Tam tấu Xuân Giao

Các cựu nữ TNXP và thành viên chương trình “Hát mãi ca khúc bài ca cô gái mở đường” tặng hoa nhạc sĩ Xuân Giao. Ảnh: Mai Xuân Tùng
Các cựu nữ TNXP và thành viên chương trình “Hát mãi ca khúc bài ca cô gái mở đường” tặng hoa nhạc sĩ Xuân Giao. Ảnh: Mai Xuân Tùng
TP - Đầu năm 1979, Thanh Hóa đã lấy ca khúc Chào sông Mã anh hùng của nhạc sĩ Xuân Giao làm tỉnh ca (nhạc hiệu mở đầu ngày mới trên Đài phát thanh và truyền hình địa phương). Và cho mãi đến bây giờ!

Ta chào sông Mã kiên cường đời đời/Chào cô dân quân giữ quê nhà/Cho thuyền lướt trên nước sông trời thu trong xanh/ơi!Đất quê anh hùng vùi chốn nơi đây xác bao giặc Mỹ .v.v...

Ông bạn phụ trách ngành tuyên huấn một thời ở xứ Thanh (có lẽ khoái ca khúc của NS Xuân Giao theo cái cách riêng?) đã cho quân làm một việc tỷ mẩn, na ná như thứ điều tra xã hội học. 

Kết quả ngẫu nhiên ở khối nông dân, công dân, bộ đội, học sinh cứ trăm người được hỏi thì có đến 90-95 người thích bài hát Chào Sông Mã anh hùng! Một ca khúc có tỷ lệ người thích như vậy với nhạc sĩ sáng tác, lại cũng chẳng sướng sao?

… Có tí trách anh bạn làm cùng cơ quan là Trương Thu Bình hơi bị kín tiếng. Cho đến hôm đưa tang thân phụ anh, nhà thơ Trương Ngọc Liên ở Nhà tang lễ bệnh viện Việt Xô tôi mới biết NS Xuân Giao là anh ruột người quá cố và là bác ruột Trương Thu Bình.

Một lần nhân buổi được ngồi lâu lâu với nhạc sĩ, anh bạn cùng đi ngỏ cái ý chắc ca khúc Chào sông Mã… ra đời trong dịp 3, 4/4 năm 1968 (hai ngày đánh phá ác liệt của không quân Mỹ lần đầu oanh tạc cầu Hàm Rồng và 34 máy bay bị bị bắn hạ nơi này) với tấm gương chiến đấu Nguyễn Thị Hằng, Ngô Thị Tuyển? Nhưng NS cười hồn hậu nó vậy mà không phải vậy…

Câu chuyện ngược về những ngày xa. Xuân Giao sinh ở Như Quỳnh, Hưng Yên nhưng trưởng thành ở đất Hải Phòng qua phong trào hướng đạo sinh rồi chịu ảnh hưởng sự giáo dục và âm nhạc của nhạc sĩ tài danh đất Cảng khi đó là nhạc sĩ Hoàng Quý.

Mười chín tuổi từng là học viên, quân số thuộc đại đội C510 Khóa VI (1950-1952) Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Rồi những nẻo đường trận mạc đã đưa người chiến sĩ trẻ Xuân Giao đến nhiều địa danh trong đó có vùng đất Hồi Xuân, La Hán của miền Tây Thanh Hóa. 

Đoạn sông Mã qua vùng Hồi Xuân La Hán khúc khuỷu, quanh co rồi òa thành dòng lớn như đột ngột mở ra một xa luân từng ngủ yên trong tâm hồn anh chiến sĩ vệ quốc đoàn Trương Xuân Giao? 

Khúc sông mang tên con ngựa vùng rừng xứ Thanh trong những ngày chinh chiến sốt rét gian nan không chỉ òa suông! Nó đeo bám trong tâm trí người diễn viên hát bè trầm của Đoàn Văn công Tổng cục chính trị Trương Xuân Giao. Và theo đến khi ca sĩ biểu diễn Xuân Giao chuyển hẳn sang nghiệp sáng tác. 

Bản thân chiều dài của dòng sông Mã, chỉ riêng chảy qua địa phận xứ Thanh, những độ thác ghềnh nông sâu đã là tiềm ẩn là hơi hướng của một thứ tráng ca.

Nghe nhạc sỹ rủ rỉ vậy, tôi chợt bừng một ý nghĩ, hình như độ rộng dài cùng lưu tốc của các dòng sông, những thông số thủy văn ấy lại có duyên với các nhạc sĩ? Sông Lô của Văn Cao cũng từng bén duyên với tráng ca? 

Năm 1966 rồi năm 1967, Xuân Giao đến với Hàm Rồng sông Mã, khi đó là một trọng điểm bị đánh phá ác liệt. Nhạc sĩ bộc bạch rằng trên tuyến lửa Khu Tư trở về sau chuyến đi gian nan ấy, về Hà Nội ông hoàn thành ca khúc Chào sông Mã anh hùng khá dễ dàng. Cứ như thể chỉ chép lại những giai điệu, những khúc thức ngay trên đường về đã ăm ắp trong đầu!

Chuyến đi ấy, không chỉ có Chào sông Mã… Một ca khúc mang hơi hướng tráng ca là Cô gái mở đường ra đời. Lần ấy, theo một đơn vị cựu TNXP đến thăm chị Nguyệt ở Hoằng Hóa Thanh Hóa cùng đơn vị với đại đội TNXP làm nên huyền thoại Hang Tám Cô ở Quảng Bình.

Chiến tranh kết thúc, chị Nguyệt không chồng con đang mắc bệnh nan y nghe đồng đội hát tặng Cô gái mở đường nước mắt ràn rụa cười như thấy khỏe lên. Chị mếu máo, nếu như không có bài hát này cất lên mỗi đêm ở địa bàn ác liệt Đường 20 Quyết Thắng thì hơn trăm TNXP đơn vị chị không thể lê nổi ra mặt đường để đảm bảo giao thông!

Trữ tình Xuân Giao

Tôi để ý đến chiếc đàn măng-đô-lin tòn ten trên đầu giường phòng ngủ của nhạc sĩ. Lại chợt nhớ nhiều nhạc sĩ sáng tác vẫn kè kè bên chiếc piano sang trọng. Không rõ với những piano hoặc gì gì nữa, sang trọng cồng kềnh bóng bẩy hơn măng-đô-lin (thứ nhạc cụ vốn thông dụng với số đông) đã trợ giúp các nhạc sĩ chế ra những giai điệu khoát hoạt sang trọng sâu sắc tình cảm này khác? Nhưng có lẽ cũng chả nên so sánh thế khi nhạc sĩ Xuân Giao đây không có điều kiện để sắm piano mà thôi.

Bầu lên những tráng ca chỉ mỗi chiếc măng-đô-lin này?

Không chỉ tráng ca. Giữ biển trời Vĩnh Linh, Quảng Bình, Đêm qua em mơ gặp Bác Hô có thể xếp vào những ca khúc trữ tình nằm trong nhóm ca khúc được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

NS Xuân Giao, thời điểm cả nước chịu tang Bác đã chọn cho mình một biểu cảm hơi khác với nhiều nhạc sĩ. Hoành tráng. Bi thương. Trầm buồn, sâu lắng… Có thể? Nhưng NS Xuân Giao có cách, kiểu và góc riêng mình. Ca khúc Đêm qua em mơ gặp Bác Hô hoàn thành trong một chiều tại nhà riêng khi đó là 417 phố Bạch Mai.

Khuôn khổ bài báo khó thu xếp được những thông tin cùng chi tiết về hoàn cảnh viết hai ca khúc trữ tình Giữ biển trời Vĩnh Linh Quảng Bình và Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ. 

Hẹn bạn đọc một dịp khác.

Và chuyện buồn không thể … hát?

Những năm cuối đời NS Xuân Giao vướng phải một chuyện buồn.
Tuổi già, nói như Nguyễn Phi Khanh thân phụ nhà thơ Nguyễn Trãi thi hứng tứ thời thu dị cảm/ Nhân sinh vạn sự lão kham liên (trong thi hứng, mùa thu là thứ dễ cảm nhất. Trong tất cả sự khốn khổ khốn nạn thì tuổi già là khốn nhất). NS Xuân Giao không rơi vào cô quạnh như NS Nguyễn Văn Tý khốn khó nhọc nhằn cô đơn ở tuổi 90 nhưng lại có cái khốn riêng.

Sự khốn ấy bắt đầu từ năm 1990 khi một người thân trong gia đình NS, do lòng tham xui khiến đã tự tiện biến mảnh đất hương hỏa của tổ tiên để lại thành thứ… của riêng mình! Biết bao những sự khuyên răn thủ thỉ những dàn xếp này khác của cộng đồng dòng tộc họ Trương nhưng tình thế không được cải thiện mà còn tệ hơn!

Giữa cái xấu và cái tệ hại, NS Xuân Giao đã phải chọn cái xấu là đệ đơn ra tòa. Năm 2005, Tòa án Hưng Yên những sơ thẩm và phúc thẩm với những lý lẽ rành rọt hợp lý bác đi việc trái pháp luật lẫn đạo lý ấy ấy. NS Xuân Giao và cả gia tộc họ Trương phấn khởi đồng tình trước quyết định của tòa!

Nhưng rồi mọi sự trở nên lùng bùng rối ren khi Tòa tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đã hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm TAND huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, giao hồ sơ cho TAND huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên xét xử sơ thẩm lại.

Năm tháng cứ dần qua. Đã qua những phiên xử này khác ở các cấp, những sơ thẩm giám đốc thẩm những hoãn thi hành án, những đợi chờ hoàn tất thủ tục tố tụng vv… Không hiểu vì lý do gì, vụ việc của NS Xuân Giao suốt hơn 20 trời vẫn không được giải quyết dứt điểm? NS Xuân Giao nằm bệt một chỗ với 3 lần tai biến rồi mổ túi mật nhưng cứ phập phồng hy vọng luật pháp sẽ ra tay thu xếp chuyện buồn của gia đình.

Cũng cần nói thêm, nhiều tờ báo trong đó có tờ Tiền Phong đã phản ánh chi tiết vụ việc này. Và người viết bài này từng cầm lá đơn của NS Xuân Giao đưa đến các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm trong đó có ông Chánh án Tòa án NDTC khi ấy là Nguyễn Văn Hiện.

Thưa ông Chánh án, tôi nay như ngọn đèn tàn trước gió bụi, trước lúc sang thế giới bên kia xin thỉnh cầu ông cho xem xét lại toàn bộ sự vụ trên mọi bình diện để có hướng chỉ đạo sao cho khả dĩ, chấm dứt nỗi buồn không đáng có có tên là “cuộc huynh đệ tương tàn”.

Nhưng đến thời điểm NS Xuân Giao từ giã cõi trần, việc vẫn xếp đấy? Những điều sở đắc tạm gọi là được là thắng cộng với nỗi buồn cuối đời như là mất là bại dường như đã làm nên một tam tấu Xuân Giao? 

Nhạc sĩ Xuân Giao (Trương Xuân Giao) sinh năm 1932 tại Văn Lâm Hưng Yên, trưởng thành ở Hải Phòng. Ông tham gia hoạt động cách mạng ở Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Từ năm 1960 là cán bộ biên tập NXB Âm nhạc. Vì những cống hiến cho âm nhạc, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nhạc sĩ Xuân Giao tạ thế lúc 19h25 ngày 21/8/2014 tại nhà riêng. Tang lễ nhạc sĩ Xuân Giao sẽ diễn ra vào ngày 26/8 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.