Dự án phim tài liệu “40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ”, đạo diễn Vương Đức:

Tập nào khó, để tôi

Tập nào khó, để tôi
TP - Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN yêu cầu xây dựng phim tài liệu nghệ thuật chủ đề 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trọng trách giao cho Hãng phim truyện VN và Hội Điện ảnh TPHCM. Nhiều đạo diễn tham gia, riêng Vương Đức yêu cầu: “Tập nào khó thì để tôi”.
Tập nào khó, để tôi ảnh 1
Thanh niên hăng hái tham gia các phong trào làm theo lời Bác. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tập hai của phim (vừa phát trên VTV1) mang tên “Miền Bắc - hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” do anh đạo diễn là một trong những tập khó nhất? Nghe nói lúc đầu anh có ngại ngần tham gia dự án?

Tôi chưa bao giờ ngần ngại. Thậm chí còn gặp ông Tiến (đạo diễn Lê Đức Tiến - tổng đạo diễn) và nói: “Tập nào khó thì giao cho tôi”. Tôi là dân gốc phim tài liệu, đào tạo ở Nga. Thời điểm tôi về nước còn ít người làm phim truyện quá nên nhận lời đạo diễn Hải Ninh đấy chứ, giống như chuyển từ chơi ghi-ta sang piano vậy (cười).

Nhiều năm nay, tôi vẫn sống bằng nghề làm phim tài liệu, chỉ không nói ra thôi. 20 năm trước, tôi đã làm phim tài liệu về Bác Hồ Đi theo một câu Kiều nhân 100 năm sinh nhật Bác.

Nghĩa là anh có ưu thế khi làm phim về Bác nên mới tự tin nhận những tập khó - tập 16 “Bác Hồ với phong trào cộng sản thế giới” cũng vậy?

Tôi từng nghiên cứu kỹ lưỡng về Bác ở những góc độ hết sức riêng biệt. Tập hai khó nhưng chở nặng nhiều tình cảm của tôi.

Tập nào khó, để tôi ảnh 2
Tại nhà một công dân Mỹ từng gặp Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Đó là giai đoạn 1969 - 1973, khi đó thế hệ chúng tôi phải đi sơ tán, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh bố mẹ đạp xe mang gạo từ Hà Nội lên Sơn Tây cho con. Tôi làm phim bằng tình cảm, ký ức như vậy.

Tôi và Đặng Thái Sơn sang Nga học cùng một ngày. Sơn kể: “Thời ấy tôi ngồi nhúng chân trong nước mưa đọng dưới ụ đất tránh bom đạn và tập đàn”.

Tập 16 cũng là một trong những tập khó, về phong trào cộng sản thế giới. Tôi có lợi thế là biết bảy ngoại ngữ, nên viết luôn kịch bản cho tập này.

Các tư liệu anh thực hiện ở Mỹ, Chile là phục vụ cho hai tập này?

Đó là những tư liệu mới, sẽ sử dụng cho nhiều tập. Tôi còn đầy ắp tư liệu bởi đã đi xuyên nước Mỹ để tìm kiếm. Kinh nghiệm bạc đầu rồi. Ấy thế mà đôi lần làm phim trong nước, đi quay gần khu vực cấm, tôi bị bắt. Cũng do bên an ninh chưa hiểu rõ nên mới giữ lại. Tôi chẳng trách ai cả (cười). Rồi mọi người sẽ thấy những ông “đại tướng của điện ảnh” xung trận thế nào, nên tôi mới dám nhận phần khó.

Anh em bên Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương gặp cũng nói, tập phim do tôi đạo diễn là một trong những tập tốt nhất. Một số bậc lão thành điện ảnh gọi điện nhận xét, Vương Đức làm rất có trách nhiệm.

Một dự án phim tài liệu quan trọng lại được giao cho Hãng Phim Truyện Việt Nam thực hiện chứ không phải Hãng Phim Tài liệu - Khoa học Trung ương. Nghĩa là các anh được kỳ vọng sẽ đưa vào phong cách thể hiện mới. Bản thân anh chắc cũng không muốn làm phim tuyên truyền đơn thuần?

Vương Đức không bao giờ làm như vậy. Làm phim tuyên truyền mà lộ ra là tuyên truyền thì kém. Chúng ta phải làm phim chuyên nghiệp theo cách tiếp cận khán giả bằng con đường của cảm xúc, tâm hồn và ý chí.

Càng nghiên cứu về Bác, rồi được gặp gỡ nhiều người ở nhiều quốc gia bày tỏ lòng kính trọng Bác, tôi càng tự hào mình là người Việt Nam. Tôi nghĩ, trên bàn làm việc của tôi, phải có lá cờ tổ quốc.

Anh thần tượng nhất điều gì ở Bác?

Tập nào khó, để tôi ảnh 3
Đạo diễn Vương Đức và quay phim Lý Thái Dũng (đứng) ghi hình ở Mỹ

Bác là người làm việc. Không ai làm việc bằng Bác cả. Một ngày Bác có thể chỉ ngủ một tiếng, thời gian còn lại là dành cho dân, cho nước.

Qua lời kể của nhiều người, tôi biết nhiều đêm trong căn nhà sàn, Bác thường bật radio khi đi ngủ. Cả cuộc đời dành cho đất nước, dân tộc như vậy nên chúng ta hiểu vì sao dân mình thờ ảnh Bác.

Di chúc của Bác ngắn gọn nhưng nhiều ý, trong đó dặn dò: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Anh vừa đảm nhận chức vụ Giám đốc Hãng Phim Truyện Việt Nam, chắc anh rất tâm đắc khía cạnh văn hóa mà Bác đề cập?

Đây là câu hỏi phải trả lời mấy ngày liền mới hết. Đọc Di chúc của Bác, cần nghiên cứu kỹ từng chữ. Tôi chỉ có thể nói rằng, Di chúc của Bác là một phần quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh.

* Một dàn đạo diễn hùng hậu được huy động cho phim 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Tổng đạo diễn Lê Đức Tiến, các đạo diễn Vương Đức, Lê Văn Duy, Lê Hồng Chương, Lê Thi, Đào Thanh Tùng…

Sáu tập đầu tiên ra mắt (VTV1, sau chương trình phim truyện buổi tối) gồm Bác Hồ viết di chúc, Miền Bắc - hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đánh cho Mỹ cút, Bác Hồ trong trái tim miền Nam, Đánh cho ngụy nhào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.

19 tập còn lại sẽ được sản xuất trong năm 2010.

* Nhà quay phim Lý Thái Dũng (quay phim chính của dự án phim tài liệu 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ): Những tài liệu mới về Bác Hồ chúng tôi mua và sưu tầm được ở Mỹ, Chile tự nó đã thú vị rồi.

Còn những tài liệu đã biết, khi sử dụng lại, cũng phải thay đổi cách quay, cách tiếp cận các hiện vật cũ như ao cá, chiếc đồng hồ trong nhà sàn… sao cho có hơi thở mới.

Quan trọng là đẹp và tình cảm. Chúng tôi sử dụng thiết bị và xử lý góc độ, ánh sáng như quay phim truyện nhựa, ví dụ quay nhật ký của Bác ở góc độ giống như Bác đang ngồi viết vào buổi tối hoặc trong ánh nắng ban mai…

Kiều Bích Hương thực hiện

MỚI - NÓNG