xanh da trời.

“Ông ơi, những ngọn lửa trong băng”. Nó lại reo lên.

“Thật kỳ diệu”. Nó nói.

“Có rất nhiều người đàn ông trong băng, một, hai, ba… hàng trăm người”. Nó lại reo lên và tiếp tục đếm. Nó không thể đếm xuể.

“Họ đều như nhau. Khuôn mặt ấy, cả tư thế ngồi xổm của họ nữa”. Nó lại reo lên.

“Người họ đầy lông, những sợi lông đang cử động”. Nó lại reo lên.

“Hãy để họ yên”. Một lão già nói. Đích thị lão là ông của đứa bé.

“Họ sống trong băng?” Đứa bé nói.

“Trong băng, cháu thấy rồi mà”. Lão nói.

“Những ngọn lửa đang cháy trong băng? Chúng soi sáng cho họ?” Nó trợn tròn mắt và lắc mạnh vào tay lão.

“Cháu thấy rồi đấy. Để họ yên”. Lão nói.

“Không thể”. Nó nói.

“Cháu muốn đổi màu cho họ, cháu sẽ tô lại màu cho họ”. Nó phụng phịu.

“Để họ yên”. Lão nói.

Nhưng đứa bé vẫn lấy tay sờ lên những tảng băng. Nó rụt tay lại vì lạnh.

Rồi một người đàn ông xuất hiện. Gã to con. Tay gã cầm một cái dùi bằng sắt (có thể bằng gỗ, những chắc chắn đó là một cái dùi). Miệng gã ngậm một cái còi. Gã thổi còi lên réo rắt khi thấy đứa bé lấy tay sờ lên những tảng băng.

“Cấm sờ vào hiện vật”. Gã hét lên.

“Cháu thấy những ngọn lửa, trong băng ấy”. Đứa bé nói.

“Mặc xác chúng”. Gã nói.

“Cháu muốn tô màu cho chúng”. Đứa bé nói.

“Chúng sẽ phai mất”. Đứa bé lại nói.

“Cháu sẽ lau khô chúng”. Đứa bé lại nói.

Gã không nói lại, gã túm chặt lấy tay đứa bé và lôi đi. Gã làm đau đứa bé.

“Để nó yên”. Lão nói.

Gã đàn ông thả tay đứa bé ra khi nghe thấy tiếng lão.

“Đừng chạm vào hiện vật”. Gã nói nhát gừng rồi bỏ đi.

“Cháu thấy rõ ràng có những ngọn lửa trong băng”. Đứa bé nói như khóc.

“Đừng đụng vào chúng”. Lão nói.

“Cháu muốn tô màu, như trong phim ấy”. Nó mếu máo.

“Không phải như trong phim, ở đây không hoàn toàn như trong phim”. Lão nói.

“Sao cơ?” Đứa bé nói.

“Những tảng băng kia là sự thật”. Lão nói.

“Cháu muốn chạm vào đó”. Nó nói.

“Đừng”. Lão gắt lên. Trông lão cực kỳ luống cuống.

“Đó là sự thật”. Lão nói.

“Sự thật trần trụi”. Lão lẩm bẩm, lão như nói với chính mình. Người lão run lên.

?Rồi lão và đứa bé ra về.

Mưa rơi trên đầu họ.

Đứa bé cứ ngoái lại nhìn khu bảo tàng đang khuất dần sau lưng mình, rồi nó biến mất sau những làn mưa dày đặc. Đứa bé muốn biết vì sao mình lại không được chạm vào những tảng băng. Trong đó có những ngọn lửa và rất nhiều người đàn ông. Nó muốn tô lại màu cho tất cả.

Nó băn khoăn.

Sự băn khoăn giày vò nó trong một quãng thời gian khá lâu.

Rồi trở thành một nỗi hoài nghi ám ảnh./

Tưởng tượng

Điều cần nhất cho cuộc hành trình của mày là sự tưởng tượng. Mụ nói thế. Truyền thuyết kể rằng có những người đàn ông đi xuyên qua tường, thậm chí họ có thể đi xuyên qua những rặng núi trong khi mắt họ vẫn nhắm để khỏi vuột mất những cơn mơ.

