Tạo điều kiện cho tài năng xuất hiện

Tạo điều kiện cho tài năng xuất hiện
(TPO) Trước ngày khai mạc Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII, chiều 22/4, báo Tiền phong tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề "Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ".
Tạo điều kiện cho tài năng xuất hiện ảnh 1
Các vị khách mời và những sinh viên trường Viết văn Nguyễn Du tại buổi giao lưu

Một trong những vị khách có nhiều câu hỏi nhất và rất được trông đợi là nhà thơ Hữu Thỉnh cuối cùng đã không thể tới tham dự được như đã hứa. Tuy nhiên, buổi giao lưu trực tuyến vẫn diễn ra sôi nổi, nhiều vấn đề được bạn đọc quan tâm đã được các nhà văn Dương Kỳ Anh, Ma Văn Kháng, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn trả lời khá thẳng thắn . Không khí cuộc giao lưu chan hòa, vui vẻ nhờ cách dẫn chương trình hóm hỉnh của nhà thơ Hữu Việt khi chuyển tới các nhà văn những câu hỏi hóc búa. Phóng viên Tiền Phong tổng thuật những nội dung chính của buổi giao lưu lý thú này.

Giới trẻ “tấn công”

Tạo điều kiện cho tài năng xuất hiện ảnh 2
Nhà văn Ma Văn Kháng và nhà thơ Dương Kỳ Anh

Đúng như nhà thơ Dương Kỳ Anh đã tiên liệu, các nhà văn đã nhận được rất nhiều câu hỏi hóc búa, thậm chí rất hiếm khi gặp trong các buổi trả lời phỏng vấn quen thuộc.

Chẳng hạn như câu hỏi : “Ông nghĩ gì về hiện tượng một số nhà văn khi trả lời phỏng vấn báo chí lại ... “hay” và “hùng hồn” hơn chính những tác phẩm văn chương của họ ? (Phần lớn xuất hiện cách đây vài chục năm). Những bài phỏng vấn kiểu ấy có ích gì cho những độc giả đích thực (hay chỉ giúp những nhà báo trẻ có thêm đồng nhuận bút, còn nhà văn thì được quảng cáo về những công việc ngoài văn chương ?”.  (trantuantp@yahoo, 38 tuổi, Đà Nẵng). Những cách đặt vấn đề như vậy không phải lúc nào cũng xuất hiện, nó đòi hỏi người trả lời phải bắt đầu cuộc giao lưu với thái độ nghiêm túc, chứ không phải là tự “lăng xê” bản thân mình.

Một độc giả viết : “Thưa các nhà văn, nhà thơ gạo cội : Tôi là một người đam mê văn học, song thú thực lâu lắm rồi tôi không đi mua sách nữa, bởi ít có tác phẩm hay. Các vị có thấy trăn trở về tình trạng kém cỏi của văn chương nước nhà ? Có vướng mắc gì không mà những áng văn chương trong thời buổi sôi động chuyển mình của đất nước như hiện nay, không có nổi những tác phẩm ra hồn ? Tôi thấy nó cứ “giả giả” thế nào ấy. Hay các vị không dám viết những điều mình trăn trở ?” (Một trí thức Hà thành).

Một câu hỏi như thế này, quả không dễ trả lời: “Thưa các vị, tại sao lại chỉ bàn về tác phẩm văn học hay cho giới trẻ ? Các vị có biết giới trẻ bây giờ cần đọc gì không mà bàn ? Theo tôi nhiều vị nhà văn nhà thơ cây đa cây đề bây giờ dường như không update  (cập nhật) được về đời sống của giới trẻ hôm nay, làm sao mà viết cho họ đọc được ? Quan điểm của các vị lỗi thời rồi, hãy để cho các cây viết trẻ được phát huy tài năng của họ, liệu trong Hội nhà văn bây giờ có bao nhiêu người trẻ ? Hãy đổi mới Hội nhà văn của các vị đi, mũ cao áo dài quá không hợp đâu. Hãy làm thế nào để tập hợp được các nhà văn trẻ vào Hội, khắc có tác phẩm hay cho giới trẻ. Xin ý kiến chỉ giáo của các vị”. (Phan Thư, Hà Nội)

Nhà văn “phòng ngự”

Ông Ma Văn Kháng  nói : “Tôi cho rằng, bản thân vấn đề “Để có tác phẩm văn học hay cho giới trẻ” đã phản ảnh sự sốt ruột của xã hội”. Và quả thực với những câu hỏi như trên thì sự sốt ruột ấy xem ra phải có câu trả lời.

Nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng để ra đời một tác phẩm hay cần phải có thời gian và có những nguyên tắc nhất định, trong đó, ông nói: “Để có những tác phẩm kiệt suất thì đòi hỏi nhiều điều kiện. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của nhà văn Goeth khi ông cho rằng có mấy điều kiện để tác phẩm kiệt suất ra đời. Dân tộc đó có cái gì ?  ý tôi muốn nói đến chất liệu để tạo lên tác phẩm. Liên hệ với dân tộc mình, tôi thấy có nhiều điều kiện thuận lợi. Thiên tài phải xuất hiện.Thiên tài phải làm việc ở thời kỳ sung sức nhất. Thời kỳ này có thể khi còn trẻ hay đã lớn tuổi nhưng đó phải là thời kỳ làm việc hiệu quả nhất. Theo tôi nghĩ, để tác phẩm hay ra đời chính là tạo điều kiện cho tài năng xuất hiện mà không ngăn cản họ bằng nhiều phương pháp, hình thức khác nhau”.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: “Muốn có tác phẩm hay phải có nhà văn có tài viết ra được những tác phẩm được hàng triệu người đón nhận, say mê, mang lại cho người đọc những giá trị thẩm mỹ. Môi trường sống của nhà văn cũng rất quan trọng, làm sao để có được môi trường trong sáng, lành mạnh, được tự do sáng tạo”.

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn thì cho rằng : “Nếu một tác giả cả đời  chỉ có một tác phẩm hay cũng là một điều đáng qúi. Cho nên, điều mà bạn sốt ruột cũng là  sự sốt ruột của nhà văn.  Nếu sốt ruột quá, thúc giục quá,  có thể nhà văn  sẽ làm hỏng đề tài mình đang ấp ủ”.

Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cũng phản công : “Bạn đọc bây giờ bị phân hóa rất nhiều. Có rất nhiều “món ăn” cho giới trẻ chọn lựa như: phim ảnh (trên truyền hình, rạp chiếu phim, băng đĩa hình ...) Trong khi đó thì thời gian dành cho đọc ít đi và những câu chuyện tình yêu ăn nhanh hơi sexy một chút đúng là phù hợp với một bộ phận giới trẻ. Lúc này, họ không coi những câu chuyện đó là một tác phẩm văn học gối đầu giường, có thể đọc đi đọc lại mà chỉ dừng ở mức độ đọc để thư giãn trong phút chốc”.

Đôi bên đều quan tâm đến đại hội

Tạo điều kiện cho tài năng xuất hiện ảnh 3
Nhà văn Trần Thùy Mai (giữa)

Điểm thống nhất cao từ hai phía, bạn đọc và nhà văn, đấy là những vấn đề thuộc Hội Nhà văn và về đại hội lần này.

Trả lời câu hỏi : “Xin hỏi nhà văn Ma Văn Kháng và các vị tham gia giao lưu trên TPO: Ban chấp hành Hội nhà văn hiện nay, chỉ có một số người có thực quyền, Đại hội nhà văn lần  này có tính đến chuyện dân chủ hóa để Ban chấp hành Hội hoạt động theo đúng nghĩa của nó.  (Một người yêu văn học, 35 tuổi, Huế).

Nhà văn Ma Văn Kháng nói: “Tổ chức Hội nhà văn có dân chủ hay không phải nhìn vào quy chế và nguyên tắc tổ chức của Hội. Điều lệ quy định rõ, cơ quan quyền lực cao nhất của Hội là Đại hội toàn quốc hoặc về những quy định về điều lệ, quyền hạn trách nhiệm của Tổng thư ký, Phó tổng thư ký, Ban thường vụ, cũng như nhìn vào sự phân công cụ thể của từng uỷ viên Ban chấp hành, các quy chế như kết nạp hội viên, quy chế về giải thưởng hàng năm...Chúng ta phải dựa trên những điều đó trước khi đánh giá Hội có dân chủ hay không dân chủ, hữu danh hay vô danh?”. Ông cho rằng: “Đại hội lần này sẽ tập trung vào việc làm thế nào để bầu chọn được một Ban chấp hành tiêu biểu cho các thế hệ sáng tác, đặc biệt là lớp trẻ (thế hệ đang ở độ tuổi 40 - 50 tuổi). Đó cũng chính là một phương diện của dân chủ hóa”.

