Tết "tấm vé" để trở về...

Tết "tấm vé" để trở về...
Trở về ký ức, trở về ấu thơ. Tết là dịp hẹn hò, một sân ga lớn. “Tết gặp nhé!” “Hẹn Tết về!”.

1. Không khí Xuân gợi từ giữa Đông, xuyên hết tháng Giêng Âm lịch. Càng căng thẳng cực nhọc mưu sinh, vất vả lam lũ bán sức lao động mà đắp đổi cuộc sống, càng thiếu thốn lúc thư thả. Lỏng tiết tấu, giãn nhịp độ sau 360 ngày chảy xiết để thong dong vài ngày. Người ta hay lấy lý do làm cố để ăn Tết to, đến Tết nghỉ một thể, cách để bao biện cho lòng tham, mưu cầu không dừng được. Có câu “Biết đủ là đủ”, cần tạo ngưỡng của sự bằng lòng.

Sát Tết, càng bận. Khó thuê người làm, mọi giá cả đều tăng, các dịch vụ phục vụ khó kiếm hoặc “bắt bí”, đều đổ tại Tết...

Từ tháng 12 (trước Tết 2 tháng), vé máy bay hạng phổ thông tuyến TP.HCM - Hà Nội đã bán hết. Dân TP.HCM, bao gồm rất đông những người gốc Bắc, gốc Trung về quê. Nhạc sĩ Phú Quang khẳng định: “Tết là phải ra Hà Nội, quê quán đã đành, còn là vì không khí. Phải là áo ấm dạo trong mưa bụi, se lạnh, ngắm hoa đào. Phú Quang vào TP.HCM sống 20 năm, mỗi năm ra Hà Nội vài lần, không đủ. “Vội vã trở về, vội vã ra đi”, để rồi trở về hẳn, định cư Hà Nội, như một tất yếu. Sinh trưởng, gắn bó, yêu thiết tha đến thế thì phải “thở Hà Nội” mỗi ngày.

2. Mỗi chúng ta đón Tết, là có tấm vé để trở về.

Trở về ký ức, trở về ấu thơ. Tết là dịp hẹn hò, một sân ga lớn. “Tết gặp nhé!” “Hẹn Tết về!”. Người xa xứ, kẻ tha hương đều muốn hưởng không khí Tết bên gia đình, người thân, nơi quê hương, khi cả thành phố, cả đất nước cùng cộng hưởng nhịp Xuân, điều mà không ai ở nước ngoài có được. Sắm sửa đủ bánh mứt, đào mai chỉ là hình thức bề ngoài, để an ủi bản thân nơi xứ người đất khách.

Tết đến, nhắc nhở ta về thời gian. Mỗi chúng ta như đều mang khuôn -mặt - đồng - hồ.

Tết là dịp ta trỗi dậy những tháng năm thơ bé, những kỷ niệm ập về Tết là khi ký ức cùng dội lại, sống động, không cần kìm giữ. Bất chấp tuổi tác, hoàn cảnh, hễ Tết đến người ta lại hoài niệm ấu thơ, tuổi trẻ của mình. Với tôi, dù ngặt nghèo thiếu thốn, thì Tết của ngày xưa vẫn vui nhất, ngon nhất, đáng nhớ nhất.

Tôi nhắc mẹ tôi gói bánh chưng cỡ nhỏ xinh cho các em con chú, mẹ sẽ gói thêm hai cặp bánh bé cho chị em tôi. Những chiếc bánh chưng to nhỏ có bán ở chợ mỗi ngày, khiến nhiều người bão hòa, không thiết. Tôi chỉ thích ăn bánh chưng nhà nấu. Trông nồi bánh, là trải chuyến du hành...

3. Cuối tháng 11 Âm lịch, đã thấy những xe đạp chở rong đào. Đào đẹp, không phải là đào đỏ thắm, tán khum tròn do buộc dây. Người sành đào chỉ chơi đào phai 5 cánh, đào thế vươn lên tự nhiên. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền kể, cha bà - nhà văn Kim Lân - chỉ chơi đào thế, nhất thiết phải là đào phai, cành đào gần ba mét chạm trần, cắm vào lục bình cở lớn. Rằm tháng Chạp, tại nhà nữ họa sĩ tài danh có sức làm việc phi thường, tuổi 64, tôi thấy bà thật trẻ bên chiếc bình gốm cổ cắm đầy violette tím và cành đào phai rực sáng căn phòng.

Kẻ kỳ công thì thuê ô tô lên mua đào phai miền núi. Anh Chử Đức Thọ - chủ cửa hàng kính Thọ Kim, phố Lương Văn Can, năm nào cũng thuê xe 25 chỗ lên Lạng Sơn, tìm chọn cây đào đẹp, mua cành về cho nhà mình và nhà bạn nữa.

