Tác phẩm phải chinh phục độc giả không chỉ một thời

Tác phẩm phải chinh phục độc giả không chỉ một thời
TP - Tác giả ca từ của Hải Phòng thành phố hoa phượng đỏ, Những bông hoa trong vườn Bác, Như hoa hướng dương… - nhà thơ Hải Như phát biểu về giá trị đích thực của VHNT trong bối cảnh giải thưởng đang gây nhiều tranh cãi.

Nghệ sĩ đương đại sẽ có thêm cơ hội
> Xuân Hinh thực hiện ước mơ Hề chèo

Thưa nhà thơ Hải Như, những ngày qua giới văn nghệ quan tâm đến các giải thưởng Nhà nước về VHNT, ông có nhận xét gì về vấn đề này?

Tôi thuộc thế hệ làm báo, làm văn học từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám. Thế hệ cầm bút chúng tôi xa lạ với chuyện “báo công”, viết đơn xin được Nhà nước xét duyệt trao giải thưởng như hiện nay. Vì thế tôi không bận tâm (cười). Tôi đang ở “ngoài vùng phủ sóng”...

Nhưng giải thưởng cũng là một cách để thẩm định, đánh giá tác giả - tác phẩm, thưa ông?

Đúng. Nhà nước đặt ra các danh hiệu, giải thưởng để vinh danh tài năng văn nghệ có nhiều cống hiến là rất cần. Nhưng cách xét duyệt phải làm sao để không xúc phạm lòng tự trọng giới văn nghệ sĩ. Quan niệm của tôi: Giải thưởng cao nhất với những người làm VHNT mọi thời là tác phẩm được quần chúng đón nhận và phải có sức sống lâu dài. Nghệ sĩ phải chinh phục được độc giả không chỉ một thời.

Liệu yêu cầu đó có quá cao?

Tôi nhớ một bài báo tựa Paris – Văn học có gì mới cách đây ít năm, thông tin rằng: Khi mới bước sang thế kỷ 21, ở Pháp người ta tổ chức điều tra xã hội học về các nhà văn của thế kỷ trước để xem những ai còn có chỗ đứng trong độc giả hiện nay. Kết quả tìm được hai tác giả. Điều bất ngờ là hai nhà văn này trong suốt 20 năm qua bị giới phê bình Pháp cho là lỗi thời. Vậy mà họ vẫn được độc giả đương đại ưa thích, tìm đọc. Bởi vì, về hình thức thì không kiểu cách, lập dị, thời thượng. Về nội dung họ chú trọng những đề tài, những vấn đề mà con người muôn thuở quan tâm. Đó là Jean Paul Sartre và Albert Camus.

Như chúng ta vẫn hay nói là tác phẩm giàu tính nhân văn?

Đúng vậy. Độc giả không đánh giá tác phẩm của họ đơn thuần qua chất lượng nghệ thuật đương đại mà chú ý những vấn đề con người qua kích thước triết học mà họ đặt ra. Qua thăm dò trong số 100 đầu sách, cuốn Létranger (Người xa lạ) của Albert Camus vẫn là cuốn sách gối đầu giường của tuổi trẻ thế kỷ 21.

Đó là chuyện bên Pháp, còn ở Việt Nam, theo ông, dòng văn học nào ở giai đoạn trước và sau cách mạng tháng Tám vẫn được nhiều người quan tâm?

Gần đây giới phê bình nhắc đến nhóm Tự lực văn đoàn. Đó là một giai đoạn văn chương không thể bỏ qua. Nó như một cái mốc, một giai đoạn văn học khai phá mà lịch sử văn học Việt Nam phải đánh
giá lại.

Giải thưởng trong âm nhạc khá phức tạp, nhiều kiện cáo. Là người gần gũi với giới nhạc sĩ, có nhiều thơ phổ nhạc, ông nghĩ gì về hiện tượng này?

Tôi xin không trả lời.

Vì sao, thưa ông?

Thật khó trả lời. Việc nêu sự mờ ám, phi lí trong xét duyệt giải thưởng thì cần, nhưng nếu sa vào kiện cáo, cay cú sẽ làm cho công chúng và các nhà lãnh đạo nghĩ khác về giới văn nghệ sĩ. Tôi lưu ý, lâu nay việc Nhà nước xét trao giải thưởng VHNT còn thiếu những lá phiếu của quần chúng.

Hải Như đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng, như bài thơ “Chúng cháu canh giấc ngủ, Bác Hồ ơi” (trong tuần tang lễ Hồ Chủ tịch), thơ tình “Hoa sữa”, thơ phổ nhạc... Nhưng ông chưa từng nhận giải thưởng?

Như tôi đã nói, giải thưởng lớn nhất của người nghệ sĩ là tác phẩm được nhiều thế hệ độc giả thừa nhận, mến mộ. Tôi vẫn đang có hạnh phúc đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG