Thái Bình : Rủ nhau đi học... Ca trù

Thái Bình : Rủ nhau đi học... Ca trù
TP - Tại Liên hoan Ca trù toàn quốc diễn ra hồi tháng 10/2007 ở Hải Dương, đoàn Thái Bình được 2 giải Bạc cho hai ca nương Trần Thanh Trà và Nguyễn Thu Hường. Nếu biết rằng chỉ hơn 2 tháng trước đấy, cả tỉnh Thái Bình không ai hát được ca trù- mới thấy quả là kỳ tích.
Thái Bình : Rủ nhau đi học... Ca trù ảnh 1
Diễn viên chèo kiêm đào nương ca trù Nguyễn Thu Hường                 Ảnh: N.M.Hà

Làm nên kỳ tích này là các thầy từ CLB Ca trù Thăng Long- Hà Nội được Sở VHTT Thái Bình mời xuống gieo mầm ca trù. Tại Hà Nội, một số bạn trẻ cũng học ca trù tại CLB có người đào nương biết chơi đàn đáy này.

Lớp học tại Hà Nội có trên dưới chục người, thành phần đa dạng: sinh viên, phóng viên, doanh nhân, hưu trí... Sau 6 buổi học đã cơ bản thuộc 2 bài Bắc phản và Hồng Hồng Tuyết Tuyết, bước đầu tìm hiểu gõ trống chầu.

Một số bạn gái đang là học sinh Nhạc viện Hà Nội sẽ có cơ may được truyền dạy để trở thành đào nương, còn lại sẽ học ca trù để biết thưởng thức- nói cách khác là học để làm quan viên (đánh trống chầu).

Lớp học này được mở gối đầu sau một lớp học quy mô hơn ở Thái Bình với hơn 40 học viên đều là các diễn viên, nhạc công nhạc truyền thống đến từ đoàn Chèo, đoàn Cải lương, trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và từ các địa phương trong tỉnh.

Lớp học tổ chức theo đơn đặt hàng của Sở VHTT tỉnh Thái Bình với quyết tâm khôi phục nghệ thuật ca trù vốn đã thất truyền trên đất chèo. Một trong những mục đích của việc khôi phục ca này là “góp phần làm tăng thêm tính hấp dẫn cho du khách về Thái Bình du lịch nhân văn” (trích Báo cáo tổng kết lớp học).

Có thể hiểu đơn giản, khi du khách đến thăm làng nghề chạm bạc Đồng Sâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tất nhiên sẽ ghé đình làng- nếu ở đó có phục vụ ca trù thì rất hay vì ngoài thờ vua, thờ tổ nghề chạm bạc, đền còn thờ tổ nghề ca trù là bà Trình Thị (vợ Triệu Vũ Đế). Hội đền Đồng Sâm khi xưa có ca trù dưới dạnh hát thi và hát thờ- gọi là hát Chầu Cử.

Cứ đến tối thứ Bảy hàng tuần, một số bạn trẻ lại tụ họp ở căn gác số 8, ngõ 73, phố Giang Văn Minh- Hà Nội để học ca trù theo phong cách Ngãi Cầu. Lớp học miễn phí do CLB Ca trù Thăng Long tổ chức với sự tài trợ của quỹ Ford. Đào nương kiêm kép đàn Phạm Thị Huệ- giảng viên (bộ môn Tỳ bà) Nhạc viện Hà Nội đứng lớp với sự trợ giảng của 2 đào nhí- chính là em gái và con gái của chị là Linh Hương 11 tuổi, và Huệ Phương 8 tuổi, cùng học trò (cả đàn tỳ bà và đàn đáy) Nguyễn Thu Thủy. Sau chị Huệ, Thu Thủy- sinh viên Nhạc viện Hà Nội- là kép nữ thứ 2 đánh đàn đáy trên toàn quốc hiện nay. Thu Thủy và Huệ Phương vừa nhận học bổng Odon Vallete của Pháp dành cho đối tượng trẻ bảo tồn truyền thống. Huệ Phương sau 2 năm tiếp cận ca trù nay đã hát được 4 làn điệu, tương đối thành thạo trống và phách.

Những người từng xem hát Chầu Cử cuối cùng còn lại tuổi đều trên dưới 80, một người từng hát trong hội nay sắp 90. Hiện, một số làng ở Kiến Xương còn vài cụ bà tuổi ngoài 80 từng là đào nương thời trẻ.

Chúng tôi đến Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Thái Bình vào buổi tổng duyệt cho đêm biểu diễn tổng kết lớp học. Trên sân khấu từng nhóm đào kép quan viên tụ tập cho tiết mục của mình dưới sự coi sóc của các các sư phụ là nghệ nhân hát Nguyễn Thị Chúc (Hà Tây) và nghệ nhân đàn Nguyễn Phú Đẹ (Hải Dương).

Những âm thanh tiêu biểu của ca trù rộn ràng khắp hội trường, nổi nhất là tiếng phách, có cảm giác mỗi góc phòng đều có người gõ phách. Khán giả ngồi dưới toàn các cô các bác chiếm hết 2 hàng ghế, chăm chú dõi lên sân khấu, khe khẽ thảo luận chuyên môn.