Gọi là sum họp, song thật hiếm niềm vui trọn vẹn. Có nhà, người thân bạo bệnh, đây là cái Tết cuối cùng. Có nhà lại mất người thân trước Tết, mất luôn cả Tết. Chẳng gì đau đớn bằng mất những người thân, nhất là khi họ bị cái chết cận kề, biết trước mà không làm gì xoay chuyển nổi.

Mỗi dịp đoàn tụ của những người đang sống, chúng ta không quên những người ruột thịt, những người thân đã lìa trần. Mâm cơm cúng tổ tiên, thế hệ trước, là “mâm hồi ức” về người quá cố, giao hòa âm - dương, làm chúng ta thêm quý giá từng khoảnh khắc được bên nhau.

Khi lòng thật lắng, người ta mới có thể bỏ qua ồn ào, đắng cay, chua chát, đón nhận bình thản tuổi tác, thời gian... Đi qua những tháng năm hào phóng, liều lĩnh, càng chắt chiu, dè sẻn, trân trọng từng ngày sống. Mỗi ngày đêm sống phong phú tận lực, đời ngắn đi song ta lại “lãi” một ngày.

Mười hai con giáp, con nào chẳng đáng thương. Người ta cứ bảo tuổi này sướng, tuổi kia khổ. Tất cả u uẩn, sầu muộn, áp lực, ức chế, những tham vọng khốc liệt ghì xích, bao vây chúng ta. Con người phải tự giải vây cho mình bằng đức tin, tình yêu, nghệ thuật. Khi ta chúc những người khác điều tốt đẹp, cũng là gửi vào đó mong muốn cho mình.

4. Bỗng nhớ bài haiku Lâm chung của nhà thơ lớn Matsuo Basho (1644 - 1694) hơn ba thế kỷ trước:

Chán viễn du
giấc mơ của ta rập rờn trên
cánh đồng héo úa

Cả khi héo úa, những giấc mơ vẫn rập rờn. Niềm khát sống cho ta hy vọng ở ngày mai.

Ngày mới, năm mới, chuyển động qua một cái nhích kim. Giao thừa đường nhộn nhịp; tinh mơ đường yên tĩnh vô cùng. Cả năm, chỉ sáng mùng 1 Tết có sự tĩnh lặng trên đường Hà Nội. Tôi yêu sự tĩnh lặng đến mức chỉ muốn tất cả đi bộ, thở khẽ. Để kéo dài... “Hồ Gươm long lanh như giọt nước mắt giữa Hà Nội ngàn năm hạnh phúc vơi đầy” (lời bài hát của kiến trúc sư, nhạc sĩ Hoàng Phúc Thắng - đã quá cố)... Lưu lạc nơi nào, về Hà Nội là về đất thiêng nhất là đứng bên hồ Hoàn Kiếm.

Bao nghiệm sinh số phận để chỉ thèm về giản dị, bên người thân với những vựa niềm vui. Không ai đếm hết lần hoa nở - hoa tàn, của nhịp điệu thiên nhiên. Mỗi năm, chờ Xuân đến, lòng người lại xiết bao cảm động. Đón nhận, hòa nhịp Xuân bằng tâm hồn tươi trẻ là món quà đẹp nhất, mà định mệnh dành cho.

Xuân mới, là công việc, hẹn hò, dự định, hoài bão mới. Và những giấc mơ mới và khác (dù có các phó bản, phiên bản, biến tấu). Nhưng có một thứ không khác, không đoạn tuyệt cũ là phong tục cổ truyền, những vẻ đẹp cổ điển. Nó vẫn tiếp nối và kéo dài trên các ga đời, như một đường ray không dừng lại. Linh hồn của tổ tiên, ông bà, cả những ông đồ, những “người muôn năm cũ” luôn đồng hành cùng chúng ta trong nhớ nhung, hồi tưởng.

Cả mơ mộng, ảo tưởng và ngộ nhận đều đáng yêu trong đêm giao thừa lãng mạn. Đêm qua và sáng mai chỉ trong nháy mắt. Ngắm hoa đẹp, rặng cây xanh là nao lòng và ứa lệ khi chúng bị xâm hại, thì sao cầm lòng trông bố mẹ già đi?! Đêm Giao thừa này con vờ tạm quên âu lo vì bố rộc thêm và tóc ào ạt bạc. Sương - nước mắt, là tinh chất trần gian. Sương hay nước mắt đang tràn trên má, vào lúc 0 giờ, con muốn thêm một lần, một lần nữa tung tăng háo hức như hồi bé thơ, khi ở tuổi ba mươi, con được bố đưa bao lì xì đỏ.

Tùy bút của Vi Thùy Linh
(Thể Thao Văn hoá)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.