Táo quân 2015: Muốn thay mặt mọi người nói lên ước vọng

Êkíp tham gia chương trình Táo quân.
Êkíp tham gia chương trình Táo quân.
Đã hơn chục năm nay, màn hài kịch đặc sắc “Táo quân chầu trời” trong chương trình Gala cười “Gặp nhau cuối năm” của Đài Truyền hình Việt Nam đã là một món ăn tinh thần luôn được khán giả chờ đợi thưởng thức trước mỗi giao thừa chào đón năm mới.

Đến hẹn lại lên, năm nay, chương trình Táo quân 2014 cũng đã được “nhà đài” quy tụ diễn viên, phân công vai diễn, lên lịch tập luyện kín mít, thâu đêm suốt sáng. Dù diễn viên nào khi được hỏi về chương trình Táo quân cũng từ chối cung cấp thông tin theo biến “thiên cơ bất khả lộ” song chúng tôi cũng đã có cuộc trò chuyện với “các Táo” về những chuyện đằng sau vai diễn.

NSƯT Chí Trung: Người cũ, kịch bản mới

Từng trở thành tâm điểm của báo chí trong Táo quân năm ngoái vì từ chối không tham gia chương trình, năm nay, NSƯT Chí Trung vẫn tiếp tục vai diễn của mình, tiếp tục đồng hành cùng khán giả hâm mộ. Anh chia sẻ về chuyện các Táo: Năm nay theo tôi được biết sẽ không có Táo chuyên ngành, chúng tôi vẫn nói đùa là "chỉ có pháo hoa tầm trung thôi".

Và dĩ nhiên vẫn là những gương mặt nghệ sĩ cũ tham gia chương trình và tôi cho rằng, những ai sắp sửa dè bỉu: "Ôi vẫn là những người cũ à" thì có quyền tắt tivi trước giờ phát sóng. Tivi có tới 72 kênh cơ mà, bạn có thể chuyển kênh khác nếu không thích chúng tôi!

Tại sao lại lựa chọn, xem xong rồi thì lên các diễn đàn, các mạng xã hội dè bỉu? Nhiều năm rồi, chúng tôi rất mệt sau những ngày dài tập luyện nhưng diễn xong, phát sóng xong, mọi người xem chán chê rồi vẫn tiếp tục… chửi bới, chê bai. Nhưng kỳ lạ nhất là họ… xem xong mới chửi!

Điều đặc biệt nhất là năm nay Táo quân không ra diễn ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô mà chỉ quay trong trường quay. Cái này có cái lợi và cũng có cái hại: Lợi là họ có thể làm chủ thời gian, không gian, đang quay có thể dừng lại, có thể sửa đổi tất cả những gì cần chỉnh sửa.

Mọi năm quay tới 3 ngày trời để tìm được một bản duy nhất, thì bây giờ họ có thể vừa làm vừa quay một cái duy nhất và đưa thẳng lên sóng. Chính vì thế thời gian quay rất muộn, đến 24 Âm lịch chúng tôi mới quay vì "nhà đài" có trường quay để tự chủ động.

Nhưng bên cạnh đó cũng có cái dở là thiếu sự giao thoa đối với khán giả, thiếu sự cộng hưởng với khán giả trong khán phòng, điều rất cần thiết cho người diễn viên.

Ngoài ra cũng sẽ không nhận được (và không phải) nhận được những lời phản ứng trực tiếp của những người đi xem (xem xong rồi trở về mách thủ trưởng, rằng thì là mà có Táo về bộ ngành mình… (cười)! Và không phải chịu những áp lực ấy có khi lại hay hơn.

NSƯT Chí Trung chia sẻ, trở ngại lớn nhất cũng là nỗi niềm của anh và nhiều bạn diễn khác trước mỗi lần tham gia Táo quân là do một số diễn viên quá bận rộn "chạy sô", cũng là mỗi người một việc nên toàn tập về đêm.

