Tàu vẫn rời ga

Minh họa: Huỳnh Ty.
Minh họa: Huỳnh Ty.
TP - 1. Chuyện của tôi - gã bán chè chén ở ga về ông NH

Sau cú ngã ở độ cao gần chục mét khi giúp anh em hậu đài mắc dàn đèn sân khấu, tôi bị chấn thương cột sống,  bị liệt hai chân và cuối cùng là “dính” hẳn với chiếc xe lăn.Từ một diễn viên có “số má”, tôi thành anh chàng bán chè chén, thuốc lá trên cái sân ga xép này. Mẹ tôi nói công việc cốt để tôi vui. Mọi ước mơ đều dừng lại. Tôi mới 30 tuổi. Chàng Romeo chia tay nàng Juliet sớm mà chẳng được chết cùng nhau trong hồi kết bi kịch của hai dòng họ. Bạn hỏi tôi đang ở đâu ư? Thì cũng như cánh nhà văn nhà vo các bác, tôi ở ga X, thành phố Y. hay ở một nơi nào đó thì cũng như nhau, tin thì tin không tin thì thôi, mất lòng trước, được lòng sau vậy…

Cứ đều đều, ngày sang, đêm tới.Tôi mặc cảm “thân xác” chẳng mở lòng với ai, cũng có thể mình chưa có một tình yêu lớn. Ôi cái thời tôi mới bước vào nghề các thầy tôi luôn nói đến tình yêu lớn, rằng bạn phải nuôi dưỡng “ngọn lửa đam mê” trong tâm hồn, trong ý nghĩ, rằng sân khấu thiêng liêng như thánh đường, nơi thanh lọc bụi bẩn cuộc đời ô trọc, nơi phục sinh lòng tốt, nơi tìm thấy lại khuôn mặt mà mình từng yêu dấu… Mà thôi, giờ thì “tã” lắm rồi, diễn viên giã nghiệp hết, thời ai cũng sắm vai quần chúng làm kinh tế giỏi nếu không muốn chết…

A, anh hỏi về ông NH, cha, sao không nói sớm, ôi tôi buồn cả tháng nay khi nghe tin cụ mất, thương lắm, quý lắm, tôi kể anh nghe chuyện tay L. dân giang hồ cộm cán xứ này lại “phục” cụ như “sư phụ” như thế nào nhé. Anh không thích thì tôi cũng kể. Chuyện là một bữa, bác NH nhà mình đến hàng nhà tôi gọi chén nước chè, ngồi rung đùi, ngồi độc thoại thơ vè chi đó theo thói quen, chả quan tâm đến ai, chuyện của ai. Khi đám ruồi muỗi giang hồ kháo nhau rằng anh cả đã về, anh cả đã mãn hạn tù với thái độ sợ hãi thì lão NH không biết hào hứng về cớ gì, đột ngột nói to, “là cứt, là cứt hết!” - thế là lập tức một con dao từ đâu phóng tới cắm phập mặt bàn gỗ, lão NH vẫn ngồi yên khi đám giang hồ chạy hết. L. xuất hiện, kiêu ngạo, côn đồ, hất hàm hỏi “có sợ không?”, lão NH trả lời sao anh biết không, lão nói rằng không sợ vì không biết, L. nói chừ biết rồi, sợ không, lão lại nói sợ nhưng sợ ít thôi, L. hỏi lý do sợ ít, lão nói vì người mà mình sợ cũng biết điều, hỏi han rành mạch, ôi ông biết không, con người sợ nhất là sợ bóng tối, sợ cái ác nấp trong bóng tối, trong vô minh.Ôi rứa là cả hai làm quen nhau, coi như tri kỷ, à, L. chết rồi, ôi cái nghiệp tù dễ chi thoát được.

Lại nữa, ông NH ấy cứ đến đây tầm 10 giờ đêm. Lạ lắm. Lần đầu cứ tưởng ông già ra ga đón người, sau mới biết ông là nhà thơ nên ra ga “đón gió”, ôi chết cười, là sao nhỉ, “gió từ cuộc chia ly ngày xanh thổi lại”. Hay lắm, một bữa, ông chép trên vỏ bao thuốc lá đoạn đối thoại giữa ông ấy với tui, như vầy:

“ - Bác khoẻ chứ?