Còn việc họ có thể đội mồ chui lên để thực thi những âm mưu của họ như trong truyền thuyết thì cho đến giờ vẫn chưa ai kiểm chứng. Mụ nói điều cần nhất đối với mày lúc này là sự tưởng tượng. Sự tưởng tượng siêu việt và đầu óc khôi hài sẽ là những thứ cần cho cuộc hành trình của mày và tất nhiên những người đàn ông đi qua tường như thế thì chỉ có trong truyền thuyết.

Mụ nói trong khi mụ đang ngốn những con sâu róm chấm với thứ nước mắm độc nhất vô nhị của mụ. Không cần vẽ vời làm gì. Mụ nói thế. Không cần hoa hoè hoa sói hay khóc lóc. Hương khói cũng chẳng cần. Mụ bảo thế. Chỉ có như thế mày mới có thể lên đường. Bây giờ thì bóng đêm đang bao trùm mày, đúng không?

Mụ nói mày không cần phải sợ. Nhìn sang phía bên phải đi, mụ đã treo lên đó một bức tranh có thể tự phát sáng rồi đấy. Nhưng đừng chạm vào bức tranh. Nếu mày chạm vào nó mày sẽ thấy sự hữu hạn của không gian đấy. Điều đó không tốt. Hoàn toàn không tốt một tí nào. Mụ cảnh báo mày.

“Nhưng đó chỉ là một bức tranh. Phía sau nó là tường”.

Đúng là thế thật nhưng điều mụ cần ở mày là sự tưởng tượng. Đầu óc tưởng tượng sẽ nâng bổng mày. Tất nhiên những người đàn ông có thể đi qua những bức tường hay xuyên qua những dãy núi chỉ có trong truyền thuyết, chỉ là những di chỉ huyễn hoặc của ký ức. Nhưng mày có thể mơ tưởng như thế. Mày có thể đi qua những bức tường bằng chính sự tưởng tượng của mày. Không gian nhỏ bé đang bao quanh mày. Một sự tù túng mà chỉ có trí tưởng tượng siêu việt và một đầu óc khôi hài mới có thể giải phóng mày.

“Nhưng đó chỉ là một bức tranh. Phía sau là tường và bốn phía cũng đều là tường”.

Thì đúng là bốn phía đều là tường. Thế mới cần đến trí tưởng tượng của mày. Đừng có quá lệ thuộc vào ngoại giới. Mà mày thì không hiểu ngoại giới là gì rồi. Lấy tâm thức của mày ra rồi nhắm mắt lại và lên đường. Hãy bước đi và dự phần vào vĩnh cửu. Mà mày thì tri nhận cái quái gì được về tâm thức và vĩnh cửu.

“Phải có ánh sáng”.

Thì bức tranh phía bên phải đang phát sáng đấy thôi. Nó sẽ cứu chuộc mày. Mụ nói thế. Nhìn về phía bên phải đi. Một bức tranh cỡ lớn đang phát sáng đấy. Thấy không nào. Một ngọn sóng đang cuộn dâng và những con hải âu đang chao lượn trong một bức tranh mà khung của nó được mạ vàng đấy mày ạ.

Vàng có thể phát sáng trong bóng đêm. Nhìn vào đó và tưởng tượng như chính mày đang dự phần vào bữa tiệc cuồng phong của sóng. Sóng sẽ nâng mày lên, và mày với sóng cùng với những nàng tiên cá ngực trần tha hồ quẫy đạp và hát ca trong những bản nhạc thần kỳ trên mặt đại dương vô tận.

“Nhưng đó chỉ là một bức tranh. Nếu cất bức tranh đi thì phía sau sẽ là tường gạch. Bốn phía sẽ là tường gạch”.