Những năm trước còn khỏe mạnh và đầy lòng ham muốn thì thấy còn sướng, còn đam mê nhưng bây giờ nghĩ đến chuyện 1 hay 2h sáng mới cầm đến kịch bản và mới đông đủ người thì rõ là ức chế cho sáng tạo.

Anh khẳng định, đây là một trong những lý do chính khiến việc năm ngoái anh không tham gia Táo quân. Mỗi năm mỗi tuổi, ai cũng mải chạy sô, bản thân NSƯT Chí Trung năm nay đã ở ngưỡng 55 nên anh cho rằng mình thuộc thế hệ "già".

Một vài diễn viên tham gia thuộc thế hệ "già" như anh cũng đã ngồi trao đổi với nhau, nếu cứ chờ đợi nhau đông đủ mới tập đến sáng thế này thì không thể theo đuổi được.

Bởi vậy, bản thân anh thì nốt năm nay tham gia nữa là cùng, còn thì anh sẽ từ chối vì không đủ sức lực để theo đuổi Táo quân hằng đêm đằng đẵng thế.

NSƯT Chí Trung cũng cho rằng, Táo quân đã đi đến mùa thứ 12 với rất nhiều kỳ vọng của khán giả, nếu như không muốn nói rằng, đó là một món ăn hấp dẫn duy nhất của khán giả trước và sau giao thừa nên họ đặt rất nhiều kỳ vọng.

Hy vọng nhiều nên dễ bị thất vọng. Bởi đơn giản, mọi người muốn thông qua những bức xúc của các Táo để thể hiện quan điểm cũng như các bức xúc cá nhân nhưng không phải nhà viết kịch bản nào, đạo diễn nào và nghệ sĩ nào cũng nói hộ được cho mọi cá nhân những bức xúc cụ thể ấy, và khi không nói được cụ thể và sự chân thực thì không thấy được sự hấp dẫn.

Cuộc sống có nhiều biến thiên, có những điều mình nói năm ngoái là hợp lý nhưng năm nay không còn hợp lý nữa. Có những điều hay với năm ngoái, cười được ở chương trình năm ngoái nhưng năm nay không còn phù hợp nữa.

Táo quân được khán giả chờ đợi vì đây là một chương trình thông qua các diễn viên hài và câu chuyện của mình để đấu tranh trực diện và đưa được các đơn vị, cá nhân trở thành một câu chuyện điển hình.

Nghe ra thì rất vui, rất hể hả, nhưng ngẫm lại có nhiều người nghĩ thầm trong bụng: "À, có khi nó đang chửi mình" nên nhiều người giật mình và bức xúc. Giật mình mà tự sửa thì tốt hơn rất nhiều. Nhưng giật mình để rồi lại quay lại phê phán các Táo thì rất đáng buồn.

Bởi hơn ai hết, các Táo chỉ là thay mặt nhân dân nói lên nguyện vọng chính đáng của mình đối với các bộ ngành để có thể có những cơ chế phù hợp lòng dân. Và điển hình nhiều năm qua, có nhiều "bộ, ngành" đã tự sửa mình để có thể tốt lên theo xu hướng chung và được cả xã hội ghi nhận.

NSƯT Chí Trung là một diễn viên hài có sự thâm thúy, hiểu biết. Anh chia sẻ rằng, anh từng muốn dừng lại từ năm ngoái năm kia, đơn giản vì chất liệu của anh trong vai trò Táo Giao thông thì hết rồi.

Bản chất của hài kịch là châm biếm mà giao thông của Việt Nam đã ổn hơn, tốt lên rồi nên chẳng có lý do gì để làm tiếp cả.

Bởi vậy anh cho rằng, không nên quá "say đắm" để tụt xuống hố vì nói đi nói lại cũng chỉ được đến thế. Anh khẳng định, nếu anh có quyền, anh sẽ làm một phiên bản khác trong Táo năm 2016.

Táo quân 2015: Muốn thay mặt mọi người nói lên ước vọng ảnh 1

Từ trái qua phải: nghệ sĩ Quang Thắng, Xuân Bắc, Công Lý trong một chương trình “Táo quân”.

