Thái Bảo và "Ám ảnh xanh"

Thái Bảo và "Ám ảnh xanh"
TPO - Chất giọng khàn nồng ấm, đôi mắt biết nói đã làm nên tên tuổi của nữ ca sĩ xứ Nghệ này. Sắp tới, khán giả sẽ gặp chị trong bộ phim "Ám ảnh xanh".

Chị bắt đầu bộ phim "Ám ảnh xanh" trong tâm lý thế nào khi mình chỉ là một diễn viên nghiệp dư? 

Đây là bộ phim truyền hình chống tham nhũng dài 36 tập, nhà văn Chu Lai viết kịch bản, đạo diễn Châu Huế. Bạn bè tôi nhiều người là diễn viên nên tôi hiểu làm điện ảnh vất vả gấp nhiều lần những lĩnh vực nghệ thuật khác. Vì thế, tôi đã xem kịch bản thật kỹ và cân nhắc rất nhiều trước khi nhận vai  Tư Chao.

Mặc dù tôi biết mình sẽ còn nhiều lúng túng khi diễn trước ống kính nhưng điều may mắn là tôi được mọi người như anh Hồng Sơn, đạo diễn Châu Huế, nghệ sĩ Quốc Anh (đóng vai chồng Tư Chao), Đình Thân... chỉ bảo và động viên giúp tôi tự tin hơn rất nhiều.

Trong phim ấy, cô Tư Chao là người thế nào?

Người đàn bà ấy chừng hơn 40 tuổi. Khuôn mặt hiền lành, thánh thiện, đôi mắt đẹp, biểu cảm và biết nói. Tư Chao yếu đuối, đau khổ, cuộc sống vô cùng bất hạnh, luôn dằn vặt, trăn trở với những mưu mô, thủ đoạn của chồng.

Khi còn chiến tranh, họ là đồng đội. Đến ngày hòa bình, chồng Tư Chao làm ăn bất hợp pháp trên xương máu của đồng đội. Ông ta không từ một thủ đoạn nào để kiếm tiền...

Cuộc sống của Tư Chao luôn căng thẳng, muốn thay đổi chồng. Đã có những cuộc cãi vã nhưng vẫn vô vọng. Và Tư Chao cuối cùng đã chọn con đường đến với cửa Thiền để tìm sự thanh tịnh.

Tôi rất thích nhân vật này. Kịch bản hay và Tư Chao có khuôn hình giống tôi ngoài đời (mọi người nói với tôi như vậy). Bây giờ, điều quan trọng là tôi sẽ phải diễn thế nào để khán giả nhìn thấy Tư Chao chứ không phải Thái Bảo.

Thái Bảo và "Ám ảnh xanh" ảnh 1

Vai diễn của chị buồn, khi quá nhập tâm vào nhân vật, sẽ có rất nhiều diễn viên bị ám ảnh bởi chính vai diễn của mình, chị có sợ điều đó không?

Vai diễn của tôi đầy nước mắt như vậy nhưng khi đó tôi là Tư Chao. Nói là sợ thì có gì đâu phải sợ, vì khi đó tôi không còn là tôi nữa. Nhưng khi kết thúc những cảnh quay, thì phải quay về là mình chứ. Nếu không đâu còn là diễn viên được (cười).

Chị có buồn không nếu người ta cho rằng chị "ham hố"  đóng phim chỉ để cứu vãn tên tuổi?

Tuổi này rồi còn ham hố gì nữa. Tôi tự biết mình là ai và đang đứng ở đâu. Mấy chục năm làm ca sĩ, tôi đã khắc họa được chân dung của riêng mình trong lòng khán giả. Ngoài sự yêu mến, họ còn ghi nhận tôi bởi sự đam mê nghệ thuật, vẫn hát hết mình, vẫn ra CD và vẫn xuất hiện trên sân khấu. Tôi sẽ hát đến khi nào không hát được nữa.

