Tác giả 'Trăm năm cô đơn' trở lại quê hương

Tác giả 'Trăm năm cô đơn' trở lại quê hương
TP - Hơn 20 năm, tiểu thuyết gia người Colombia - Gabriel Garcia Marquez mới lần đầu tiên trở lại thị trấn quê hương, mảnh đất truyền cho ông cảm hứng để tạo nên kiệt tác "Trăm năm cô đơn".
Tác giả 'Trăm năm cô đơn' trở lại quê hương ảnh 1

Marquez trở lại quê nhà.
Ảnh: CNN

Kể từ lần quay lại thị trấn Aracataca vào năm 1983, một năm sau khi nhận giải Nobel Văn học, tác giả hiện đang là công dân của thành phố Mexico này mới trở lại nơi ông sinh ra và lớn lên cho đến năm 9 tuổi.

Hàng ngàn người dân đã tràn ra các con đường của thị trấn để chào đón người khổng lồ của nền văn học Mỹ Latinh mà tên tuổi đã gắn liền với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.

Trong trang phục hoàn hảo màu trắng, từ trên tàu hỏa, Marquez bước xuống giữa các tràng pháo tay, tiếng reo hò và tiếng hét lớn “Gabo muôn năm”, “Gabo, chúc mừng trở lại quê hương”.

Như một chính trị gia trong một hành trình vận động tranh cử, Marquez ký tặng, chụp ảnh chung và bắt tay độc giả ngưỡng mộ. “Nó không tốt như mong đợi nhưng thế này là được rồi” - Garcia Marquez hài hước nói với phóng viên Reuters sau cuộc hành trình bằng tàu hỏa băng qua vùng đất trồng chuối ẩm thấp, tuyến đường sắt mà Chính phủ Colombia mới xây dựng với hy vọng sẽ thu hút được những cuộc hành hương của người hâm mộ văn chương.

“Chúng tôi yêu ông ấy, chúng tôi muốn chạm vào người ông ấy”- Một người đàn ông phát biểu khi nhà văn này bước lên một chiếc xe ngựa do 20 cảnh sát và binh lính có vũ trang bảo vệ.

Ra đời tại Aracataca vào ngày 6/3/1927, Marquez sống ở đây với ông bà và ba người dì cho đến năm lên 9. Năm 23 tuổi, cùng mẹ, ông quay trở lại để bán căn nhà của người ông.

Chuyến đi ấy đã khiến ông, khi đó còn đang chật vật với nghề báo, quyết định trở thành nhà văn. Và Aracataca chính là nguồn cảm hứng để ông tạo ra Macondo, ngôi làng nổi tiếng trong văn học nơi 7 thế hệ gia đình Buendia đã sinh sống và lưu đày vào cõi cô đơn bất tận. Đến nay, tác phẩm này  đã tiêu thụ  50 triệu bản trên toàn thế giới.

Tham gia chuyến trở về này còn có hơn 300 người bao gồm các thành viên trong gia đình ông, giới văn nghệ sĩ và bộ trưởng bộ Văn hóa Colombia. Sau khi cùng vợ là Mercedes Barcha đi thăm một vòng thị trấn, ghé qua thư viện chính, Marquez trở lại căn nhà nơi ông lớn lên.

Vào sinh nhật thứ lần 80 vừa qua của Marquez, chính phủ Colombia đã cam kết bỏ ra 500 ngàn đô la để xây dựng lại ngôi nhà đổ nát này thành một bảo tàng.

Sau khi ở lại đây gần hai giờ đồng hồ Marquez lên xe để trở lại Santa Marta. Thị trấn 53 nghìn dân này, cũng như nhiều nơi khác tại Colombia, điều kiện sinh hoạt vẫn còn hết sức lạc hậu, hệ thống cung cấp nước tồi tàn và chỉ có các dịch vụ cơ bản tại bệnh viện duy nhất. “Tình hình ngày càng tệ đi” - Marquez buồn bã.

Đăng Ngọc
Theo Reuters

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.