Về vụ ông Hùng Tấn một cựu hội viên phải ngồi tù, nhà văn Ma Văn Kháng nói: “đây chỉ là những cá thể nhỏ nhoi, hy hữu trong số hơn 800 hội viên. Vì vậy, không thể nói là ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Hội được”.

Tạo điều kiện cho tài năng xuất hiện ảnh 4
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn

Đối với các giải thưởng văn học từ nhiều cuộc thi được trao trong thời gian gần đây nhiều bạn đọc tỏ ra không mấy tin tưởng. Nhà phê bình Nguyễn Hoàng Sơn khẳng định: “Để tôn vinh các tài năng văn chương, giải thưởng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu các tác phẩm hay của những người có tài được tặng thưởng xứng đáng thì sẽ có tác dụng rất lớn  với  những người cùng nghề và bản thân người nhận  giải. Ngược lại, nếu giải thưởng đó không xứng đáng sẽ làm thui chột tài năng.  Theo dõi nhiều năm qua, tôi thấy, nói chung năm nào cũng chọn được một vài tác phẩm xứng đáng. Nhưng tình trạng “độn” vẫn còn nhiều, tức là bên cạnh một vài tác phẩm xứng đáng, còn có cả đống tác phẩm nhạt nhẽo. Tôi đã tổng kết căn bệnh của giải thưởng đó trong 10 chữ: Cầu an, dựa dẫm, khiếp nhược, bản vị, xôi thịt”.

Đây quả đang là một thách thức đối với ban giám khảo. Nhà văn Ma Văn Kháng đồng tình với nhà phê bình Nguyễn  Hoàng Sơn: “Tôi thấy ý kiến của nhà thơ Hoàng Sơn rất hay và chính xác. Bản thân tôi đã tham gia vào nhiều giải thưởng và cũng thấy rằng, những giải thưởng đó là rất hay nhưng chỉ một vài chi tiết thôi cũng làm người ta gờn gợn. Hiện nay, dân chủ xã hội đã được nâng lên rõ rệt, vì vậy những tác phẩm chỉ được 1 - 2 điểm nâng lên đến 8 - 9 là không có. Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, tình trạng nể nang khi chấm giải là vẫn còn tồn tại. Chỉ xin đổi hai chữ khiếp nhược thành nể nang”.

Một câu hỏi tinh tế mà không dễ trả lời : “Thưa nhà văn Trần Thùy Mai, nếu là chủ tịch Hội nhà văn, điều đầu tiên chị sẽ làm là gì(Trần Chung Thủy, 28 tuổi). Nhà văn Trần Thùy Mai: “Nếu tôi là chủ tịch Hội nhà văn, điều đầu tiên tôi làm là nỗ lực hết sức để Đại hội khóa 7 có mặt đầy đủ các hội viên. Hiện nay, đại hội chỉ có mặt một số đại biểu, anh em nhà văn có người đi được, có người không đi được. Đó là một điều làm cho tôi rất buồn”.

Tác phẩm là trên hết

Bên cạnh những quan tâm nóng hổi về đại hội nhà văn ở đất nước rất yêu văn chương, các độc giả không quên tranh thủ tìm hiểu thêm các tác phẩm mà họ quan tâm. Các nhà văn nhà thơ đều nhận được nhiều câu hỏi về tác phẩm của họ.

Tạo điều kiện cho tài năng xuất hiện ảnh 5
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (phải)

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cây bút rất “ăn khách” trẻ nhận được câu hỏi hóc búa như sau : “Thưa cô Thu Huệ, truyện ngắn của cô làm cháu sợ sợ thế nào. Cuộc đời bây giờ “ác” vậy, nhất là đàn ông? Phải không cô?”.  (Bùi Thị Nhung, 18 tuổi, Bình Dương).

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: “Mỗi người đều có một cách tiếp cận và nói về cuộc sống khác nhau. Đôi khi trong truyện ngắn của tôi cái “ác” với những nhân vật xấu được tung ra làm người đọc ám ảnh giống như bạn thấy “sờ sợ”, đấy là vì tôi muốn mọi người cũng như tôi nhìn thấy, cảm nhận thấy điều ác mà tránh xa và loại bỏ nó ra khỏi cuộc sống này”. Chị cho biết : “Tôi viết do nhu cầu tự thân. Cuộc sống với những số phận con người hàng ngày đi qua mắt tôi thôi thúc tôi phải viết”.