- Tàu vẫn về ga

- Ngồi làm chén nước

- ga vẫn đợi tàu

- làm chén rượu đi, mới được biếu, ngon lắm

- tàu lại rời ga

- Tầm 3 giờ sáng mới có tàu về

- tàu sẽ lại về ga”

Tôi nói thơ thẩn chi, rõ là lẩn thẩn, ông ấy nói thì thơ thời nào mà không lẩn thẩn. Ông ấy “tự tử” à?. Khổ. A. Rứa thì tôi hiểu đôi chút. Trước cái ngày ấy độ dăm hôm, ông ấy bứt rứt lắm, tôi hỏi đã có chuyện chi, ông ấy nói, tôi mới chiêm bao, lạ lắm, trong mơ, tôi thấy cuộc sống đang hết sức yên tĩnh, thân gần, trẻ em đến trường, phụ nữ làm bếp, công nhân đóng tàu, ca sĩ thì đang hát, cha xứ thì đọc kinh… bỗng có một đám đông hùng hổ chạy đến,  họ cứ làm mọi sự rối tinh lên, họ cứ đem người chỗ này “nhét” vào việc chỗ khác, người chỗ nọ nhét vào việc chỗ kia, bạn biết không, ban đầu thì va chạm, xô đẩy, dập vùi, căng thẳng lắm nhưng cuối cùng thì yên, tôi lại thấy như đang trên tàu chợ, hôi hám, chật chội, mọi sự vẫn cứ lao về phía trước.Tôi không chịu được như vậy. Tôi tỉnh thức.

Ồ ông có chép trong sổ tay của tôi một vở kịch ngắn, rất ngắn, lâu lắm rồi, chắc chẳng ma nào dựng nhưng đọc thấy thích, là tôi thích, dân kịch cọt mà, đây các bạn xem

2. Kịch của ông NH - kịch không tên (nguyên văn)

(Quán cà phê không tên không mùa không ngày tháng…)

Nhân vật: Nam, Nữ (cả hai đều cao tuổi, bị chớm mất trí hay mất trí tạm thời. Họ là đôi tình nhân già sau mấy mươi năm gặp lại)

Nam: (xúc động quá mức): Ôi, là bà đấy ư? Ôi con chim nhỏ tóc xù của tôi, ô không không mà là thật bà đó ư?

Nữ: (xúc động không kém): tôi đây, thật 100%, đây này ông cứ cầm bàn tay tôi đi, “cảm giác” không?

Nam (cầm tay) Ô đúng rồi. Mùi bà.Riêng bà, “hương gây mùi nhớ”

Nữ: Ôi ông, cứ bình tĩnh. Nào ngồi xuống đây. Ôi trông vẫn còn đẹp lão. Da có hơi nhăn tí chút. Mắt vẫn cứ đa tình, đa… ấy lắm

Nam: cái bà này - lúc nào cũng nói đúng, tôi muốn hỏi bao nhiêu năm qua bà sống thế nào?

Nữ: Đơn giản, cưới chồng, sinh hoạt giường chiếu, sinh con. Được hai đứa, một gái một trai. Còn ông?

Nam: bà biết rồi còn hỏi, đúng là cầm tinh con giả vờ, tôi có một đứa con rơi, nó không nhìn nhận tôi là cha nó, thế thôi

Nữ: thì có khác chi tôi, chúng ta rốt cũng tầm thường

Nam: với tình yêu?

Nữ: ok, với tình yêu, ta vờ yêu, vờ nhớ nhung.

Nam: tôi khác, bà, tôi nghĩ, đành là “nhi nữ thường tình” nhưng mọi sự là do bà chủ định đó chứ?

Nữ: ngó vậy mà không phải vậy, tôi đã chấp nhận, đã vỡ mộng ngay từ đầu, không có tình yêu thì hỏng hết

Nam: tình yêu à? Vậy tôi có yêu à?

Nữ: ta có thể dối cả trời nhưng chỉ một kẻ ta không dối được-đó là mình, là bản thân mình

Nam: con cái đã lớn, đã có công ăn việc làm, mừng cho bà

Nữ: không đơn giản vậy đâu, tôi đã hy sinh, đã làm tất cả cho chúng nó

Nam: chúng đang sống tốt?

Nữ: ở nước ngoài hết

Nam: vậy là quá tốt, bà định thế nào?

