'Tầm tã' ở Hà Nội

Vũ Hồng Ninh bên Tễu xà phòng
Vũ Hồng Ninh bên Tễu xà phòng
TP - Tầm tã là tên triển lãm của Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Huy An, Vũ Hồng Ninh và Nguyễn Trần Nam tại Bui Gallery (23 Ngô Văn Sở, Hà Nội).
Vũ Hồng Ninh bên Tễu xà phòng
Vũ Hồng Ninh bên Tễu xà phòng . Ảnh: T.Toan

Cái tên Tầm tã không có chút liên quan nào đến mưa. Trong ngữ cảnh mới, nó có thể là sự trải nghiệm đầy gian khổ, phấn đấu để kiếm sống và niềm đam mê.

Nhà quản lý cuộc triển lãm Trần Lương nói, triển lãm tạo đối thoại giữa các nghệ sĩ. Anh cho rằng tính giao lưu giữa nghệ sĩ trong nước, giữa trong nước với quốc tế còn hạn chế. Triển lãm là vật chứng để đối chiếu, để các nghệ sĩ bàn luận về chất liệu sáng tác, và nghệ thuật bây giờ không nên cứ bay bổng mãi, phải gắn liền đời sống.

Tác phẩm đáng chú ý nhất tại Tầm tã Tễu xà phòng của Vũ Hồng Ninh, người quan niệm rằng nghệ thuật đề cập xã hội và cộng đồng trong mối tương tác trực tiếp. Tễu xà phòng là tác phẩm điêu khắc bằng xà phòng nặng chừng 60kg, về cậu bé đứng hiên ngang bên chậu rửa, thùng rác và hộp giấy lau tay. Cử chỉ cực kỳ ương ngạnh. Cảm giác hơi sốc khi người xem nhìn vào- ngón giữa chỉ thẳng lên trời.

Làm đứa trẻ xà phòng này kể cũng kỳ công. Không thể chọn cách đúc nguyên khối xà phòng, sau nhiều tháng, tác giả nghĩ ra cách cán xà phòng bánh thành vụn, từ đó làm nên khối điêu khắc.

Dùng chất liệu xà phòng phải đối mặt nỗi khổ ngót lại do bay hơi, phải bồi đắp thêm. Tễu xà phòng được mang triển lãm tại bảo tàng đương đại Oslo (Na Uy) từ năm trước, đến nay đã ổn định về chất, không cần bồi đắp thêm.

Ông bầu Trần Lương kể, sau khi hoàn thành tác phẩm, Hồng Ninh lăn ra ốm, đến nỗi ho ra máu, do 4 tháng trời tiếp xúc xà phòng đầy hóa chất.

Điều quan trọng nhất của tác phẩm chính là tính tương tác. Người xem quan sát bức tượng, được khuyến khích sử dụng bất kỳ phần nào của tác phẩm như xà phòng rửa tay. Chậu rửa, giấy lau ở ngay cạnh để phục vụ. Tác giả nói thêm, bản thân hành động rửa tay có ý nghĩa nhất định. Và sự tương tác với tác phẩm chính là chìa khóa sức mạnh của tác phẩm, đòi hỏi người xem phải vận động.

Người xem có thể thưởng thức thêm ba kiểu nghệ thuật khác. Nguyễn Huy An mang đến Cái bóng, sử dụng chất liệu tối màu như mực, bột than để làm nổi bật cái bóng của một chiếc bàn qua nhiếp ảnh. Hay Đèn ông sao khổ to của Nguyễn Văn Phúc, trông bình dị nhưng anh chọn chất liệu từ nạng gỗ, không phải thanh gỗ thông thường. Tác giả cho rằng nó gợi nhắc người xem về vết thương do chiến tranh để lại.

Nguyễn Trần Nam về phần mình cũng thích sự tương tác của tác phẩm với người xem. Anh mang đến 5 tượng người lấy cảm hứng từ lật đật Nga, mô tả gia đình mình.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.