Tết ở Đào Mai Trang

Tết ở Đào Mai Trang
TP - Những năm 30 của thế kỷ trước, gia đình tôi sống ở thị xã Hà Tĩnh. Lúc ấy, tôi còn là cô bé 13 - 14 tuổi. Ngôi nhà của chúng tôi có một khu vườn đầy hoa, nhiều nhất là đào và mai. Vì thế, có người gọi nhà tôi là “Đào Mai Trang”.
Tết ở Đào Mai Trang ảnh 1
Chơi ô ăn quan - Tranh của Nguyễn Phan Chánh

Cha tôi, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh thường đi vẽ xa, gần Tết mới về.  Mẹ tôi thường chuẩn bị bánh Tết trước nửa tháng để kịp có bánh cúng ông Công ông Táo.

Mẹ làm bánh “thuẫn” (bánh quả bàng) vào chiếc cơi bằng đồng. Bánh làm từ bột đao và trứng gà. Mẹ để một lớp than bên dưới cơi đồng, thêm một lớp than nữa trên nắp, phải có hai lớp than như thế bánh mới chín.

Trong lòng cơi đổ đầy cát, mẹ đặt tám chiếc khuôn bánh trên lớp cát ấy. Cát nóng lên sẽ làm chín bánh. Những chiếc bánh vàng rộm, thơm phức. Mẹ tôi còn xay bột nếp làm bánh nhãn, bánh rán. Bánh được đựng trong những chiếc hũ sành, nút lá chuối khô, đến ra giêng vẫn giòn tan.

Không năm nào mẹ tôi quên làm mứt gừng. Những miếng mứt gừng mỏng, vàng thơm, vị cay ấm áp tôi còn nhớ đến bây giờ.

Tôi nhớ nhất những phiên chợ Tết cuối năm. Chợ đông hơn ngày thường rất nhiều. Người các huyện xa cũng về chợ thị xã sắm Tết. Người giàu thì vác nặng những xâu tiền kẽm trên vai.

Người nghèo thì xách những xâu tiền nhỏ trên tay. Ai ra về cũng mang đầy hàng hóa, thực phẩm: chè, vàng hương, tranh Tết, gạo nếp, gà... Có người còn sắm giường tre.

Bọn trẻ xúng xính quần áo mới, xúm xít quanh hàng bán ống nứa đựng tiền mừng tuổi. Ống nứa vót nhẵn hai đầu rất đẹp, có khía một đường nhỏ để nhét tiền mừng tuổi.

Mấy chị em tôi đến hàng tranh Tết, tìm mua những bức tranh “Tiến tài tiến lộc”, “Lý ngư vọng nguyệt”,... để treo Tết, những bức này giống tranh cha tôi vẽ hồi nhỏ để bán kiếm tiền giúp bà nội tôi.

Tôi thích nhất những gánh hoa đào. Người ta bó từng cành đào gánh đi chợ bán, đủ loại: bích đào, hồng đào, lại có những loại đào hoa trắng như hoa mai.

Hàng hoa, hàng đào rất đắt hàng vì ngày Tết, trên bàn thờ nhà ai cũng có một cành đào, cành mai hoặc cành hoa hải đường.

Chiều tối 28 Tết, bọn trẻ chúng tôi rủ nhau đi xem người lớn trong xóm mổ lợn. Thường là mấy nhà chung nhau một con lợn, chia mỗi nhà một “đùi”. Đèn thắp sáng trưng. Tiếng lợn kêu eng éc, tiếng gọi nhau ý ới, rộn cả xóm. Tiếng giã giò thình thịch thật vui.

Đêm 30, trời mưa phùn và lạnh. Cả nhà tôi thức đến giao thừa, chờ nghe tiếng pháo. Cha tôi ngồi trên chiếc phản giữa ngâm thơ, trong khi lũ trẻ chúng tôi chơi bài tam cúc, có đứa ríu mắt buồn ngủ nhưng vẫn cố thức chờ cha đốt pháo.

Năm nào tiếng pháo giao thừa của nhà tôi cũng vang lên sớm nhất trong xóm. Mẹ tôi tất bật lên xuống chuẩn bị luộc gà, đồ xôi gấc để cúng giao thừa. Mặt mẹ đỏ hồng lửa bếp. Cúng giao thừa xong, cha mừng tuổi cho chúng tôi, mỗi đứa đều được nhận chiếc phong bao màu đỏ.

Sáng mồng một, cha tôi dậy sớm, mặc bộ quần áo âu phục cũ nhưng còn đẹp, là phẳng phiu. Chúng tôi xúng xính trong những bộ quần áo mới. Mấy đứa em trai mặc quần kaki và áo cổ bẻ. Tôi và em gái mặc áo dài màu nõn chuối.

Năm ấy, tôi còn được mẹ mua cho đôi hoa tai mới rất đẹp. Đôi hoa bằng vàng tây, lại có hai viên đá hình giọt nước màu xanh lấp lánh rất hợp với màu áo dài xanh của tôi.

Dì Út, em ruột mẹ tôi mới 15 tuổi đã có người dạm hỏi, mặc áo lụa vàng tơ, thắt lưng hoa lý, váy lụa đen với đôi dép cong mũi. Chưa bao giờ tôi thấy dì xinh đến thế.

Ngoài đường, từng đoàn người lũ lượt đi chúc Tết. Các cô gái trẻ đều mặc áo tứ thân, thắt lưng màu hoa lý, hoa hiên, ai cũng xinh đẹp, không còn nhận ra mấy o thường ngày vẫn đi bắt cua, mặc áo nâu, váy cao quá đầu gối, đeo giỏ sau lưng, tay chân lấm bùn nữa.

Mẹ đưa mấy chị em tôi đi chúc Tết. Chúng tôi đi trên đường rải sỏi, giữa bao nhiêu sắc hoa của Đào Mai Trang. Suốt thời thơ ấu, tôi đã được trải bao nhiêu cái Tết yên vui và đầm ấm như thế trong Đào Mai Trang, trên quê hương Hà Tĩnh…

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.