Tăng Thanh Hà: Phụ nữ luôn cần một người đàn ông

Tăng Thanh Hà: Phụ nữ luôn cần một người đàn ông
Mái tóc cắt ngắn, đôi mắt sắc sảo, hình ảnh khi trở lại với truyền hình của Tăng Thanh Hà đầy quyến rũ và năng động.
Tăng Thanh Hà: Phụ nữ luôn cần một người đàn ông ảnh 1
Tăng Thanh Hà

Lâu lâu rồi mới thấy Hà xuất hiện và trở lại với điện ảnh. Lần này có lẽ là một sự khởi đầu mới?

Nghe câu "trở lại với điện ảnh" sao giống như là tôi rời xa điện ảnh lâu lắm rồi. Mới đó đã hai năm, đi học nên tôi tạm ngừng không tham gia đóng phim nữa, nhưng thật sự là Hà còn "máu" lắm, "máu" với điện ảnh lắm. Tôi chưa tham gia phim nhựa lần nào nên hy vọng mình sẽ nhận được lời mời tham gia phim điện ảnh.

Vậy lần này Hà tái ngộ màn ảnh bằng "Bỗng dưng muốn khóc". Đó là một bộ phim như thế nào?

"Bỗng dưng muốn khóc" là một bộ phim truyền hình của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, đang trong quá trình quay, tôi và Lương Mạnh Hải đóng vai chính. Tên phim nghe qua thì "bi" nhưng thực chất đó là một bộ phim có yếu tố hài từ đầu đến cuối phim. Tôi rất yên tâm về hình ảnh phim vì ê-kíp làm phim là một đội ngũ ăn ý và chuyên nghiệp...

Hà có nghĩ nhân vật Út nhỏ đã tạo nên cho Hà một hình ảnh trong tâm trí khán giả? Nhân vật "Trúc" trong "Bỗng dưng muốn khóc" liệu có tạo ra một hình ảnh mới?

Tôi may mắn luôn được khán giả nhớ đến với hình ảnh "Út nhỏ", một cô gái Miền Tây sông nước và ghe xuồng. Đến ngày hôm nay nhiều khi ra đường khán giả vẫn gọi tôi là "Út nhỏ" và hỏi rằng "Út nhỏ" tên gì vậy. Tôi vui lắm khi nhân vật mình thể hiện được mọi người yêu mến. Nhưng đó cũng là áp lực rất lớn đối với tôi. Tôi đang cố gắng thể hiện "Trúc" thật tốt để có thể đưa đến khán giả một hình ảnh mới, một tính cách nhân vật mới. Hy vọng rằng khán giả cũng sẽ yêu mến "Trúc" như đã từng yêu mến "Út nhỏ" vậy…

Không được đào tạo chính quy trong nghề diễn, Hà đến với nhân vật của mình bằng cách nào?

Tôi cảm nhận tính cách nhân vật bằng chính sự đồng cảm và con mắt nhìn của tôi. Có một điều rất may mắn là các nhân vật tôi đóng đều có một cái gì đó gần gũi và quen thuộc trong kí ức và trong trí nhớ tôi. Những kí ức và hình ảnh đó từ đâu ra ư? Tôi thích quan sát, thích đọc, thích hồi tưởng về cuộc sống xưa kia của mình và tôi thích nghe người khác nói chuyện...

Tôi có thể ngồi hàng giờ nghe một người kể chuyện của họ mà nhiều khi câu chuyện đó chẳng ăn nhập gì với tôi. Tôi thích thế vì tôi biết, tôi sẽ học được điều gì đó trong chính câu chuyện đời họ. Biết đâu có một ngày tôi sẽ cần đến những kinh nghiệm đó để thể hiện cho nhân vật của mình.

Nếu có thời gian để dành cho bản thân mình, Hà sẽ chọn làm gì?

Còn tuỳ lúc và từng thời điểm. Tôi thích nấu ăn với gia đình ngày chủ nhật, tôi thích đọc sách và thích lang thang ngoài đường uống cafe với hội bạn "DT" của tôi. Nhưng trong thời gian này nếu có thời gian để dành cho bản thân mình tôi chỉ muốn ngủ... Một ngày quay "Bỗng dưng muốn khóc" về tôi chỉ muốn ngủ...

Vậy có bao giờ Hà "bỗng dưng muốn khóc"?

Có chứ, nhiều nữa là khác.

Con gái thường nghiện shopping, Hà thì...?

Tôi nghiện chứ, nghiện lắm. Mỗi tội chi tiền tôi cũng hơi keo kiệt nên không đáp ứng thường xuyên được cơn nghiện của mình.

Là người của thời trang và điện ảnh, Hà có cầu kì về nhãn hiệu cho những bộ trang phục?

Tôi không cầu kì về "hiệu" nhưng rất cầu kì về chất liệu và design của trang phục.

Quan niệm của Hà về thời trang? Có coi đó là thứ phù phiếm?