Còn điện ảnh là môn nghệ thuật tôi rất thích. Nhận được lời mời thì thử sức xem. Nếu vai này được khán giả đón nhận, biết đâu cũng là cơ hội để tôi được đón nhận với tư cách là một diễn viên và nhận được nhiều lời mời hơn nữa.

Thái Bảo và "Ám ảnh xanh" ảnh 2

Đạo diễn đã chọn chị vì có đôi mắt biết nói, mà phụ nữ sở hữu đôi mắt ấy thường rất đa đoan!

Họ đã chọn tôi không chỉ vì đôi mắt biết nói mà cả khuôn mặt hiền lành, chân thật. Tôi là người sống chân thành, nhạy cảm và giàu tình cảm. Như thế có dễ đa đoan?

Chị chưa làm việc với đạo diễn bao giờ, có nhiều đạo diễn có thể đưa một diễn viên không chuyên thành nổi tiếng, chị có hy vọng vào điều đó với vai diễn của mình trong "Ám ảnh xanh"?

Có nhiều diễn viên không chuyên đã may mắn nhận được điều đó. Tôi thấy đó cũng là khách quan thôi bởi chức năng của điện ảnh là chọn đúng nhân vật, đúng vai. Vì thế, không cứ phải là diễn viên chuyên nghiệp mới làm được điều đó.

Tôi vẫn muốn được gọi là ca sĩ. Còn với điện ảnh, nếu có vai diễn phù hợp thì tôi cũng luôn sẵn sàng.

Chị vào vai Tư  Chao - một người đàn bà mang đầy nỗi u uất, yếu  đuối, đau khổ đến bạc nhược, kết cục đã tìm đến cửa thiền để nương náu. Còn chị, khi tận cùng của đau khổ, chị tìm đến điều gì để giải toả?

Không riêng gì Tư Chao mà người đàn bà nào trong đời cũng có những trải nghiệm, từng cười và từng khóc, từng hạnh phúc và có lúc đau đớn. Cuộc sống nhiều điều phải nghĩ, nhiều việc phải làm, nhưng tôi chưa đến mức tận cùng của sự đau khổ.

Khi nào buồn, tôi thường ôm ghita ngồi hát "Mặt đất còn gai chông. Bầu trời còn bão tố. Bao giờ anh đau khổ, hãy tìm đến với em".

Chị đã khóc ngon lành ở một cảnh khi tham gia diễn thử, ngoài đời mà cũng dễ khóc thì e rằng…?

Với những cảnh đòi hỏi nước mắt, tôi phải nghĩ đến một điều gì đó thật buồn, thí dụ cứ nghĩ đến mẹ là nước mắt tôi có thể tràn ra bất cứ lúc nào. Hơn nữa, tôi cũng là người dễ xúc động, nên khi nhập vai, tôi có thể khóc mà không cần "kỹ xảo". Hay khóc là điểm yếu của tôi ngoài đời.

Trong sự nghiệp ca hát của mình, nhìn lại chặng đường đã qua, điều gì khiến chị tự hào nhất?

Điều gì cũng làm tôi thấy đáng trân trọng cả. Tôi học đàn bầu từ năm 11 tuổi. Đến năm 17 tuổi, tôi đi hát. Cho đến giờ này, tôi vẫn hát bằng cảm xúc như lần đầu tiên vậy, đam mê, nhiệt huyết và nồng nàn. Vẫn yêu đàn bầu và học thêm ghi ta để hát cho khán giả nghe.

Album "Nghe giọt nắng phai" vừa phát hành của chị cũng là một dấu mốc ấn tượng!

Tôi mong là mọi người sẽ đón nhận album này của tôi, lắng nghe để chiêm nghiệm những gì đã qua, những gì đã mất và những gì còn đọng lại. Tôi đặt tên album như thế bởi giọt nắng này không phải là giọt nắng của bình minh và cũng không phải là khi hoàng hôn xuống, mà là giọt nắng chưa tan.

Năm tới, tôi dự định sẽ ra DVD gồm những bài đã gắn bó với tên tuổi của mình. Cũng phải khẩn trương vì giọt nắng...đang tan (cười).

MỚI - NÓNG