Tết Mông ở bản Hồi Hương

Tết Mông ở bản Hồi Hương
Xe sắp vượt đèo Pha Đin, tôi chợt nhận ra những nếp nhà của người Mông chon von trên núi cao. Từ xa xăm câu hát bỗng ngân lên tha thiết, khiến lòng tôi bồi hồi: “Trời chỉ có sao sớm sao chiều/Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau”.

Chúng tôi đến ăn Tết với đồng bào Mông bản Hồi Hương, một bản mới được thành lập từ năm 1997 gồm nhiều người Mông tha hương trở về. Hồi Hương thuộc xã Mường Nhà, xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên, cách thành phố gần 60 km, giao thông, đi lại vất vả. Chủ nhà Vàng Và Của tươi cười đón khách, anh kéo tay tôi, nói câu tiếng Kinh lơ lớ: “Vào đi”.

Thấy có khách lạ, trẻ con xúm quanh, nhưng không có bóng dáng phụ nữ. Vì họ vẫn bận bịu dưới bếp. Trên nhà là “địa phận” của đàn ông, gần 30 người, cả già cả trẻ, ngồi thành hai hàng, ở giữa là dãy bàn dài, để đầy thức ăn. Chiếm nhiều “diện tích” nhất là rau sống.

Ngoài xà lách, rau thơm, hành..., người Mông còn thích ăn rau cải sống. Món ăn sang nhất trong Tết người Mông là thịt mỡ luộc được để lẫn lộn trong một bát to cùng với dạ dày và lòng lợn luộc. Đồng bào không chấm nước mắm mà tự chế biến nước chấm bằng gan lợn và gia vị.

Tết Mông ở bản Hồi Hương ảnh 1
Mâm cỗ Tết của người Mông

Tết người Mông không thể thiếu bánh dày (khẩu pa pa), được làm bằng gạo nếp cẩm, to như cái bánh đa nướng lên có màu hơi tím, ăn rất ngon. Cũng như nhiều dân tộc khác, đàn ông Mông không thể thiếu rượu trong dịp chào đón năm mới. Đó là thứ rượu ngô hoặc rượu sắn (lẩu mắn cò) rất nhẹ, chỉ đủ lâng lâng, không say, không nhức đầu. ở bản Hồi Hương bây giờ người Mông không uống rượu, trừ những dịp đặc biệt như có cán bộ đến thăm hay cưới xin, lễ Tết.

Họ uống khá điều độ, không “ép” khách phải uống (tất nhiên nếu khách tự nguyện uống thì họ rất vui). Đến nhà người Mông được coi là khá giả (nhà nhiều thóc, nhiều ngô), tôi thấy thực đơn vẫn không mấy thay đổi, chỉ hơn một điều: nhiều thịt mỡ luộc.

“Vì sao người Mông thích ăn thịt mỡ?”, câu hỏi ấy được anh Trưởng ban dân vận huyện giải đáp: “Người Mông sống trên núi cao, rất rét, nên cơ thể cần phải cung cấp nhiều năng lượng”. Còn “Vì sao người Mông ăn tết giản dị thế?” thì trưởng bản Lẩu Sáy Co, sinh năm 1971, có 1 vợ, 2 con, nói tiếng Kinh rất sõi, trả lời: “Chúng tôi không quan trọng ăn tết to hay nhỏ, chủ yếu là được ngồi với nhau vui vẻ”.

Dù giản dị, chỉ có một, hai món cơ bản, nhưng đến ăn tết với người Mông bạn không lo thiếu thức ăn. Câu nói: “ăn không sợ hết, làm không sợ chết” chứng tỏ sự phóng khoáng trong ẩm thực và phẩm chất chăm chỉ, cần cù của những con người sống trên triền núi cao. Thỉnh thoảng, từ dưới bếp người phụ nữ lại lên nhà tiếp thức ăn cho chồng và khách bằng chiếc gáo được làm bằng vỏ quả bầu.

Tết người Mông rất độc đáo, diễn ra vào tháng 12 âm lịch khi việc nương rẫy đã hoàn tất. Tất cả các bản người Mông không đón tết cùng một thời điểm, để họ có cơ hội giao lưu, gặp gỡ  nhau. Khi bản này ăn tết thì bản thân cận sẽ không ăn Tết mà kéo đến chia vui với bản bạn và ngược lại.

Tết Mông ở bản Hồi Hương ảnh 2
Thẹn thùng

Trong một bản việc ăn Tết được phân chia rõ ràng, do trưởng bản quyết định. ở Hồi Hương tết ăn kéo dài từ mồng 1 đến mồng 4 tháng Chạp, tết chơi bắt đầu từ mồng 4 kéo dài đến 2 tuần sau. Hôm chúng tôi đến, cả bản có 5 nhà ăn tết, ngày hôm sau sẽ có 6 nhà tiếp theo được ăn tết, trưởng bản cứ phân chia như vậy cho đến hết tết ăn.

Khi nhà nào ăn tết thì người trong bản lại kéo đến cùng ăn vui vẻ. Tết đến, mỗi nhà mổ một con lợn, ăn không hết ướp thịt để ăn dần quanh năm. Khác với trẻ con thành phố, các em bé Hồi Hương không được “lì xì” mà chỉ mơ  quần áo mới, mơ được ăn kẹo. Những người phụ nữ đã có chồng không chú trọng nhiều đến chuyện ăn mặc, bởi ngày tết họ còn bận lúi húi trong bếp.

Còn các cô gái đến tuổi cập kê không mấy khi ở nhà và rất đỏm dáng. Con gái của Phó bản Sùng Nhìa Chứ năm nay 17 tuổi, xinh như đoá hoa rừng, tết năm nay diện bộ váy rất đẹp, sặc sỡ nhiều màu: đỏ, vàng, xanh, hồng tươi, trắng, thêm nhiều đồ trang trí lóng lánh và đính nhiều đồng bạc giả, chứng tỏ sự giàu sang. Bộ váy nặng khoảng 4kg, tính ra giá lên đến tiền triệu. Khi cô gái bước đi, những đồng bạc giả chạm vào nhau phát ra tiếng nhạc rất vui tai. Cô bảo với tôi: “Mặc bộ váy này sẽ có nhiều chàng trai ngắm nhìn”.

Tết cũng là dịp để trai gái bày tỏ tình cảm. Con trai Phó bản năm nay 20 tuổi, học lớp 9, đã đi tìm vợ 4 hôm chưa về. Phó bản cho biết: “Nó thích lấy ai thì lấy, nó thích rồi thì mình phải chịu”. Sùng Nhìa Chứ đã chuẩn bị tinh thần lấy vợ cho con trai và chuẩn bị của hồi môn cho con gái. Của hồi môn của bố mẹ đẻ dành cho con gái thường là một con vật nuôi làm giống: giàu cho 1 con bò, nghèo cho 1 con gà, còn Sùng Nhìa Chứ  sẽ cho con gái một con ngựa.

Những đêm tình mùa Xuân nồng nàn đã, đang diễn ra ở một số bản Mông Điện Biên. Nét văn hoá truyền thống vẫn được bảo tồn. Bây giờ trai gái vẫn hát tỏ tình, vẫn thổi kèn, thổi sáo, vẫn ném pao ...Có điều họ không chỉ hát như khi xưa vẫn hát: “Anh ném pao, em không bắt-Em không yêu, quả pao rơi rồi”, mà lời hát tỏ tình đã thêm phần hiện đại: “Cú nhịa co” (anh yêu em).

Những cô gái đẹp nhất sẽ nhận được nhiều lời tỏ tình nhất và những chàng trai có cơ hội lọt vào mắt xanh của các nàng thường đạt được tiêu chí: giàu có, hiền lành. Sùng Thị Tá, thiếu nữ người Mông duyên dáng bẽn lẽn nói bằng tiếng Kinh: “Em thích chàng trai hiền lành”.

Khi yêu nhau, các chàng trai cũng tặng quà cho cô gái. Quà tặng giản dị nhưng giàu thông điệp: Chiếc kèn, thắt lưng, áo... Đi chơi với nhau, chàng trai thường mang theo một cái đài để ghi âm những lời ước hẹn, lời yêu của bạn tình. Khi nhớ nhung họ bật đài lên nghe giọng người yêu.Nếu một cô gái có quá nhiều chàng trai săn đón, cô sẽ chọn một người trong số đó, cho chàng ở nhà mình một tuần để làm việc giúp gia đình, nếu cô gái ưng bụng nghĩa là chàng trai đã được “chấm”.  

So với nhiều bản người Mông khác, bản Hồi Hương còn nhiều khó khăn. Nhưng thời gian gần đây có không ít khởi sắc.Một số người dân trong bản đã biết đi và có xe máy. Trước cửa ngôi nhà đang làm của trưởng bản Lẩu Sáy Co dựng chiếc xe máy đỏ hiệu Suphát, Trưởng ban dân vận huyện cười thoải mái: “Trưởng bản làm giàu chân chính bằng bàn tay, khối óc của mình”.

Anh hồ hởi khoe: “Vụ vừa qua nhờ áp dụng giống mới, dân bản Hồi Hương đã thu được 200 tấn ngô. Đó là tín hiệu đáng mừng. Sắp tới Hồi Hương sẽ có điện và trường tiểu học cũng đã được xây xong”. Vật chất đang ngày một khấm khá và nếp sống, nếp nghĩ của người dân nơi đây cũng có nét chuyển biến tiến bộ.

Tôi hỏi một người đàn ông trong bản: “Ngày xưa, đàn ông được lấy nhiều vợ, anh thích có nhiều vợ không?”. Anh xua tay, cố nói bập bẹ: “Không nuôi nổi nó đâu. Nhà nước bảo chỉ một vợ, một chồng”. Trưởng bản cho biết thêm: “Người già nhất bản 109 tuổi, đã cai được thuốc phiện. Cả bản giờ không còn ai nghiện nữa”.

Khi trời về chiều, rét mướt luồn vào da thịt, chúng tôi đến ăn Tết ở nhà người Mông cuối cùng.Tôi tạm ngừng công việc của một phóng viên, không ghi chép,  không chụp ảnh, không phỏng vấn, để đắm mình trong tiếng cười, trong những lời chúc tụng, những chén rượu tê tê. Trưởng bản đích thân tiễn tôi ra xe, anh đưa cho tôi 2 cái bánh dày còn bọc trong lá chuối. Lên xe trở về thành phố, đường xóc, gió lạnh nhưng tôi không cảm thấy gì, vì trong tôi vẫn còn nguyên cái siết tay ấm nồng cùng ánh mắt chan chứa và câu nói tha thiết của người Hồi Hương: “Mù ho tua” (Chia tay nhé, nhớ ngày quay lại). 

MỚI - NÓNG