Đằng sau những tiếng cười

Cũng như NSƯT Chí Trung, nghệ sĩ Vân Dung  đã sẵn sàng để đến sàn tập cùng với các đồng nghiệp quen thuộc của mình. Chị là một trong số các "Táo bà" hiếm hoi trên sân khấu Táo quân từ mùa đầu đến nay.

Hỏi chị về kinh nghiệm diễn Táo, chị đã chia sẻ rằng, tuy không phải năm nào các Táo cũng lấy được nhiều tiếng vỗ tay của khán giả, vì ngoài yếu tố kịch bản, phải chăng dấu ấn cá nhân của nghệ sĩ là một điều rất quan trọng làm nên nhân vật.

Chính vì thế, mỗi nghệ sĩ phải tìm tòi một cách thể hiện để làm tốt chức năng của mình. Chị cho rằng "Gặp nhau cuối năm" được nhiều người yêu thích vì ở đây, những cái xấu, những tồn đọng của một năm được đúc kết ngắn gọn, được nói thật, nói thẳng một cách hài hước và mang tính xây dựng nên không khiến cho một số người nghe mất lòng.

Có một điều mà không phải khán giả nào cũng biết, đó là để có được 45 phút khán giả xem trên truyền hình tròn trịa, chị và các đồng nghiệp đã vượt qua được một chặng đường không hề phẳng lặng gì.

Nghệ sĩ Vân Dung chia sẻ: "Thú thật, không chỉ tôi mà hầu hết các diễn viên tham gia chương trình đều có một cảm giác chung là: Sợ! Cái sợ đầu tiên của tôi là: Sợ con ốm. Như là một cái "dớp" hay sao ấy, cứ đến thời điểm tôi tập chương trình Tết là con trai tôi lăn ra ốm.

Có lần, suốt nửa tháng trời, tôi vừa chăm con mà vẫn thường xuyên phải tập luyện từ 10 giờ đêm hôm trước cho đến 5 giờ sáng hôm sau mới nghỉ. Trong khi đó, ban ngày vẫn phải lo việc chung, việc riêng, hoàn thành việc ở cơ quan.

Mà với Táo quân đã thuộc lời là phải thuộc từng câu, từng chữ, từng con số thống kê chính xác. Mỗi Táo "phụ trách" một bộ, ban, ngành, phải nắm được con số chính xác đã thống kê lên báo cáo với Ngọc hoàng.

Bởi vậy nên tâm lý của chúng tôi cũng rất lo lắng. Ròng rã nửa tháng trời anh em tập luyện cùng nhau, ngày thì ai lo việc nấy, còn tối đến thì tập đến sáng. Gần như chúng tôi bị thay đổi giờ sinh học, tập xong thì ai cùng gầy đi trông thấy.

Thực sự, nếu để dàn dựng một đêm diễn như thế ở các nhà hát thì chắc phải mất... 3 tháng! Trong khi đó, kịch bản của chương trình thay đổi liên tục và các diễn viên tham gia cũng được coi là những người... đồng sáng tác kịch bản.

Cho đến sát ngày ghi hình chương trình, tập kịch bản từ chỗ hơn 40 trang đã lên tới hơn 100 trang. Tôi nhớ, có lần, đã sắp đến giờ biểu diễn mà tôi như bị "tẩu hỏa nhập ma", trong đầu trống rỗng chẳng còn nhớ gì. Lúc đó bèn cầu cứu anh Quang Thắng "nhắc vở" cho mình.

Ai dè, khi ra sân khấu thì câu chữ ở đâu cứ tuôn ra ầm ầm, còn anh Quang Thắng vì mải nhớ thoại để nhắc cho tôi, lại quên chính thoại của mình, phải đứng "phỗng" một lúc trên sân khấu.

Sau này anh còn đùa là bị tôi "xỏ"! Nhưng, anh em nghệ sĩ hài chúng tôi là vậy, "cứu" nhau là chuyện bình thường và luôn tung hứng với nhau trên sân khấu để đem lại tiếng cười cho khán giả...