Khi nào thì mày mới hiểu cơ chứ. Mụ nôn những con sâu ra hết vì mày rồi đấy. Xem kìa, những con sâu róm đen đặc dưới sàn nhà. Đúng như mày nói. Bốn bề đang ngăn mày lại nhưng vấn đề là sự tưởng tượng của mày, thằng mặt đần ạ. Phải có trí tưởng tượng để vượt qua những giới hạn. Không có một đội kỵ binh hùng mạnh nào giải thoát cho mày cả. Nếu mày trần trụi trong trí não thì thân thể mày sẽ tan ra như cám, và mày thì biết quá rõ những cái mõm của bầy lợn đói rồi còn gì.

“Sau bức tranh chỉ là vôi vữa và tường gạch”.

Thì rõ rồi. Cái đó ai mà không biết. Không chờ đợi đến sự thức tỉnh đần độn đó của mày, người ta cũng biết sau bức tranh là gì. Nhưng vấn đề quan trọng là mày phải nhìn vào bức tranh rồi nhập linh hồn của mày vào những cột sóng khổng lồ kia. Hãy tưởng tượng đi, hãy cưỡi lên lưng những cơn sóng và giật mạnh dây cương. Mụ rống lên rát cả cổ họng vì mày rồi đấy.

“Vấn đề là ánh sáng và một khoảng không vô tận sau bức tranh”.

Đừng đòi hỏi. Mày lại đòi hỏi như cái bản tính cố hữu của mày nữa rồi. Thấy chưa. Mụ lại nôn những con sâu róm ra cả sàn nhà rồi kìa. Mày không biết tưởng tượng hả thằng ghẻ cùi. Mà thực ra xung quanh mày không phải là tường gạch đâu. Là gỗ sồi đấy.

“Sau bức tranh là gỗ à? Gỗ hay tường gạch cũng thế thôi”.

Lại hoài nghi nữa rồi. Mày không thể dự phần vào vĩnh cửu. Đầu óc hạn hẹp của mày không thể làm bạn được với sự tưởng tượng. Mụ quá hi vọng vào mày, vào một thằng đầu đất như mày. Bây giờ thì chính tay mụ sẽ đóng đinh lên quan tài.

Không có những kẻ đi xuyên qua tường gạch hay những dãy núi như trong truyền thuyết đâu. Và việc những kẻ có thể đội mồ chui lên để giải thoát những người khốn khổ như trong truyền thuyết cũng chỉ là những chi tiết nằm trong miền mơ tưởng của các tiền nhân.

“Tôi không thấy”.

Không ai có thể thấy thay cho mày. Bây giờ thì nhắm mắt lại và bọn phu đào huyệt sẽ nâng quan tài lên. Mày không biết tưởng tượng thì hãy đối diện với sự thật. Lát nữa đây mày sẽ nằm dưới đất và không lâu sau đó bầy sâu bọ mà mụ đã nôn ra sẽ chui xuống lỗ huyệt của mày để giúp cho thân xác mày phân huỷ. Vĩnh biệt mày, cái thằng không biết tưởng tượng. Mày tự mà đốt đuốc cho cuộc hành trình thăm thẳm của mày đi.

Truyện ngắn của Lê Minh Phong

Sự thật trần trụi ảnh 1
Thế giới truyện ngắn của Lê Minh Phong là một thế giới siêu thực. Bút pháp vững vàng của tác giả khiến mọi tình tiết đều sống động và thuyết phục.

Nói cách khác, cuộc chơi siêu thực của Lê Minh Phong không bị rơi vào cái bẫy của sự vô lý, như nhiều cây bút ưa bày đặt vẫn mắc phải.

Hai truyện ngắn dưới đây đều có tính tượng trưng. Ẩn dụ thấp thoáng đi theo mạch văn rất có duyên. Mạch văn đưa người đọc đến những suy tưởng nhân sinh đa nghĩa.

Lê Minh Phong, sinh 1985, Thạc sỹ lý luận văn học, hiện làm việc tại Tạp chí Sông Hương. Đã xuất bản: “Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc” (Tập truyện ngắn, Phương Nam Book & Nhà xuất bản Văn Học 2011).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG