Tân chưởng môn tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc

Tân chưởng môn tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc
TP - Trung Quốc đại lục nửa sau thế kỷ XX đã trở thành đại bản doanh và nơi phát tích của tiểu thuyết võ hiệp sau Hồng Công và Đài Loan.
Tân chưởng môn tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc ảnh 1
Tiểu Long Nữ trong “Thần điêu đại hiệp” - một tác phẩm nổi tiếng của Kim Dung

Trong hai lần được gặp Kim Dung tại Hội thảo quốc tế về tiểu thuyết võ hiệp của ông tôi thấy ông vui mừng vì thấy tác phẩm của mình được đánh giá rất cao, nhưng trong sâu thẳm nỗi lòng là niềm khao khát mong chờ có người kế nghiệp sáng danh.

Cổ Long đã là một người kế nghiệp xứng đáng ở Đài Loan nhưng không may ông lại mất sớm.

Mười năm trước, khi được hỏi, Kim Dung tin tưởng ở Đài Loan sẽ xuất hiện người kế tục sự nghiệp của ông sau Cổ Long, nhưng năm năm trước, ông đã chuyển sự mong chờ đó sang Trung Quốc đại lục.

Tiểu thuyết võ hiệp phái mới chẳng những đã kế thừa và khai thác tốt truyền thống tưởng tượng lãng mạn của văn hóa truyền thống mà còn là biểu hiện quan trọng của việc sinh thái văn học Trung Quốc được cân bằng: Văn học nghiêm túc song hành cùng văn học giải trí, tiêu khiển (được gọi chung là văn học thông tục).

Công cuộc cải cách và mở cửa là điều kiện thuận lợi khiến tiểu thuyết võ hiệp “nóng” lên. Tác phẩm của Lương Vũ Sinh, Kim Dung, Cổ Long đi khắp hai miền Giang Nam, Giang Bắc.

Năm 1982, Vương Chiếm Quân sáng tác Bạch Y hiệp nữ, tiếp đó các nhà văn sáng tác văn học nghiêm túc như Liễu Khê, Phùng Ký Tài, Dư Hoa, Lưu Thiệu Thường… cũng có những tác phẩm xuất sắc về đề tài võ hiệp như Truyền kỳ về đại hiệp Yến Tử Lý Tam, Roi thần, Máu thắm hoa mai chào đời.

Những tạp chí văn học thông tục loại lớn như Kim cổ truyền kỳ, Trung Hoa truyền kỳ, Cố sự hội, Đại chúng tiểu thuyết, Thông tục văn nghệ đại quan… ra đời năm 1981 càng thúc đẩy tiểu thuyết võ hiệp phát triển. Những tác giả thể loại này sau Vương Chiếm Quân, có ảnh hưởng khá lớn đối với bạn đọc là Đàn Lâm Nhiếp Vân Lam, Phùng Dục Lam…

Năm 1994, Hội nghiên cứu văn học võ hiệp Trung Quốc được thành lập tại Bắc Kinh do giáo sư Ninh Tông Nhất, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Khai ở Nam Kinh làm Hội trưởng. Làn sóng sáng tác tiểu thuyết võ hiệp đã tràn vào các trường trung học, làm xuất hiện những tác giả còn ở tuổi học trò.

Nổi bật trong số khá đông đảo tác gia tiểu thuyết võ hiệp ấy phải kể đến Ôn Thụy An và Hoàng Dịch. Ôn Thụy An nổi tiếng với chùm tiểu thuyết Tứ đại danh bổ (gồm Hội kinh sư, Nghịch thủy hàn, Đại trận trượng…), ngoài ra còn có Thần Châu kỳ hiệp, Đại hiệp truyền kỳ, Thuyết anh hùng, Thùy thị anh hùng, Ôn nhu nhất đao (đoạt giải Bạc đợt trao “Giải thưởng lớn cho sáng tác tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa” lần đầu tiên năm 1995). Ôn Thụy An có ý thức sáng tạo cái mới rất mạnh mẽ, được tôn làm Tân chưởng môn của thập kỷ 80.

Thập kỷ 90, Hoàng Dịch liên tục cho xuất bản đến 21 đầu sách sáng tác như Tầm Tần ký, Đại kiến sư truyền kỳ, Biên hoang truyền kỳ..., trong đó có hai bộ truyện vượt hai triệu chữ, tạo nên kỷ lục sách bán chạy hàng mấy vạn cuốn ở Đài Loan và Hồng Công.

Tiếp thu bố cục chặt chẽ của Kim Dung, ngòi bút tô điểm của Cổ Long, Hoàng Dịch đã mở ra con đường mới về tiểu thuyết võ hiệp, có nét khác với mọi người, nhưng điểm yếu chí mạng là “mâm bày quá lớn, bút lực có hạn, mở ra được mà không thu lại được”; hình tượng nhân vật, nhất là nhân vật nữ khá đơn nhất, có khi còn lấy tình dục thay cho tình yêu nên phẩm vị của sáng tác bị hạ thấp.

Thực ra, văn đàn Trung Quốc đã bỏ sót một tác gia quan trọng, đó là Long Nhân. Ông tên thật là Thái Lôi Bình, bắt đầu viết tiểu thuyết võ hiệp từ năm 1983.

Đến năm 2007, ông đã cho xuất bản hơn 20 bộ tiểu thuyết gồm hơn 30 triệu chữ, số lượng phát hành đạt 30 triệu bản mà không cần ai quảng cáo, lăng xê.

Khi có đến hơn một tỷ lượt truy cập truyện của ông trên mạng thì giới phê bình, nghiên cứu Trung Quốc mới giật mình. Tính ra mỗi năm Long Nhân viết 1,5 triệu chữ.

Long Nhân trở thành nhà văn viết tiểu thuyết võ hiệp khỏe nhất, mắn đẻ nhất hiện nay ở Trung Quốc. Trước hiện tượng này, ngày 8/9/2007, ba cơ quan đã chung tay tổ chức Hội thảo nghiên cứu tác phẩm của Long Nhân tại Bắc Kinh với tiêu đề “Xây dựng hình tượng anh hùng, ca ngợi tinh thần dân tộc”.

Về tổng thể, tác phẩm của Long Nhân được gọi là tiểu thuyết võ hiệp huyền ảo, nhưng trên thực tế gồm hai loại: Loại tiểu thuyết dựa trên tư liệu lịch sử như Hiện Viên tuyệt, Vô song thất tuyệt, Vô lại thiên tử… và loại tiểu thuyết hoàn toàn do trí tưởng tượng bay bổng của nhà văn mà có như Phong thần thiên tử, Tà đạo thần thoại, Huyền binh phá ma, Huyền vũ thiên hạ…

Những tiểu thuyết ấy sở dĩ được bạn đọc nhiều lứa tuổi nhiệt liệt hoan nghênh là do có điểm vượt trội so với các bậc tiền bối. Long Nhân khắc họa khá tinh tế tính cách nhân vật và thế giới tâm lý, bút lực sung mãn vượt trội hẳn so với tiểu thuyết võ hiệp truyền thống, hơn nữa còn bao gồm cả kỹ thuật miêu tả và phong cách miêu tả của tiểu thuyết hiện đại.

Tác phẩm của Long Nhân đã được dịch ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. Tác phẩm của ông được phổ biến rộng như thế là có liên quan đến truyền thống tiểu thuyết võ hiệp lâu đời của Trung Quốc, đồng thời còn liên quan đến tiểu thuyết huyền ảo đang thịnh như Harry Potter mà xã hội hiện đại vẫn có nhu cầu.

Có thể nói Long Nhân là Tân chưởng môn xứng danh trong thế kỷ mới, nối tiếp hai tân chưởng môn những năm 80 và 90 là Ôn Thụy An và Hoàng Dịch. Không biết năm nay có Hội thảo quốc tế về tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung nhân dịp ông 85 tuổi nữa hay không để tôi có dịp hỏi ông về điều đó.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.