Tạo điều kiện cho tài năng xuất hiện ảnh 6
Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà thơ Trần Đăng Khoa thì có cái nhìn của một thi sĩ : “Mỗi người viết có một quan niệm riêng và cách viết riêng. Ai quan niệm thế nào thì sẽ viết như thế. Riêng tôi, tôi vẫn nghĩ thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Những bài thơ đông tây kim cổ còn lại đến bây giờ đều là loại thơ như thế”.

Nhà văn Trần Thuỳ Mai mang đến cái nhìn rất Huế: “Cái mình muốn nói đến là những dấu ấn lớn trong tâm hồn của con người”.

Trả lời về tiểu thuyết Xuyên Cẩm gây xôn xao dư luận và sắp được tái bản, nhà thơ Dương Kỳ Anh cho rằng cuộc sống với những phức tạp hiện tại đôi khi tạo nên một thứ nội lực cho văn chương Việt Nam : “ Tôi cảm ơn gia đình và quê hương tôi đã cho tôi một tuổi thơ gian khó nhưng cũng đầy những ấn tượng tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng, nhà văn trước hết phải sống hết mình, sau đó phải viết hết mình”.

Cái đích cuối cùng của cuộc giao lưu thẳng thắn và có chất lượng lần này, cuối cùng, như mục đích được đặt ra, là hướng đến những tác phẩm hay cho lớp trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Ma Văn Kháng : “Các thế hệ nhà văn kế thừa nhau liên tục rất nhanh, vì vậy không khí dân chủ, cởi mở sẽ là cơ hội để các nhà văn tiếp bước nhau một cách liên tục”.

Nguyễn Hoàng Sơn : “Tôi nghĩ rằng, mỗi  thế hệ  phải có nhà văn của chính họ. Nếu bạn yêu văn chương thì đừng ngần ngại gì nữa, mà hãy cầm bút viết về chính thế hệ của mình !”.

Trần Thùy Mai : “Tôi đã đọc và biên tập nhiều tác phẩm của các bạn viết trẻ, tôi thấy điều đáng quý nhất của họ là khát vọng muốn tìm một giọng nói riêng của một thế hệ mới. Chỉ riêng khát vọng đó đã là điều rất đáng trân trọng, họ đáng được động viên, khuyến khích”.

Nguyễn Thị Thu Huệ: “Thời gian tới  tôi sẽ xuất bản cuốn tiểu thuyết tên là: Dệt cỏ ngang trời và một tập truyện ngắn có tên: Rồi cũng tới nơi thôi!”.

Trần Đăng Khoa: “Tôi nghĩ rằng khi sáng tác, người viết thường không nghĩ đến lứa tuổi, mà thường viết những gì mình tâm đắc và có sự thôi thúc tự thân. Nghĩa là viết rất hồn nhiên và thường như thế lại dễ thành công và dễ được giới trẻ chấp nhận. Vì khi viết có một mưu đồ trước thường lại không vươn tới được cái đích mình muốn đến”.

Kết thúc cuộc giao lưu, nhà thơ Dương Kỳ Anh, Tổng biên tập báo Tiền phong đã tặng hoa các nhà văn, nhà thơ và một số bạn viết trẻ đang học ở trường viết văn Nguyễn Du đến tòa soạn trực tiếp tham dự giao lưu.

Nhưng có lẽ ấn tượng hơn là những tiết lộ của ông với bạn đọc và bạn viết sau khi tiểu thuyết Xuyên Cẩm xuất bản và được bạn đọc đánh giá cao: “Nói thật, khi viết báo tôi thường nghĩ đến trên đầu mình có ai, nhưng khi viết truyện, viết tiểu thuyết đôi khi cũng quên cả bản thân mình. Tôi nghĩ rằng, nhà văn trước hết phải chân thật với bản thân mình, phải biết hy sinh bản thân mình cho những nhân vật mà mình sáng tạo ra. Dù cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn đó chưa in được hôm nay thì ngày mai, ngày kia hoặc một ngày nào đó, thế nào cũng được in ra, nếu đó là một tác phẩm hay”. 

Chi tiết buổi giao lưu trực tuyến này, bạn đọc có thể xem tại đây

MỚI - NÓNG