Sushi Việt lên ngôi

Sushi Việt lên ngôi
Nghĩ đến ẩm thực Nhật, mọi người nhắc đến sushi, món ăn đặc sắc truyền thống riêng của xứ sở Phù Tang. Tuy vậy, ở thủ đô Berlin của nước Đức, nhắc đến sushi, mọi người nghĩ đến… người Việt.
Sushi Việt lên ngôi ảnh 1
Bếp người Việt ở quán Sushi Berlin trên đường Pariser Strasser - Ảnh: Nguyễn Sơn

Ở Berlin, có rất nhiều quán sushi. Đặc biệt hơn, hầu hết chủ quán, người làm và đầu bếp đều là người Việt. Theo thống kê không chính thức, có đến 2/3 trong tổng số 150 quán sushi ở thủ đô nước Đức có chủ là người VN.

Còn những quán sushi khác có thể do người Nga, người Đức, người Nhật làm chủ nhưng hầu hết đầu bếp và phục vụ đều do người Việt đảm nhận.

Vào đầu những năm 1990, một người Mỹ tên Tilman mở quán sushi đầu tiên ở Berlin. Đó là một nhà hàng nhỏ hẹp, nằm khiêm tốn ngay góc đường gần khu Pariser Strasser ở giữa trung tâm thành phố.

Giúp việc tại nhà hàng này là hai chàng trai Hà Nội tên Cường và Trần Anh. Cả hai từng là học viên Trường âm nhạc Tchaikovski danh tiếng ở Liên Xô ngày nào nhưng do cuộc sống khó khăn của những năm đầu đổi mới, hai nhạc sĩ trôi dạt sang Berlin kiếm kế sinh nhai.

Sau một thời gian làm việc, tích lũy kinh nghiệm và dành dụm, cách đây mười năm, hai anh nghỉ việc và mở nhà hàng sushi riêng của mình. Cách chế biến vừa miệng thực khách, cách tiếp cận khách hàng tốt hơn nên cả hai nhanh chóng nổi tiếng hơn ông chủ người Mỹ ngày nào. Một số cửa hàng mà Cường và Trần Anh quản lý hiện nay cũng là mua hoặc thuê lại từ ông chủ của mình.

Sushi của người Việt đứng được vì có giá tương đối cạnh tranh. Một bữa tối ở Berlin có giá trung bình 10-12 euro/người; còn một phần sushi khoảng 9-10 euro. Người Việt ở Đức không chỉ thành công với sushi. Rất nhiều nhà hàng thức ăn Thái, Trung Quốc, Việt Nam do người Việt mở ra cũng đều rất thành công.

Đó chính là khởi đầu cho sự chiếm lĩnh thị trường của giới sushi Việt. Ông chủ người Mỹ giờ chỉ giữ lại một cửa hàng nhỏ tên Sashiko gần một ga S-bahn trong thành phố. Tại cửa hàng nhỏ đó, ông vẫn thuê những người Việt giúp việc và làm bếp.

Cho đến giờ thì cả Cường và Trần Anh đều đã là các đại gia về sushi ở Berlin và ở Đức. Giới sushi nói rằng hầu hết các tiệc lớn ở thủ đô này, kể cả tiệc ở Phủ tổng thống Đức, nếu có sushi là sẽ có mặt Cường hoặc Trần Anh.

Cách đây vài năm, khi Hãng BMW ra dòng xe mới, một lễ ra mắt rất lớn được tổ chức tại Frankfurt cũng mời Cường và Trần Anh tới để thực hiện các món sushi ở đó.

Về nguyên nhân thành công của sushi Việt, anh Sơn, một chủ quán sushi ở Berlin, cho rằng “người Việt biết chế biến sushi theo cách hợp với phong cách người Đức hơn”.

Tuy nhiên để có chỗ đứng như ngày hôm nay, các anh phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm hằng ngày. Một tuần thường chỉ có một ngày nghỉ nếu có người trông giúp hộ nhà hàng, bằng không họ sẽ phải làm quần quật thông suốt. 

Theo Thanh Tuấn
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG