Thâm căn, cố đế!

Thâm căn, cố đế!
TP - Xưa vì thiếu thốn nên quanh năm suốt tháng lúc nào cũng nghĩ đến chuyện ăn. Kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam có rất nhiều chuyện kể về những kẻ ăn vụng, tham ăn, ăn chực…
Thâm căn, cố đế! ảnh 1

Do đó, các lễ lạt, hội hè, cúng giỗ, ma chay… là dịp để người ta bày biện ra mà ăn. Những ai có việc vui thì phải khao làng, những ai có lỗi với làng cũng phải làm mấy mâm cơm rượu để tạ lỗi. Tục lệ ấy đã trở nên thâm căn cố đế và gây ra biết bao sự lãng phí, phiền toái.

Bây giờ, thử hỏi có một hội nghị, đại hội, liên hoan, cưới hỏi, ma chay, đình đám nào mà không tổ chức ăn uống, rượu chè… Nhiều người đi dự đám cưới về chỉ bình luận duy nhất chuyện thức ăn ngon hay dở, nhiều hay ít.

Người chết vừa nhắm mắt, đã mổ lợn, mổ bò rồi ăn uống ồn ào, chúc tụng nhau trong khi thân nhân đau buồn. Mà tổ chức ăn uống tập thể như thế nào có vệ sinh gì cho cam. Người ta cứ quan niệm không ăn uống thì không có tình cảm, ăn uống để thắt chặt tình đoàn kết…

Mặc dù chính quyền các cấp đã có chỉ thị giảm việc tổ chức ăn uống linh đình trong các dịp lễ lạt, cưới hỏi nhưng xem ra “phép vua còn thua lệ làng”. Sao mà ăn lắm thế?

Dại đoàn hơn khôn độc

“Toét mắt là tại hướng đình. Cả làng toét mắt riêng mình em đâu”. Nếu như một mình cô gái toét mắt, sự việc sẽ rất nghiêm trọng, nhưng đây là chuyện của “cả làng”.

Người nông dân ngày xưa sống trong thôn xóm, làng xã có mối quan hệ gắn bó không thể tách rời. Vì vậy, mỗi “đường đi nước bước” trong đời sống đều chịu sự chi phối của dư luận, của tập tục, thói quen.

Nếu như có một cái mới mà đúng đắn, tiến bộ nhưng không được cộng đồng chấp nhận thì lại bị quy thành sai, thành lập dị, còn nếu như cộng đồng đã chấp nhận thì những hành vi sai trái, kém văn hóa cũng trở nên bình thường, “quen mắt”.

Ví dụ, người nước ngoài khi sang Việt Nam đều hết sức kinh ngạc vì  hành vi trai gái hôn nhau thì kéo vào chỗ tăm tối, nhưng thản nhiên đứng tè bậy bên đường đông đúc người qua lại của thanh niên.

Đàn ông đánh vợ, rượu chè bê tha là chuyện thường, song nếu như anh ta giặt đồ cho vợ thì rất có thể lại trở thành “chuyện lạ của xóm”.

Bây giờ, tệ nạn tham nhũng tràn lan đến mức có người đã nêu ra lí thuyết “sống chung với tham nhũng”, người chống tham nhũng thì dễ bị cho là “thần kinh có vấn đề” hay “ương ngạnh, chống đối” …

Do, vì, tại, bởi

Trước mỗi sai lầm, thất bại, không chịu nhận trách nhiệm về phía mình mà thường tìm cách đổ lỗi cho một ai đó, hay tìm ra một lí do “bất khả kháng” nào đó để biện hộ.

Nhiều ông bố nếu như con học hành giỏi giang, ngoan ngoãn thì bảo “nhờ công bố, nhờ gien bố”, còn nếu con không ngoan thì đổ lỗi “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Những kẻ theo chủ nghĩa này rất thích kiểu “hòa cả làng”, tự ru ngủ trong những thành tựu tưởng tượng, không dám nhìn thẳng vào sự thật.

Sống lâu lên lão làng

Người nông dân ngày xưa sống phụ thuộc vào thời tiết, vì vậy rất coi trọng người có tuổi – những kho kinh nghiệm quý giá. Tư tưởng này đến nay biểu hiện trong quan niệm hoài nghi, không tin cậy lớp trẻ, không giao trọng trách cho lớp trẻ.

Nhiều cán bộ tài năng chưa được cất nhắc vì “còn trẻ quá”. Người có tuổi được xem là những “người có nhiều cống hiến”, nghiễm nhiên trở thành những bậc trưởng thượng; thường chỉ đạo lớp trẻ và vin vào tuổi tác để trốn tránh trách nhiệm.

Cục bộ, địa phương

Ảnh hưởng của tầm nhìn không qua khỏi cổng làng chật hẹp và tư duy “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, đa số người Việt Nam có tâm lý cục bộ, bản vị, địa phương chủ nghĩa.

Cơ chế “xin-cho” xuất phát từ “chủ nghĩa” này và đang gây ra rất nhiều hậu quả tai hại, dẫn đến tình trạng mất công bằng trong xã hội.

Bằng cấp

Chỉ cần thi đỗ là người nông dân được đổi đời, từ anh chân trắng nghiễm nhiên gia nhập tầng lớp thượng lưu, vinh hiển. Trong các đại hội, lễ lạt thường mở đầu bằng một lô một lốc những “kính thưa”, giới thiệu chức danh dài dằng dặc.

Người ta ai cũng đổ xô nhau đi thi đại học, không cần biết học xong có tấm bằng cử nhân trong tay sẽ làm gì để kiếm sống; nếu thi không đậu thì tìm cách theo học các lớp tại chức, từ xa…

Báo chí đã thống kê, Việt Nam là nước có nhiều giáo sư tiến sĩ nhất Đông Nam Á nhưng lại có rất ít công trình khoa học có giá trị được công bố bởi các “học giả” đó.

Địa phương nào cũng muốn làm hồ sơ để phong anh hùng, đi đâu cũng gặp biển hiệu làng xã văn hóa… Ai cũng cố tìm kiếm một địa vị, một chức danh, cũng muốn làm “lãnh đạo”, làm “thầy” mà không hề muốn làm thợ…

Còn rất nhiều “chủ nghĩa” mà các bài báo khác đã đề cập. Đến lúc chúng ta nên nghiêm khắc nhìn lại mình để đấu tranh với những thói hư tật xấu, vượt thoát ra khỏi những cách nhìn, cách nghĩ lạc hậu, từng bước xây dựng nếp sống văn minh.

  “Kéo nhau cùng xuống” ai tài,
“Chó ăn vã mắm” lai rai cả đời.
“Giàu người ta ghét” ai ơi,
“Thù dai, cố chấp” một mình lên cao.
Thọc gậy bánh xe” vượt rào,
“Đồng tiền đi trước” vừa lòng,
“Buôn cơ chế” chạy lòng giàu nhanh.
Thẳng thắn “xuống dốc không phanh”,
“Ăn nhanh, đi chậm” bán danh hứa lèo.
“Thương nhau như chó với mèo”,
Chó mất cảnh giác, mèo leo lên đầu.
Việt Nam hội nhập toàn cầu,
Bao nhiêu “thói xấu” đi... chầu  “Diêm Vương”.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.