Thời trang là một phần của cuộc sống, làm cho cuộc sống thêm phong phú... một bữa tiệc sẽ nhạt lắm nếu không ai quan tâm đến thời trang như thế nào. Thời trang có thể làm cho một người nổi bật trong đám đông, có thể làm ta thấy tự tin lên rất nhiều và cũng là tiếng nói phát ngôn cá tính. Nhưng cũng có thể thời trang làm ta cháy túi vì chạy theo xu hướng. Nói tóm lại tuỳ theo quan điểm của mọi người mà bạn nhìn nhận về thời trang như thế nào.

Gần đây Hà để tóc ngắn, đây là sự thay đổi đơn giản cho phù hợp với thời trang hay còn một lý do nào sâu sắc hơn?

Hai mươi mốt năm đây là lần đầu tiên tôi thay đổi kiểu tóc và cắt ngắn mái tóc của mình, ngày xưa tôi chỉ thay đổi kiểu tóc chứ chưa bao giờ dám cắt ngắn đến như vậy. Tôi không theo xu hướng thời trang nào hết, chỉ đơn giản tôi muốn làm mới mình. Năm 2007 đối với tôi là một năm không vui lắm, tôi chỉ muốn mình khóc...

Nụ cười của Hà đã vơi bớt sự hồn nhiên và thơ ngây. Điều đó có khiến Hà buồn?

Ai mà không có lúc phải thay đổi. Làm sao tôi có thể giữ mãi một nụ cười năm 16 tuổi trong khi hàng ngày phải lo lắng kinh tế bao nhiêu thứ. Tôi có suy nghĩ về điều đó nhưng tôi không buồn. Tôi phải lớn lên chứ.

Đang ở đỉnh của nét đẹp tuổi thanh xuân, một ngày nào đó Tăng Thanh Hà không còn tươi trẻ nữa. Hà có chợt lo?

Lo chứ, tôi lo lắm, ai mà lại không lo... Nhưng tôi quan niệm phụ nữ ở độ tuổi nào cũng đều có nét đẹp riêng. Còn tuổi trẻ hay không là do mình... tinh thần có thoải mái, có suy nghĩ thoáng thì gương mặt mới luôn tươi trẻ được. Như mẹ tôi năm nay hơn năm mươi tuổi rồi, nhìn tấm hình ngày xưa và bây giờ mẹ tôi khác nhiều lắm... Mẹ không còn đẹp như thời con gái nữa, không thon thả như ngày xưa nhưng mẹ đẹp cách khác. Thỉnh thoảng tôi hay lén nhìn mẹ. Mẹ đẹp trong mắt cha con tôi.

Hà nghĩ điều gì đã làm cho mình trở nên chín chắn từ rất sớm?

Cuộc sống! Va chạm với cuộc sống, và nhờ công việc nên tôi tiếp xúc với rất nhiều người có thể học hỏi. Con người thay đổi và trưởng thành theo thời gian, tôi cũng không ngoại lệ... 12 tuổi tôi là người nhỏ tuổi nhất khi tham gia sân khấu kịch "Múa rối nụ cười", cũng là diễn viên nhỏ nhất trong đoàn làm phim "Dốc tình" khi 16 tuổi. Xung quanh tôi luôn là những anh chị cô chú có kinh nghiệm thâm niên trong nghề nên tôi sớm được dạy cho cách sống và làm việc như thế nào để có thể đứng vững với nghề. Đó là may mắn của tôi.

Điều gì Hà sợ nhất?

Tôi sợ nhất sự dối trá, tôi sợ nhất cái cảm giác phát hiện một sự thật. Tôi ám ảnh bởi điều đó...

Khi xem "Hương phù sa", tôi đã có cảm giác về hình ảnh một nữ doanh nhân trẻ và cứng cỏi. Ngày hôm nay Hà đã bắt đầu hình dung về hình ảnh của mình ngày mai chưa?

Tôi là người lo xa lắm, tôi sống cho hôm nay và luôn kế hoạch cho tương lai mình phải làm gì và làm như thế nào. Cứ như thế, lên kế hoạch và tôi từng bước thực hiện... Cuộc sống có nhiều điều thay đổi mình không đoán trước được. Tôi không thể khẳng định 3 -5  năm sau mình sẽ như thế nào và làm được gì. Chỉ biết rằng con đường tôi đang theo đuổi nghiêng về một doanh nghiệp trẻ và tôi đang cố gắng trang bị cho mình một kiến thức nhất định để có thể làm được điều đó.

Cuộc sống nếu không có đàn ông thì đó là một cuộc sống...?

Câu hỏi này sẽ có rất nhiều câu trả lời tuỳ theo quan điểm của mỗi người. Theo tôi thì người phụ nữ dù có giỏi giang và mạnh mẽ ngoài thương trường cỡ nào đi nữa thì nhìn chung họ vẫn là phái yếu và vẫn cần một người đàn ông bên cạnh

Theo Phong cách Việt/Netlife

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.