Nữ: tôi không muốn làm phiền, tôi tự do

Nam: (lẩm bẩm): trời lại mưa

Nữ: ông có nhớ năm đó mưa không qua Đập Đá được, hai đứa quay lại Chuồn?

Nam: lụt năm 1999, tôi chiêm bao thấy bà chết trôi, tôi có biên thư

Nữ: À ông có nhớ tay X. tổ chức, tay hồi ấy mê tôi?

Nam: đêm ấy bà đi xin việc với tôi

Nữ: chết rồi, đột quỵ khi xông hơi, ông coi cẩn thận

Nam: để làm chi, tôi chừ sống không bằng chết

Nữ: ông lại chuyện nọ xọ chuyện kia

Nam: À bà lấy cái tiến sĩ, nghiên cứu về cái gì nhỉ?

Nữ: Kiều đoạn cuối truyện

Nam: cuối cùng là tình bơ vơ

Nữ: Ừ, đã tắt lửa lòng, đã như mãn kinh toàn diện

Nam: đã chết già trong đạo hạnh

Nữ: một giá trị trinh tiết muộn

Nam: trời còn có buổi hôm nay

Nữ: thôi ông đừng đọc nữa, khách sáo quá (gọi bồi bàn: “thôi tính tiền đi mấy cháu”)

Nam: tôi tính rồi, khổ trời cứ mưa

Nữ: mưa miết, không chừng lại lụt

Nam: giờ bà tính đi đâu?

Nữ: ông hỏi tôi mới nhớ, tôi đi đâu đây, vậy chớ ông đi đâu?

Nam: tôi về bệnh viện, tôi đang ở đó thì nghe bà điện thoại

Nữ: tôi thèm chết, sao hồi ấy tôi ngăn không cho ông chết nhỉ?

Nam: bà muốn thế ư?

Nữ: không đâu, có điều nghĩ lại thấy buồn cười

Nam: mà buồn cười thật, toàn lũ giặc già, đêm ngày cứ tiếc tuổi trẻ mau qua, trách mình nhầm trong chọn lựa

Nữ: mà ai cho chúng ta chọn lựa

Nam: con vua rồi lại làm vua

Nữ: ai nói nhỉ

Nam: dân gian

Nữ: mà ông không nên đi lúc này, vừa mưa vừa gió

Nam: tôi còn dùng vào việc gì được

Nữ: có lần tôi đã cho mà ông không nhận

Nam: tôi ngu

Nữ: ô không ngu đâu, ông tốt một cách ngu xuẩn thôi

Nam: đã đành

Nữ: đã đành, lúc ấy tôi hỏi vậy ông sợ cái gì

Nam: Tôi nói ai cũng vậy phải giữ sự trong sáng

Nữ: ôi tôi đã chồm dậy tát tai ông, đã gầm lên “vậy ông tính gả tôi cho ai? Cho ai?”

Nam: đành vậy

(có tiếng bồi bàn: xe đến, xe đến, mời bà…)

Nữ: Ơ tôi có gọi xe đâu?

Nam: Tôi gọi

Nữ: Mà ông có biết tôi đi đâu đâu?

Nam: Bà cứ đi khắc đến

Nữ: Còn ông

Nam: Tôi về bệnh viện

Nữ: Vậy chào nhé, hãy nhớ lúc nào tôi cũng yêu ông

Nam: Chào, tôi cũng vậy

Nữ: Gớm, ăn nói cứ như Tây

(cứ thế, người đi, xe đi).

Tàu vẫn rời ga ảnh 1Bài thơ lẩn thẩn của gã nhà thơ, với những “tàu vẫn về ga” - “ga vẫn đợi tàu” đan xen vào những câu nói ông chẳng bà chuộc, thực chất có thể coi như một công án Thiền. Không những thế, toàn bộ truyện ngắn này, với những mô đun lắp ghép tưởng chừng không liên quan gì đến nhau, vẫn đưa đến một ý niệm. Gợi ý: Cần đọc kỹ. Nhưng sau khi kỹ thì lại phải buông văn bản ra.

Phùng Tấn Đông viết sắc sảo ở nhiều thể loại: Thơ, văn xuôi, phê bình… Anh sống và làm việc ở Hội An, Quảng Nam. 

L.A.H

MỚI - NÓNG