Tác quyền - không nước nào như Việt Nam

Các đại biểu dự kỳ họp của CISAC. Ảnh: N.M.Hà
Các đại biểu dự kỳ họp của CISAC. Ảnh: N.M.Hà
TP - Trên thế giới, chỉ có tác giả, chủ sở hữu tác phẩm mới được quyền cấp phép sử dụng tác phẩm. Còn ở Việt Nam, với việc cấp giấy phép biểu diễn, các cơ quan quản lý Nhà nước đã “thay mặt” luôn tác giả.

Kỳ họp thường niên của CISAC (tức Liên minh quốc tế các Hiệp hội nhà soạn nhạc và lời với 227 tổ chức quản lý tập thể tại 120 quốc gia) châu Á-Thái Bình Dương vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của các thành viên nhiều nước. Đại biểu Mỹ, Anh cũng dự để chia sẻ kinh nghiệm.

Kết thúc, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn gặp gỡ thân tình đại biểu. Cử tọa cười ồ khi ông bày tỏ: “Ông Phó Đức Phương năng nổ, hết mình vì công việc nên đôi khi hay phá rào. Tôi không thích ông ấy vì gây áp lực cho tôi nhiều quá, nhưng tôi rất trân trọng”. 

Vấn đề nổi cộm bấy lâu nay, gây khó cho tổ chức bảo vệ quyền của các nhạc sĩ vẫn là thủ tục xin cấp phép gửi lên cơ quan quản lý không cần bao gồm giấy chứng nhận đã thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả. Khi đã được Cục NTBD hoặc các Sở VHTT&DL “cấp phép”, nghiễm nhiên nhà tổ chức ca nhạc đã đủ điều kiện pháp lý để tiến hành hoạt động của họ. Việc xin phép tác giả và chủ sở hữu quyền theo luật Sở hữu Trí tuệ VN cũng như công ước quốc tế quy định không còn là điều kiện hiển nhiên và bắt buộc.

Lúc này, nhiệm vụ của VCPMC (Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam) là đuổi theo các đơn vị này để giải thích, đấu tranh, yêu cầu họ xin phép và trả tiền cho các tác giả. “Khi họ đã được Nhà nước cấp phép rồi thì họ coi chuyện xin phép chúng tôi không là gì cả”- ông Phó Đức Phương nói. 

Thứ trưởng cũng biết: “Yêu cầu phải trả tác quyền mới được cấp phép sẽ là biện pháp rất tốt. Song Nhà nước chưa quy định”. Ông Tuấn khẳng định đang đôn đốc, tích cực xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan. Họp hành xong xuôi, ông Scott Morriss- Chủ tịch Ủy ban CISAC châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ với phóng viên: “Tôi cũng chưa biết nước nào thiếu đồng bộ về luật pháp như vậy. Trả tác quyền là nghĩa vụ pháp lý bất cứ nhà tổ chức nào cũng phải làm. Giấy phép từ Cục NTBD là giấy phép tổ chức sự kiện, nhưng phải có giấy phép từ cơ quan đại diện cho nhạc sĩ để sử dụng tác phẩm của họ trong sự kiện của mình”.

Scott khẳng định, kẽ hở lớn nhất đối với Việt Nam trong phát triển quản lý quyền tác giả là còn thiếu sự cam kết về mặt quyền lực giữa Chính phủ, Cục Bản quyền và cơ quan thực thi để nâng cao nhận thức về quyền tác giả.

MỚI - NÓNG