Về cơ bản thì thấy mọi người cười khi mình diễn hài, có nghĩa là mình có sự thành công nhất định rồi. Sợ nhất là mình diễn hài, diễn viên thì cười mà khán giả mặt cứ... tỉnh queo thì vô duyên lắm”.

Nói về diễn viên Quang Thắng, anh là một trong số những diễn viên hài chọc cười khán giả đầy duyên dáng. Anh cũng là một trong số ít những diễn viên tham gia chương trình "Gặp nhau cuối năm" được thử sức ở nhiều vai Táo nhất như: Táo Giáo dục, Táo Giao thông, Táo Quy hoạch, Táo Kinh tế…

Anh khẳng định, mình là người may mắn vì mỗi năm lại được đóng một táo khác nhau. Táo nào cũng có cái cho mình suy ngẫm, vì đều phản ánh được thực trạng của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa… nước nhà.

Đi diễn cả năm nhưng mỗi lần diễn trên chương trình Táo quân anh vẫn háo hức vì chương trình sẽ được mọi người quan tâm, mong đợi.

Bởi thế cho dù rất vất vả, thậm chí vạ vật thức trắng cả đêm, chỉ ăn mì tôm, uống nước chè đặc, cà phê đen để chống buồn ngủ cốt làm sao diễn hay, ăn nhập với nhau để cốt làm sao đến ngày công diễn có một bức tranh tổng thể nhất có thể cống hiến cho khán giả những tràng cười thú vị, bổ ích.

Diễn viên Quang Thắng là người "tung hoành" tại mảnh đất Hà Nội nhưng thực tế anh thuộc quân số của Đoàn Kịch nói Hải Phòng. Vợ chồng anh như "Ngưu Lang - Chức Nữ". May mà anh có người vợ hiểu và thông cảm cho chồng nên ở nhà lo chu tất cho các con để anh yên tâm di diễn.

Nhiều khi vào những dịp Noel hay lễ tết, trong khi đi diễn, đóng ông già Noel tặng quà cho các em nhỏ thì các con ở nhà chỉ được xem tivi. Nhiều khi nghĩ cũng thương, cũng tủi lắm nhưng biết sao được, nghề nghiệp là thế rồi.

Chỉ mong sao, kết thúc một năm, cùng với tiếng cười, tiếng vỗ tay của khán giả thì nghệ sĩ cũng sẽ có một năm rộn ràng và may mắn sẽ đến.

Diễn viên Công Lý cũng không ngoài những suy nghĩ của NSƯT Chí Trung, Vân Dung, Quang Thắng. Người chuyên sắm vai "Cô" Đẩu chia sẻ: "Thời gian đầu phát sóng lên truyền hình, những người trong gia đình tôi, đặc biệt là bố mẹ tôi thì ngạc nhiên lắm, các cụ bảo: "Trông mày giống như cái thằng… dở hơi!". Nhưng lâu rồi cũng quen dần. Bây giờ thì, nhiều người gặp tôi vẫn gọi bằng cái tên thân mật ấy: Cô Đẩu.

Ê kíp Táo quân 2015 đã bắt đầu những đêm dài nhận và tập kịch bản. Những gương mặt thân quen bao nhiêu năm của khán giả đang mong rằng, khán giả sẽ có một đêm giao thừa ý nghĩa với những tiếng cười sảng khoái để hy vọng có một năm mới may mắn, thành công.

Thông qua tiếng cười rộn ràng trước mỗi đêm giao thừa  những sự kiện kinh tế, xã hội nổi bật với những cái được và chưa được sẽ được "mã hóa" bằng ngôn ngữ của sân khấu hài, qua tiếng cười trước đêm giao thừa chào đón năm mới sẽ tạo nền tảng cho những hy vọng về sự thay đổi tốt đẹp trong năm mới Ất Mùi, để xua tan mọi khó khăn, phiền muộn và mong rằng tất cả chúng ta sẽ đón một mùa xuân bình an, hạnh phúc…

Theo Trần Hoàng Thiên Kim

Theo Công An Nhân Dân
MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.