Họ đều là học viên lớp học nhưng vì tuổi đã lớn nên được đào tạo theo hướng quan viên. Tất nhiên, đã đến với lớp, không ai là không muốn biểu diễn. Thành ra các “quan viên” có vẻ bứt rứt.

Thái Bình : Rủ nhau đi học... Ca trù ảnh 2
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ chỉnh sửa tay đàn cho học trò ở Thái Bình

Bà Chúc vừa bước xuống, lập tức quan viên Thúy Nhàn kéo tay ngồi cạnh để hát cho thầy sửa mấy câu ư hự. Chị Nhàn nói, nếu tỉnh không tổ chức lớp thì chị cũng sẽ “lên tận trung ương” để học ca trù. Chị vốn là thành viên CLB chèo và múa rối làng Nguyên Xá, Đông Hưng.

Nhà cách lớp học 13 km, lúc thì bắt ô tô, lúc thì con chở đi- 2 tháng 18 buổi, không bỏ buổi nào. “Chúng tôi cao tuổi, cô giáo không cho công diễn, trong lòng áy náy khó chịu. Vẫn biết rằng, phách chưa ăn, lời ca chưa chuẩn”, chị cả quyết, “chúng tôi sẽ về nhà học bằng được sau đó khăn gói quả mướp lên tận trung ương cho cô giáo kiểm tra để được cấp bằng”.

Tấm bằng là khá quan trọng vì lớp học đưa ra Điều lệ nghề nghiệp trong đó điều 5 ghi rõ: “Những học viên không có Giấy chứng nhận đạt kết quả trong khóa học không được phép ra hát trước công chúng, kể cả những cuộc họp riêng trong gia đình”.

Nhưng chị Nhàn thì vẫn tưởng có bằng là dạy được: “Muốn có bằng để dạy con cháu, hàng xóm muốn học tôi cũng sẽ không lấy một hào!”. Phải sau lễ Mở xiêm y hoặc được thầy truyền nghề cho phép thì mới được truyền nghề- điều lệ nghề nghiệp ghi rõ.

Thu Hường- vừa được HCB toàn quốc về ca trù- học Chèo ở trường tỉnh đã được 3 năm, còn 1 năm nữa là tốt nghiệp, thì cô giáo rủ đi học ca trù. Hường cho hay, bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết trên trang nhacso.net hát dài hơn, nhiều phách hơn, có cả đoạn Tuyết chê ông già... “Nhưng mình học thì phải khuôn khổ trước đã”, cô cho hay.

Không chỉ có cô trò cùng học, lớp còn có hai mẹ con chị Đinh Thị Thoa và em Tô Minh Trang nhà cách nơi học hơn 20 cây số. Không may anh trai của Trang phải vào viện cấp cứu, Trang định bỏ học đàn vào chăm anh, mẹ phải động viên mãi. Hai mẹ con nghe nói có tham gia hát văn quanh vùng, Trang vừa đỗ vào khoa đàn nguyệt Trường CĐ VHNT tỉnh.

Thái Bình : Rủ nhau đi học... Ca trù ảnh 3
Một tiết mục tại lễ tổng kết lớp học ca trù tại Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Thái Bình

Ông Nguyễn Văn Khôi, nhạc công ở Trung tâm Văn hóa huyện Đông Hà nói: “Mình đã biết về nhạc dân tộc (chèo) rồi thì càng học càng say. Đêm nào cũng cắm tai nghe đi nghe lại 6 bài cho đến 1-2 giờ sáng”. Được thầy khen có tiếng đàn đáy nuột nhất là anh Tùng Lâm- nguyên chơi nguyệt tại đoàn Chèo Thái Bình, con của 2 nghệ sĩ chèo nức tiếng Thái Bình- Thúy Hiền và Văn Mởn. Anh Lâm cho biết, cũng sẽ tìm mọi cách nâng cao tay đàn đáy.

Buổi tổng kết lớp học diễn ra suôn sẻ. Vì số lượng đông nên cứ 2 ca nương phụ trách một một tiết mục, chia ra mà hát. Chỉ có 3 làn điệu nhưng nhiều lời hát nên chương trình cũng khá rôm rả; nghe không kỹ chưa chắc đã biết chỉ có chừng ấy điệu hát.

Rút cuộc 12 ca nương và 4 nhạc công được nhận bằng. Để các “quan viên” yên lòng, một tiết mục đàn hát tập thể được xếp ở cuối chương trình- nghe không được êm tai lắm, nhưng ít ra cũng được một tấm ảnh cho mọi người làm kỷ niệm.

Thái Bình bước đầu coi như đã khôi phục được truyền thống ca trù. Và khách du lịch đến đây có thêm một món thưởng thức bên cạnh chèo, đúng như các lãnh đạo tỉnh mong muốn.

Nhưng không khỏi có những lo ngại vì mới chỉ có bề rộng mà chưa có nền tảng, chiều sâu. “Thôi thì học để biết cách hôm nào lên Hà Nội vào CLB Thăng Long mà thưởng thức”, ông Khôi tự an ủi. Được biết tới đây, Thái Bình sẽ thành lập những CLB Ca trù để giữ ngọn lửa mới nhen.

MỚI - NÓNG